20/01/2025 lúc 00:45 (GMT+7)
Breaking News

Ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam

VNHN - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 43/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam.

VNHN - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 43/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam.

Theo đó, hệ thống sản phẩm được chia thành 7 cấp: Năm cấp đầu (cấp 1 đến cấp 5) về cơ bản giống Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam; cấp 6 - nhóm sản phẩm và cấp 7 - sản phẩm. Quyết định cũng nêu rõ nội dung của các cấp sản phẩm Việt Nam.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2018. Quyết định số 39/2010/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam và Thông tư số 19/2010/TT-BKH ngày 19/8/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định nội dung Hệ thống sản phẩm Việt Nam hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành theo Quyết định số 39/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 19/2010/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (gọi tắt là VCPA 2010) trong những năm qua đã phát huy tốt vai trò trong thu thập, biên soạn và công bố số liệu về sản phẩm. Tuy nhiên, đến nay Hệ thống ngành sản phẩm cần được sửa đổi, ban hành mới vì một số lý do sau: Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam căn cứ Luật thống kê 2015 đã thay thế Hệ thống ngành kinh tế 2007. Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam được phát triển dựa trên hệ thống ngành kinh tế nên cũng phải thay đổi.

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và sự thay đổi về cơ cấu kinh tế dẫn đến ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm mới, các sản phẩm phát triển đa dạng hơn hoặc đã thay đổi về tính chất. Nhiều sản phẩm mới xuất hiện và phát triển mạnh mẽ như các sản phẩm công nghiệp, công nghệ thông tin, linh kiện điện tử... cũng như nhiều dịch vụ ra đời để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

VCPA2010 được xây dựng trên cơ sở thống nhất phân loại sản phẩm theo hoạt động của thống kê Châu Âu (CPA 2008); Phân loại sản phẩm trung tâm của thống kê Liên Hiệp Quốc (CPC 2.0); Danh mục xuất nhập khẩu hàng hóa (HS 2007). Đến nay, Danh mục xuất nhập khẩu hàng hóa đã được cập nhật (HS 2012), do vậy Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam cần được sửa đổi theo.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu sửa đổi hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam là phản ánh được sự thay đổi về các ngành sản phẩm trong nền kinh tế Việt Nam.

Hệ thống ngành sản phẩm là bảng phân loại các sản phẩm dựa trên các ngành kinh tế, nhằm sắp xếp các sản phẩm được tạo ra theo từng ngành kinh tế. Thông qua Hệ thống này có thể thấy được cơ cấu sản phẩm theo ngành kinh tế cũng như của cả nền kinh tế. Khi kinh tế phát triển, các ngành kinh tế đã có nhiều thay đổi dẫn đến sự thay đổi của các sản phẩm do các ngành này tạo ra. 

Sự thay đổi này thể hiện ở 4 mặt: (1) các sản phẩm công nghiệp, công nghệ thông tin, dịch vụ về bất động sản..., đòi hỏi phải bổ sung vào hệ thống ngành sản phẩm; (2) nhiều sản phẩm, do yêu cầu của phát triển thị trường, phát triển chuyên môn hoá cao hơn, đa dạng hơn đòi hỏi hệ thống ngành sản phẩm phải được chi tiết hơn (không dừng lại ở cấp 5 mà cần chi tiết đến cấp 7); (3) nhiều sản phẩm đã thay đổi về tính chất nên cần được sắp xếp lại vào những ngành sản phẩm cho phù hợp như các sản phẩm về chế biến chế tạo, xuất bản, thương mại; (4) một số luật và văn bản quy phạm pháp luật mới sửa đổi, bổ sung nên một số ngành dịch vụ phải được cập nhật./.