VNHN - Bảo vật Quốc gia là những hiện vật vô giá đại diện cho tinh hoa nền văn hiến, văn hóa lâu đời của dân tộc. Qua thăng trầm lịch sử, nhiều di sản văn hóa mất mát, tổn hại song Bắc Ninh là địa phương may mắn còn tàng lưu khá nhiều hiện vật, di vật có giá trị, trong đó có nhiều hiện vật thuộc hàng độc nhất vô nhị mà một số đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đây thực sự là niềm tự hào mà tiền nhân truyền lại cho người dân sinh tụ ở miền đất cổ này.
Tính đến nay, qua 6 đợt xét duyệt cả nước có tổng số 142 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia, trong đó Bắc Ninh có 8 bảo vật, nhóm bảo vật với tổng số 22 hiện vật. Như vậy, Bắc Ninh đang đứng thứ 3 về số lượng bảo vật, chiếm 17,7% so với cả nước (sau Hà Nội có 49 bảo vật và thành phố Hồ Chí Minh có 14 bảo vật).
Tượng A di đà (chùa Phật Tích, Tiên Du,Bắc Ninh).
Trong số 8 Bảo vật Quốc gia của tỉnh Bắc Ninh có 5 hiện vật và 3 nhóm hiện vật, cụ thể là: Tượng A di đà (chùa Phật Tích, Tiên Du); Tượng Rồng đá/Xà thần (đền thờ Lê Văn Thịnh, Gia Bình); Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (chùa Bút Tháp, Thuận Thành); Bia “Xá lợi tháp minh” (Bảo tàng tỉnh); Cột đá chạm rồng (chùa Dạm, thành phố Bắc Ninh). Ba nhóm bảo vật là: Bộ tượng Tam thế (chùa Linh Ứng, Gia Đông, Thuận Thành); Bộ tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu (ở các chùa Dâu, chùa Tướng, chùa Dàn thuộc huyện Thuận Thành); Bộ tượng 10 linh thú đá (chùa Phật Tích, Tiên Du).
Mỗi bảo vật đều có một câu chuyện lịch sử riêng liên quan đến sự kiện hoặc nhân vật lịch sử tiêu biểu của đất nước đồng thời lưu dấu trong đó giá trị nhiều mặt về tôn giáo, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng tâm linh. Dù hình thức, nội dung, chất liệu có khác nhau thì mỗi bảo vật đều chuyển chở thông điệp đậm tính nhân văn, quan niệm về đời sống con người, thế giới, nhân sinh quan của mỗi giai đoạn lịch sử, hướng đến các giá trị hoàn hảo Chân-Thiện-Mỹ.
Tượng Rồng đá/Xà thần (đền thờ Lê Văn Thịnh, Gia Bình, Bắc Ninh).
Như bảo vật bia “Xá lợi tháp minh” niên đại năm 601, sau khi giải mã nội dung cho thấy sự kiện lịch sử quan trọng, vua Tùy Văn Đế muốn thông qua hoạt động tôn giáo là việc phân phát xá lị Phật nhằm kiểm soát mức độ thần phục của Giao Châu. Tấm bia cũng là di sản văn hóa vật thể độc đáo minh chứng quan trọng cho việc xác định địa danh Long Biên và tên chùa Thiền Chúng xuất hiện thời Bắc thuộc vào thế kỷ VII đồng thời làm cơ sở tìm hiểu nghiên cứu các tín ngưỡng dưới thời Tùy Đường cũng như tình hình chính trị, xã hội, quan hệ ngoại giao, lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Tiền Lý.
Hay với pho tượng Rồng đá cũng gắn liền với bối cảnh lịch sử dân tộc thời vua Lý Nhân Tông. Mang hình dạng độc đáo “nửa rắn, nửa rồng, tai câm, tai điếc” được tạc sống động trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình” nên một số nhà nghiên cứu tạm nhận định rằng, tượng Rồng đá là bức thông điệp của tiền nhân gửi hậu thế về nỗi oan nghiệt mà Thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu trong vụ án lịch sử nổi tiếng “vụ án Hồ Dâm Đàm” đời vua Lý Nhân Tông (1096).
Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh).
