19/11/2024 lúc 09:32 (GMT+7)
Breaking News

'Bạch tuộc' chống tăng của Quân đội Nga

VNHNO - Sức mạnh hỏa lực của xe tăng, tính cơ động của xe chiến đấu bộ binh và khả năng lội nước ở bất kỳ độ sâu nào- đó là những đặc tính của pháo chống tăng tự hành độc đáo Sprut-SDM1, sẽ được chuyển giao cho Lực lượng Đổ bộ hàng không Nga (VDV) vào năm 2019. Trong các đợt thử nghiệm, cỗ pháo này đã tỏ ra hiệu quả đến nỗi các nhà phát triển muốn đưa nó ra thị trường nước ngoài.

VNHNO - Sức mạnh hỏa lực của xe tăng, tính cơ động của xe chiến đấu bộ binh và khả năng lội nước ở bất kỳ độ sâu nào- đó là những đặc tính của pháo chống tăng tự hành độc đáo Sprut-SDM1, sẽ được chuyển giao cho Lực lượng Đổ bộ hàng không Nga (VDV) vào năm 2019. Trong các đợt thử nghiệm, cỗ pháo này đã tỏ ra hiệu quả đến nỗi các nhà phát triển muốn đưa nó ra thị trường nước ngoài.

Nguyên mẫu đầu tiên của pháo chống tăng tự hành hiện đại hóa Sprut-SDM1 (Bạch tuộc) đã được giới thiệu trước công chúng tại Diễn đàn kỹ thuật-quân sự quốc tế Army-2015. Nga bắt đầu công tác thử nghiệm Sprut-SDM1 ở khu vực Pskov tại bãi thử Strugi Krasnye vào năm 2016. 

Khác với “người anh trai” Sprut-SD, được thiết kế dựa trên khung gầm xe chiến đấu đổ bộ BMD-3, Sprut-SDM1 được tạo ra trên nền tảng khung gầm xe chiến đấu đổ bộ BMD-4M. Ngoài ra, Sprut-SDM1 được trang bị động cơ mạnh mẽ, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, thiết bị nhắm mục tiêu hiện đại, hệ thống theo dõi mục tiêu tự động. Bên cạnh đó, cỗ pháo tự hành này còn được trang bị tổ hợp tên lửa điều khiển mới, có thể hủy diệt xe bọc thép đối phương ở khoảng cách gần 5 km.

Pháo chống tăng tự hành Sprut-SDM1 tại Diễn đàn kỹ thuật-quân sự quốc tế Army-2015. Nguồn: Bmpd.livejournal.com

Với tính cơ động cao, pháo tự hành chống tăng Sprut-SDM1 cùng với kíp lái 3 người có thể  được thả xuống theo đường không bằng dù, hoặc cũng có thể đổ bộ xuống khu vực bờ biển từ tàu đổ bộ. Với trọng lượng chiến đấu khi mang đủ vũ khí là 18 tấn, Sprut-SDM1 được trang bị khẩu pháo nòng trơn 250mm 2A75.

Để vô hiệu hóa lực lượng binh sĩ của đối phương và các loại xe bọc thép hạng nhẹ, Sprut-SDM1 còn có thêm súng máy điều khiển từ xa 7,62mm và súng máy đồng trục 7,62 mm gắn trên tháp pháo trong thành phần vũ khí. Sprut-SDM1 có thể tăng tốc lên đến 70km/h trên đường bộ và di chuyển với tốc độ gần 7km/h trong các khu vực có nước. Một ưu điểm khác của Sprut-SDM1 là kíp lái có thể khai hỏa tấn công đối phương ngay cả khi cỗ pháo này đang di chuyển dưới nước.

Pháo chống tăng tự hành Sprut-SDM1 khai hỏa. Nguồn: RIA.

Bạch tuộc không phải là loại xe lội nước đầu tiên của Nga. Từ đầu những năm 1950, Quân đội Liên Xô đã phát triển xe chiến đấu lưỡng cư PT-76. Dự án này đã được đề xuất vào cuối những năm 1940, có tính đến các kinh nghiệm của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Người ta cho rằng trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn với các nước phương Tây, các hoạt động chiến đấu chính sẽ diễn ra ở Trung Âu và Quân đội Liên Xô sẽ phải vượt qua nhiều chướng ngại vật nước.

