11/01/2025 lúc 12:00 (GMT+7)
Breaking News

Bắc Ninh: Nâng cao hiệu quả sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu

VNHN - Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, những năm qua tỉnh Bắc Ninh đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ðể nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, tỉnh Bắc Ninh đang tập trung chuyển hướng mạnh mẽ sang thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng ít đất và lao động...

VNHN - Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, những năm qua tỉnh Bắc Ninh đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ðể nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, tỉnh Bắc Ninh đang tập trung chuyển hướng mạnh mẽ sang thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng ít đất và lao động...

Nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Ninh năm 2018, Khu vực FDI đóng góp vào ngân sách của tỉnh Bắc Ninh 8.055 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng thu ngân sách của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người khu vực FDI năm 2018 là 11,2 triệu đồng, gấp khoảng 1,5 lần khu vực tư nhân trong nước. Hiểu được vai trò của dòng vốn FDI, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động tập trung xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, đặc biệt có nhiều sáng kiến được cộng đồng doanh nghiệp (DN) ghi nhận và đánh giá cao như: trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện; đối thoại DN nhỏ và vừa; mô hình Bác sĩ DN; công bố Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (Chỉ số DDCI)... Nhờ vậy, Bắc Ninh luôn là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút FDI. Lũy kế đến hết tháng 6-2019, Bắc Ninh đã thu hút được hơn 1.000 dự án FDI đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đạt gần 17 tỷ USD (đứng thứ sáu cả nước về thu hút FDI).

Hầu hết các dự án FDI ở Bắc Ninh tập trung vào 14 ngành, lĩnh vực. