28/04/2024 lúc 17:28 (GMT+7)
Breaking News

Bác sĩ Cao Hữu Thịnh: Hiểu đúng về trữ đông trứng để không lỡ hẹn với “thiên thần tương lai”

“Làm mẹ là một thiên chức đối với bất kì người phụ nữ nào. Nhưng thực tế, không phải ai cũng được vẹn toàn. Nhiều trường hợp do bệnh lý, nhưng có những trường hợp chị em phụ nữ lại vô tình bỏ qua giai đoạn tốt nhất cho việc làm mẹ. Từ 35 tuổi trở đi, chức năng sinh sản của phụ nữ giảm rõ rệt, chủ yếu là do sự suy yếu của buồng trứng. Do đó, trữ đông trứng là một lựa chọn mở ra cho nhiều chị em phụ nữ cơ hội có con dù “giai đoạn vàng” sinh sản đã đi qua.” - Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Hữu Thịnh.
Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Hữu Thịnh.
Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Hữu Thịnh

Phụ nữ cần hiểu rõ hơn về thiên chức của mình 

Đối với nữ giới, độ tuổi thích hợp nhất cho việc có thai và sinh con là từ 20 đến 30 tuổi. Ở độ tuổi này, việc có thai thường dễ dàng, việc mang thai và sinh con cũng ít biến chứng hơn và trẻ sinh ra khỏe mạnh hơn. Từ 30 tuổi trở đi, khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm dần. Đặc biệt là sau 35 tuổi, khả năng sinh sản của phụ nữ giảm rõ rệt qua từng năm mặc dù không có bệnh lý gì. Đến sau 40 tuổi, chỉ khoảng 10% phụ nữ có thể thụ thai và mang thai đến khi sinh.Việc suy giảm khả năng có thai của phụ nữ theo tuổi chủ yếu là do sự suy yếu của buồng trứng.

Tỉ lệ hiếm muộn ở các cặp vợ chồng đang ngày càng tăng. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, độ tuổi lập gia đình của nữ giới có xu hướng tăng lên dẫn đến việc sinh con bị trì hoãn. Dễ dàng nhận thấy, với xu thế phát triển của xã hội, phụ nữ có nhiều mục tiêu và hoài bão hơn, khoảng thời gian từ 20 đến 35 tuổi thường được ưu tiên cho học tập, phát triển sự nghiệp, tăng thu nhập hay tham gia các hoạt động xã hội... Điều này dẫn đến rất nhiều phụ nữ có con ở độ tuổi từ 30 trở đi, lúc này khả năng sinh sản đã bắt đầu giảm hoặc thậm chí đã suy giảm nhiều.

Biểu đồ thể hiện khả năng sinh sản theo độ tuổi
Biểu đồ thể hiện khả năng sinh sản theo độ tuổi

Trong khi đó, điều trị hiếm muộn ở trường hợp phụ nữ lớn tuổi có tỉ lệ thành công thấp và chi phí điều trị tốn kém rất nhiều mặc dù đã áp dụng các kĩ thuật hiện đại liên quan đến hỗ trợ sinh sản. Những trường hợp phụ nữ có dự trữ buồng trứng thấp hoặc phụ nữ lớn tuổi muốn sử dụng trứng tự thân để có con là một thách thức với các chuyên gia trong lĩnh vực hiếm muộn. Trong quá trình khám chữa bệnh hiếm muộn cho các cặp đôi, Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Hữu Thịnh đã gặp rất nhiều phụ nữ đến tìm con khi lớn tuổi, khi đó các yếu tố giúp cho quá trình điều trị thụ tinh trong ống nghiệm không còn đảm bảo khả năng thành công cao. 

Trữ đông trứng- hiểu thế nào mới rõ?

Không phải tự nhiên mà gần đây thuật ngữ “trữ đông trứng” được đông đảo chị em phụ nữ nhắc đến, bàn tán và lựa chọn. Xã hội ngày càng hiện đại, nữ quyền ngày càng được quan tâm nên phụ nữ đã có nhiều cơ hội phát triển bản thân, sự nghiệp hơn trước thay vì bị ấn định cho việc nội trợ, nữ công gia chánh và chăm con. Tuy nhiên, cùng với tiến trình đó, nhiều ý kiến trái chiều phát sinh về việc: “Liệu phụ nữ mải lo sự nghiệp, thích độc thân, chậm lập gia đình… có đang tự đánh rơi cơ hội làm mẹ khi tuổi sinh sản thì vẫn cố định xưa nay?”. Trữ đông trứng đã được nhắc tới như một giải pháp mang tính cứu cánh cho những câu hỏi như vậy.