Tuy nhiên, sự nghiệp phục vụ quân đội của PT-76 là tương đối ngắn ngủi. Cỗ máy này được sản xuất hàng loạt chỉ trong khoảng thời gian 15 năm. Sau đó, do sự phát triển nhanh chóng của vũ khí tên lửa hạt nhân, khái niệm sử dụng xe bọc thép đã thay đổi hoàn toàn. Kết quả là nhu cầu của quân đội về xe tăng lội nước bị suy giảm. Chỉ còn các đơn vị trinh sát của Lục quân và Lực lượng Đổ bộ đường không sử dụng những cỗ xe lội nước này.

Đến cuối những năm 1960, xe tăng lội nước trở nên thực sự lỗi thời khi khung gầm và vũ khí trang bị trên cỗ máy này không đáp ứng được điều kiện chiến đấu thực tế khi đó. Cỗ máy mới tại thời điểm đó, xe chiến đấu bộ binh BMP-1 với khả năng vượt trội hơn PT-76 đã hủy diệt hoàn toàn dự án này. Một số xe tăng lưỡng cư PT-76 ở lại phục vụ trong lực lượng vũ trang, số còn lại được bán hoặc chuyển giao không hoàn lại cho các quốc gia có mối quan hệ thân thiết với Liên Xô. PT-76 đã chiến đấu tại Việt Nam và tham gia vào cuộc chiến ở Trung Đông…

Xe tăng lưỡng cư PT-76 di chuyển trên sông trong đêm. Nguồn: RIA.

Mặc dù dự án xe chiến đấu bộ binh thu được kết quả thành công, các nhà thiết kế vũ khí vẫn không từ bỏ ý tưởng chế tạo một cỗ máy lội nước hạng nhẹ, mang theo vũ khí hạng nặng. Do đó, vào đầu những năm 1990, họ đã phát triển pháo chống tăng đổ bộ tự hành 2S25 Sprut-SD, được trang bị pháo cỡ nòng 125mm. Sau khi được Quân đội Nga tiếp nhận vào năm 2005, 2S25 Sprut-SD được tăng cường cho một số đơn vị của VDV.

Pháo chống tăng tự hành Sprut-SDM1 với hỏa lực mạnh mẽ cùng khả năng cơ động cao sẽ là trợ thủ đắc lực cho các đơn vị của VDV và Thủy quân lục chiến trong việc thực hiện các nhiệm vụ ở hậu phương kẻ thù hoặc phá vỡ hệ thống phòng vệ bờ biển của chúng khi tiến hành đổ bộ xuống bờ biển. Pháo chống tăng tự hành này thích hợp với nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực cho Lục quân, chiến đấu với xe bọc thép, phá hủy căn cứ và thiết bị phòng thủ của kẻ thù.

Tất nhiên, về mức độ bảo vệ, Sprut-SDM1 vẫn chưa thể sánh với các xe tăng chiến đấu. Dù Sprut-SDM1 được trang bị giáp phản ứng nổ nhưng khi va chạm trực tiếp với những chiếc xe hạng nặng hơn, cỗ pháo tự hành vẫn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên,  chuyên gia quân sự  Alekxei Leonkov nhận định: "Bản lĩnh của kíp lái có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong trận chiến. Ví dụ, các chiến sĩ xe tăng Iraq lái chiếc T-62 và thậm chí là T-54 cũ kỹ vẫn có thể đối phó khá tốt với xe tăng Abrams của Mỹ. Và trong những năm của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, dù thua kém đối thủ về vũ khí trang bị và lớp giáp bảo vệ, xe tăng T-34 của Liên Xô vẫn tiêu diệt được xe tăng hạng nặng Tiger và Panther của Đức”.

Liên quan tới vấn đề xuất khẩu, Sprut-SDM1 là trang thiết bị quân sự đặc biệt hấp dẫn đối với lực lượng vũ trang của các quốc đảo. “Lực lượng chống chính phủ đang thường xuyên di chuyển từ đảo này sang đảo khác bằng xuồng máy. Đối phó với chúng rất khó khăn. Trong khi đó, Bạch tuộc có thể hoạt động độc lập, âm thầm đổ bộ xuống bờ biển và tiêu diệt đối phương”, chuyên gia quân sự  Alekxei Leonkov phân tích./.

Theo Qdnd.vn