26/12/2024 lúc 19:20 (GMT+7)
Breaking News

Bài học kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế lớn tại Tòa án Hà Nội

VNHN - Trong những năm qua, TAND thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ xét xử rất nhiều vụ án tham nhũng lớn, điển hình như: vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm; vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm...

VNHN - Trong những năm qua, TAND thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ xét xử rất nhiều vụ án tham nhũng lớn, điển hình như: vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm; vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm... Tất cả các vụ án đều được tổ chức xét xử thành công, rút ra được những kinh nghiệm thiết thực cho hoạt động xét xử loại tội phạm này.

Xét xử vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG – Ảnh: Doãn Tấn – BTN

Tham luận trình bày tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2020 của TAND tp Hà Nội cho biết: Năm 2019, TAND Tp Hà Nội tiếp tục được Trung ương và Thành phố tin tưởng giao nhiệm vụ xét xử nhiều vụ án lớn như: các vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Liên doanh Việt Nga Vietsopetro, Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin; vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm truy tố về các tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, và gần đây nhất là vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”,“Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone được đưa ra xét xử từ ngày 16/12/2019 đến ngày 28/12/2019 và vụ án Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch và cán bộ UBND Thành phố Đà Nẵng.

TAND Tp Hà Nội đã giải quyết được 32.606 vụ án các loại, đạt tỷ lệ 91%, tăng 2.605 vụ so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 07/ 09 vụ thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi với một số kết quả đáng ghi nhận như sau:

Một là, tất cả các vụ án đều được khẩn trương nghiên cứu hồ sơ, đưa ra xét xử kịp thời, đáp ứng yêu cầu chính trị.

Hai là, công tác chuẩn bị các phiên tòa được tổ chức chu đáo, an ninh trật tự được đảm bảo, thông tin tuyên truyền được chú trọng, mọi diễn biến về phiên tòa đều được kịp thời cập nhật đến nhân dân trên cả nước.

Ba là, các phiên tòa đều được tổ chức theo tinh thần cải cách tư pháp, việc tranh tụng được đảm bảo, không hạn chế thời gian tranh tụng, giúp đảm bảo quyền con người; phán quyết của Hội đồng xét xử đều dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, thể hiện sự dân chủ, công khai, khách quan.

Bốn là, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đặc biệt được chú trọng; năm 2019, có những vụ án thu hồi được cho Ngân sách Nhà nước toàn bộ số tiền Nhà nước bị thiệt hại và số tiền chiếm hưởng của các bị cáo, điển hình là vụ án xảy ra tại AVG.

Năm là, bản án của Tòa án được lập luận chặt chẽ, sắc bén, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu nhưng cũng giảm nhẹ và khoan hồng đối với những bị cáo có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bồi thường toàn bộ thiệt hại, tài sản chiếm hưởng, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, được dư luận trong nước và quốc tế đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; đáp ứng được yêu cầu và sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay.

Để đạt được những kết quả nêu trên, thì công tác tổ chức xét xử được thực hiện một cách rất công phu và kỹ lưỡng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, trước khi Tòa án thụ lý vụ án, lãnh đạo TAND Tp Hà Nội đã chủ động lựa chọn Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có năng lực chuyên môn cao, bản lĩnh chính trị vững vàng để phối hợp cùng Điều tra viên và Kiểm sát viên trong việc nghiên cứu hồ sơ, kịp thời yêu cầu thu thập bổ sung những tài liệu cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng không phải là để thống nhất tội danh, mức hình phạt, làm ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử mà là để giúp Thẩm phán có điều kiện nắm vững hồ sơ và hiểu được bản chất hành vi phạm tội của bị cáo, mỗi cơ quan sẽ làm tốt hơn chức năng của mình, giúp việc xây dựng hồ sơ được chặt chẽ, hạn chế tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đồng thời có thể đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án và đảm bảo nguyên tắc Hiến định “phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực”.

Thứ hai, ngay sau khi hồ sơ sang Tòa, lãnh đạo TAND Tp Hà Nội đều chủ động phối hợp cùng Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xây dựng kế hoạch xét xử, như: trình tự hỏi, thời gian xét hỏi, nội dung xét hỏi, kế hoạch cách ly, đối chất các bị cáo (nếu thấy cần thiết, đối với những bị cáo có lời khai mâu thuẫn hoặc dự báo sẽ thay đổi lời khai tại phiên tòa), thứ tự hỏi các bị cáo, đưa ra các tài liệu, chứng cứ nào cho phù hợp với diễn biến tại phiên tòa, kế hoạch và phương pháp đấu tranh để thu hồi tài sản tham nhũng; và đặc biệt Thẩm phán phải tiên lượng, dự báo các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa như tình huống hoãn phiên tòa vì bị cáo ốm, luật sư vắng mặt hoặc bị cáo, luật sư đưa ra tài liệu, chứng cứ mới, thiếu người tham gia tố tụng, bị cáo chối tội… để có phương án xử lý phù hợp, tránh hoãn phiên tòa; tạo sự chủ động cho Hội đồng xét xử trong việc điều hành phiên tòa.