Trữ đông trứng là kỹ thuật lấy và bảo quản trứng trong điều kiện lạnh sâu bằng hơi Ni tơ hoặc Ni tơ lỏng, trong thời gian dài để sử dụng về sau. Đây là một biện pháp được xem như “bảo hiểm sinh sản” cho những phụ nữ chưa muốn lập gia đình và sinh con sớm, hoặc đang cần điều trị các bệnh lý phải thực hiện can thiệp có thể ảnh hưởng đến chất lượng trứng, hay phải làm việc trong môi trường có tính rủi ro cao. Phương pháp này được nghiên cứu và áp dụng trên thế giới từ những năm 80 của thế kỷ XX. Nhưng đến khoảng thời gian gần đây mới được áp dụng phổ biến tại Việt Nam.

Các bằng chứng hiện tại về việc trữ đông cho thấy trứng được sử dụng tạo phôi sau rã đông không có sự khác biệt về chất lượng, tỉ lệ tạo phôi, khả năng mang thai và sức khỏe của thai nhi so với trứng tươi.

Không có một mốc độ tuổi cụ thể thích hợp hay hoàn hảo để tiến hành việc trữ đông trứng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực này trên thế giới, độ tuổi tiến hành đông trứng có lợi nhất là từ 35-37 tuổi. Và việc xác định độ tuổi tối ưu để trữ đông trứng phụ thuộc vào kế hoạch sinh sản tổng thể của phụ nữ, xét nghiệm dự trữ buồng trứng, tiền sử bệnh tật, sức khỏe và tâm lý sẵn sàng cùng một số yếu tố khác.

Quy trình thực hiện việc trữ đông trứng không phức tạp và đau đớn. Thông thường, quy trình thường mất từ 8-12 ngày tiêm thuốc và siêu âm kiểm tra, xét nghiệm máu. Trong thời gian này, người thực hiện có thể gặp tác dụng phụ như nhức đầu nhẹ, căng tức ngực, buồn nôn, chuột rút, đầy hơi. Sau đó, họ sẽ được tiêm một mũi thuốc trưởng thành noãn để chuẩn bị cho quy trình lấy trứng diễn ra vào 36 tiếng sau đó. Quá trình lấy trứng mất khoảng 10 phút, bằng công cụ chuyên dụng được gắn trên đầu dò siêu âm ngả âm đạo, trứng lấy ra sẽ được phòng thí nghiệm kiểm tra và đông lạnh sâu. Toàn bộ được thực hiện bằng thuốc an thần, người thực hiện sẽ ngủ và không đau trong suốt quá trình này. Khi thức dậy, có thể cảm thấy đau quặn nhẹ nhưng thông thường sẽ hồi phục trong một giờ và làm việc trở lại vào hôm sau.

Những tâm tình từ “Bác sĩ đông con”

Trong quá trình khám chữa bệnh cho các cặp đôi, Bác sĩ Cao Hữu Thịnh đã tiếp xúc, lắng nghe rất nhiều câu chuyện tìm con khác nhau. Chiếm phần nhiều nhất vẫn là câu chuyện tài chính và thời gian. Nhiều phụ nữ không có con được do khi độ tuổi còn phù hợp thì điều kiện kinh tế không đảm bảo, chờ đợi, dành dụm đến khi đủ thì đã quá muộn màng. Bác sĩ Cao Hữu Thịnh rất mong mỏi đến ngày BHYT nước ta chi trả cho việc điều trị hiếm muộn như các nước phát triển khác.

Tuổi sinh sản lí tưởng của phụ nữ như đã nêu trên là từ 20-35 tuổi. Tuy nhiên với những bước tiến trong y khoa, điển hình như phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, trữ đông trứng đã chia sẻ ở trên, chỉ cần phụ nữ có nền tảng sức khỏe tốt, tích cực phối hợp trong quá trình điều trị thì dù quá tuổi vẫn có cơ hội mang thai và sinh con. Thực tế ghi nhận có những ca sản phụ trên 50 tuổi, thậm chí trên 55 tuổi vẫn khỏe mạnh chào đón thiên thần của mình, mẹ tròn con vuông. Do đó, phụ nữ đừng đánh mất cơ hội làm mẹ của mình bởi những trăn trở giữa việc phát triển bản thân, sự nghiệp và hoàn thành thiên chức vì khoa học kĩ thuật hiện đại đã có thể giúp cho họ làm tốt cả hai.

Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Hữu Thịnh hiện đang làm việc tại phòng khám Sản phụ khoa Bác sĩ Cao Hữu Thịnh. Đây là một trong những phòng khám sản phụ khoa tại TP.HCM có chuyên môn về chẩn đoán, điều trị hiếm muộn, vô sinh nam, nữ, hỗ trợ sinh sản, khám thai, khám sàng lọc trước khi mang thai, điều trị phụ khoa, thụ tinh ống nghiệm, siêu âm đầu dò, siêu âm thai...

Hồ Ngọc Nhân