Theo “Tổng hợp số liệu khai thác các chuyến bay đúng giờ, chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam – 5 tháng năm 2022” mới Cục Hàng không Việt Nam cập nhật trên trang chính thức, Bamboo Airways là hãng bay dẫn đầu toàn ngành hàng không nội địa về tỉ lệ OTP, với 96,9% chuyến bay cất cánh đúng giờ - duy trì tỉ lệ đã đạt được trong 4 tháng đầu năm 2022 và tăng 4 điểm so với giai đoạn cùng kỳ năm 2021.
Bamboo Airways cũng là cái tên duy nhất trong top 3 hãng bay nội địa lớn nhất về quy mô khai thác bảo toàn được tỉ lệ đúng giờ trên 90%. Hai hãng Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt ghi nhận tỉ lệ đúng giờ là 86,5% (giảm 7,8 điểm so với cùng kỳ) và 86,7% (giảm 5,9 điểm so với cùng kỳ). Tỉ lệ đúng giờ trung bình của toàn ngành hàng không Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 89% - giảm 5,2 điểm so với cùng kỳ 2021.
Tương ứng với đó, Bamboo Airways là hãng bay có tỉ lệ chậm chuyến thấp nhất trong 3 “ông lớn” hàng không nội địa. Trong 5 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines ghi nhận tỉ lệ chậm chuyến là 13,5% (tăng 7,8 điểm so với cùng kỳ) còn Vietjet Air có 13,3% chuyến bay bị chậm (tăng 5,9% so với cùng kỳ). Trong khi đó, tỉ lệ này ở Bamboo Airways là 3,1% (giảm 0,2 điểm so với cùng kỳ).
Tỉ lệ chậm chuyến của toàn ngành trong giai đoạn này ở mức 11%, tăng 5,2 điểm so với cùng kỳ.
Về tỉ lệ hủy chuyến, Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt đã hủy 1,2% và 0,3% các chuyến bay trong 5 tháng đầu năm 2022, tương ứng giảm 2,4 điểm và 0,3 điểm so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ hủy chuyến của toàn ngành là 0,6% - giảm 1 điểm so với cùng kỳ.
Bamboo Airways là hãng bay ít hủy chuyến nhất trong top 3 với tỉ lệ 0,1% - giảm 0,2 điểm so với cùng kỳ 2021.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, ngành hàng không Việt Nam đã liên tục ghi nhận những dấu hiệu hồi phục tích cực. Theo dữ liệu vừa được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là nước đứng thứ 1 trong 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.
Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm, các hãng bay nội địa đã vận chuyển 20,1 triệu khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021. Số lượng khách quốc tế đạt 667 nghìn khách, khách nội địa đạt 19,5 triệu khách. Dự kiến trong năm nay, các bay nội địa sẽ vận chuyển 43,3 triệu khách, tăng 185% so với năm 2022. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành hàng không Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng vọt của người dân sau dịch, các hãng bay nội địa đã nhanh chóng tăng cường khai thác, mở mới nhiều đường bay nội địa và quốc tế. Tổng số chuyến bay của hầu hết các hãng hàng không Việt Nam trong 5 tháng đầu năm tăng từ 4 – 28,2% so với cùng kỳ và vẫn có xu hướng tăng khi người dân cả nước đang đón đợt cao điểm hè không bị giới hạn di chuyển đầu tiên sau 2 năm.
Nhằm đảm bảo các chuyến bay cất cánh đúng giờ trong dịp cao điểm hè, các hãng hàng không nội địa đang nỗ lực giảm thiểu các nguyên nhân gây chậm, hủy chuyến. Đại diện Bamboo Airways cho biết hãng duy trì thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bao gồm tối ưu hóa lịch khai thác đường bay, bảo dưỡng máy bay, đồng thời tăng cường các nguồn lực như đội ngũ nhân viên, tiếp viên, tổ lái, đến vật lực như trang thiết bị, khí tài… để duy trì tỉ lệ đúng giờ ở mức cao.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu chấn chỉnh tình trạng chậm, hủy chuyến. Thứ trưởng đề nghị Cục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các hãng hàng không để kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Cùng đó, xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không để đưa ra giải pháp xử lý.
Cục Hàng không Việt Nam cũng có trách nhiệm chỉ đạo các hãng hàng không tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hàng không, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển trong điều kiện chậm, hủy chuyến.