Điển hình như trong vụ án xảy ra tại Mobifone, bị cáo Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông lúc đầu không thừa nhận hành vi nhận hối lộ, nhưng với phương pháp đấu tranh kiên trì, mềm dẻo, cho đối chất, công bố lời khai của các bị cáo khác và công bố một phần nội dung thư mà bị cáo đã viết gửi vợ trong quá trình điều tra thì chỉ sau thời gian nghỉ trưa, bị cáo đã thừa nhận đã nhận tiền hối lộ và tại lời nói sau cùng, bị cáo đã gửi lời xin lỗi Tổng Bí thư, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân và đã động viên người nhà khắc phục toàn bộ số tiền bị cáo đã chiếm hưởng từ việc nhận hối lộ là hơn 66 tỷ đồng. Đây là vụ án đầu tiên thu hồi được toàn bộ số tiền Nhà nước bị thiệt hại và toàn bộ số tiền chiếm hưởng của các bị cáo, là điển hình của kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Qua phiên tòa này, càng chứng minh tính đúng đắn của việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, góp phần nâng cao niềm tin của người dân vào nền tư pháp, đáp ứng được yêu cầu và sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Thứ ba, trong suốt quá trình tổ chức xét xử, Hội đồng xét xử đều bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, không hạn chế thời gian tranh tụng, Kiểm sát viên thực hiện đối đáp đến cùng, tạo sự dân chủ, công khai khách quan, giúp bảo đảm quyền con người; phán quyết của Hội đồng xét xử dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa và không bó hẹp trong phạm vi Cáo trạng truy tố. Mặt khác, hầu hết vụ án tham nhũng, Hội đồng xét xử đã chủ động kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ các hành vi khác nếu có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.

Điển hình như, tại Bản án xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm từ ngày 28/01/2019 đến 30/01/2019, Hội đồng xét xử đã kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục làm rõ các hành vi cấp đất của các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại Tp Hồ Chí Minh và Tp Đà Nẵng, nếu có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật. TAND Tp Hà Nội hiện nay đang xét xử vụ án liên quan đến sai phạm của một số cán bộ UBND thành phố Đà Nẵng trong việc quản lý đất đai, là kết quả của kiến nghị từ Bản án trên.

Thứ tư, trong suốt quá trình diễn ra các phiên tòa, TAND Tp Hà Nội đều chủ động tạo điều kiện tối đa để các cơ quan thông tin báo chí kịp thời theo dõi được mọi diễn biến và kết quả phiên tòa để truyền tải nhanh chóng những kết quả đạt được của phiên tòa đến nhân dân, qua đó góp phần giúp nhân dân thấy rõ sự minh bạch trong các quy định pháp luật, sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm tăng thêm sự tin tưởng của nhân dân vào đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta. Sau khi kết thúc các phiên tòa, lãnh đạo cùng Hội đồng xét xử đều tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá những điểm đạt được, cũng như rút ra những điểm cần khắc phục để có thể tổ chức các phiên tòa ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh đó, công tác xét xử án tham nhũng của TAND Tp Hà Nội cũng gặp phải một số khó khăn như: thời gian nghiên cứu hồ sơ ngắn; tính chất phức tạp của các vụ án, các bị cáo đều là người có chức vụ, quyền hạn nên thủ đoạn phạm tội thường rất tinh vi, hành vi phạm tội diễn ra trên nhiều địa phương, thời gian phạm tội kéo dài, nên việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, diện truy tố và thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn; bên cạnh đó, về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho việc tổ chức xét xử của của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội còn rất khó khăn, như: Hội trường xét xử chưa đáp ứng được yêu cầu để tổ chức những phiên tòa lớn, đông người tham gia tố tụng, các trang thiết bị phục vụ cho công tác an ninh, hệ thống máy tính cho luật sư, thiết bị theo dõi phiên tòa, truyền tin đến phòng báo chí… đều do các cơ quan khác cung cấp, hỗ trợ; kinh phí phục vụ cho việc xét xử còn hạn chế.

Thái Vũ