Đến với các bản người Tày trên địa bàn tỉnh Yên Bái, chắc nhiều người sẽ bất ngờ và tò mò về cách gói bánh chưng của người Tày nơi đây. Theo đó, khác với những chiếc bánh chưng hình vuông hay bánh tép thẳng tắp, thì những chiếc bánh của người Tày lại mang những nét đặc trưng riêng, khác biệt với hình dài và phần lưng bánh được những người phụ nữ khéo tay tạo thành dáng gù khác lạ.
Như đã biết, Yên Bái là nơi cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số như: Người Dao, người Mông, người Tày,... Với địa hình phần lớn là núi, cuộc sống của người dân khá vất vả. Do đó, khi đến với các bản người Dao, người Tày,.. trên địa bàn tỉnh, người ta sẽ chẳng khó để bắt gặp hình ảnh về những người phụ nữ đeo gùi trên lưng vượt đèo, lội suối, làm nương,... với dáng lưng gù xuống để làm việc. Do đó, từ những đặc điểm, điều kiện sống, nên những người dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã biến tấu, sáng tạo ra những chiếc bánh gù với kích thước vừa phải, dễ dàng bóc, mang theo khi đói. Từ đó, tạo thành nét đặc trưng riêng, mang đậm nét đẹp văn hóa dân tộc. Hơn thế, bánh chưng gù còn là cách để tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ vùng cao, ca ngợi sự chăm chỉ, chịu khó, cần cù của bà con.
Bánh chưng gù – Nét đẹp văn hóa của người dân tộc Tày Yên Bái
Nguyên liệu và cách thức làm “bánh chưng gù”
Để có những chiếc bánh chưng gù thơm ngon, đạt chuẩn thì công đoạn chọn nguyên liệu làm bánh cần tỉ mỉ, và kỹ lưỡng. Theo đó, nguyên liệu để làm ra món bánh chưng gù bao gồm gạo nếp nương, đỗ xanh loại nhỏ, thịt lợn rừng, lá dong, lạt buộc.
Đặc biệt, về lá dong để gói bánh thì cần lựa chọn những lá đều nhau, không bị rách, sau đó mang về rửa sạch, buộc vào cột nhà để lá ráo nước, khi gói đảm bảo lá mềm, dễ uốn dáng gù phùng lên ở phần bụng và thuôn về hai bên. Về gạo nếp: Để đảm bảo bánh chưng gù được thơm ngon, bà con sẽ chuẩn bị gạo nếp nương, trước khi dùng để gói, gạo được ngâm với lá riềng xay lọc sạch để tạo nên màu xanh tự nhiên, bắt mắt.
Lá dong đều đẹp giúp gói bánh chưng gù dễ dàng, bắt mắt hơn
Đặc biệt, để tạo nên những chiếc bánh chưng gù nhỏ xinh, thơm ngon thì rất cần đến bàn tay khéo léo của các chị em, từ công đoạn gói cho đến cách buộc lạt. Theo đó, bánh được gói bằng lá dong rừng, gạo nếp dải đều trên lá dong sau đó cho thêm đỗ và thịt ba chỉ kèm theo các gia vị, gấp hai mép của lá dong lại để tạo nên hình dáng của chiếc bánh. Sau khi gấp mép sẽ dùng lạt buộc lại, đảm bảo phần bụng bánh phùng và thuôn dần về 2 bên, tạo thành dáng gù đặc trưng. Tiếp sau đó, đem bánh đi luộc khoảng 7 -8 tiếng để đạt được độ chín vừa vặn, gạo nếp dền dẻo, đỗ xanh mịn bùi, thịt lợn thơm. Người dân địa phương luộc bánh bằng bếp củi truyền thống không dùng bếp điện. Tiêu và muối trong phần nhân thịt đỗ được ướp vừa vặn, thịt tơi, mềm bánh ăn rất ngon không lo bị lại gạo. Vì vậy, bánh chưng gù có hương vị rất đặc trưng của vùng núi không nơi đâu sánh bằng.
Bánh chưng gù được gói bằng gạo nếp nương, thịt lợn rừng hấp dẫn
Có thể thấy, vẫn giữ nguyên được truyền thống của dân tộc với chiếc bánh đầy đủ gạo nếp, đỗ, thịt cùng lá dong. Nhưng với sự sáng tạo riêng, mà những người dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sáng tạo ra những chiếc bánh riêng biệt, phù hợp với tính đặc trưng của dân tộc.
Tin rằng, với tinh thần đó cùng sự quan tâm của các cấp chính quyền trên địa bàn, những nét đẹp văn hóa như: bánh chưng gù, bánh sừng trâu,... sẽ tiếp tục tạo nên những nét riêng, góp phần làm nên văn hóa, nét đẹp của mỗi vùng miền, dân tộc.