Các bảo vật khác như tượng Phật A di đà chùa Phật Tích, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp và bộ tượng Tam thế chùa Linh Ứng đều là những kiệt tác nghệ thuật điêu khắc hoàn hảo, được xếp vào hàng tượng đỉnh cao của mỹ thuật Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, bảo vật tượng A di đà chùa Phật Tích còn được các đơn vị phối hợp làm một số phiên bản sao chép với tỉ lệ 1:1 để trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Phiên bản tượng A di đà thu nhỏ cũng từng được tạo tác để làm quà tặng các chính khách quốc tế với thông điệp “Hòa bình và Thịnh vượng”.
Bảo vật là tài sản vô giá của Quốc gia nên việc bảo quản, lưu giữ đòi hỏi chuẩn khoa học, trong điều kiện tốt nhất, tránh hao mòn, hư hỏng, bảo đảm an ninh, an toàn, chống cháy nổ, mối mọt. Theo quy định của Luật Di sản thì “Bảo vật quốc gia được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt”. Nhưng đến nay tại Bắc Ninh vẫn chưa có nguồn kinh phí riêng nào đối với bảo quản, phát huy giá trị bảo vật Quốc gia.
Bộ tượng Phật Tứ Pháp vùng Dâu (ở các chùa Dâu, chùa Tướng, chùa Dàn thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).
Ngoài một số bảo vật nằm trong Di tích Quốc gia đặc biệt như Tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp hay Tượng Phật A di đà tại chùa Phật Tích được bảo vệ nghiêm ngặt từ hệ thống camera giám sát và có người trông nom, bao sái thường xuyên, còn lại các bảo vật khác vẫn chưa có nhiều sự quan tâm. Như cột đá chùa Dạm hay hàng linh thú đá chùa Phật Tích vẫn lộ thiên.
Hoặc với những bảo vật chất liệu gỗ như Bộ tượng Tứ Pháp vùng Dâu, mỗi tượng ở một ngôi chùa với cách thức bảo quản khác nhau và còn thiếu các phương án phòng chống cháy nổ, chống mối mọt chống trộm cắp. Theo ghi nhận hiện nay pho tượng Pháp Lôi ở chùa Phi Tướng đang bị mối mọt, cần có biện pháp kịp thời nếu không sẽ làm hư hại, mất đi tính nguyên trạng của bảo vật. Thế giới vừa bàng hoàng, đau xót chứng kiến vụ hỏa hoạn cướp đi của nhân loại một báu vật vô giá - Nhà Thờ Đức Bà Pari.
Cột đá chạm rồng (chùa Dạm, thành phố Bắc Ninh).
Ngôi thánh đường khổng lồ sừng sững tồn tại qua suốt 850 năm tưởng chừng mãi vĩnh cửu với những giá trị phi thường vậy mà cuối cùng vẫn không tránh khỏi tai họa. Thực tế phũ phàng ấy khiến cho giới chuyên môn lĩnh vực di sản văn hóa luôn canh cánh nỗi lo. Nhìn vào những “di sản truyền thế” như bảo vật Quốc gia, sau khi được công nhận, gắn với danh hiệu còn đi liền với chế độ “bảo quản đặc biệt”. Tưởng vậy nhưng hầu hết các địa phương chưa đáp ứng ngay những yêu cầu cao của việc bảo tồn, gìn giữ những hiện vật vô giá này.
Hơn nữa, tình trạng bảo vật được công nhận nhưng quá ít người biết đến. Nguyên do là hầu hết các bảo vật tại các điểm di tích chưa có biển chỉ dẫn hoặc giới thiệu. Người dân và du khách đến di tích chỉ tham quan, lễ phật, cầu bình an chứ ít biết đến các bảo vật quý có trong di tích để chiêm ngưỡng thật kỹ. Chính bởi thiếu thông tin nên nhiều người đứng trước bảo vật Quốc gia mà không hay biết đó là báu vật.
Muốn bảo vệ tài sản vô giá của Quốc gia được trường tồn với thời gian cần phải có cơ chế bảo quản, chăm sóc đặc biệt cùng những ứng xử mẫu mực và chuẩn khoa học. Bên cạnh các giải pháp tối ưu để bảo vệ thì công tác tuyên truyền, quảng bá cần được tiến hành thường xuyên và sâu rộng, đồng thời xuất bản các ấn phẩm giới thiệu thông tin, hình ảnh liên quan đến bảo vật để cộng đồng nhận thức đúng giá trị và có ý thức trách nhiệm chung tay gìn giữ. Các cán bộ văn hóa cơ sở và những người trực tiếp quản lý di tích cần được tập huấn đầy đủ để kịp thời phát hiện và xử lý những sự cố ngoài ý muốn xảy đến với bảo vật.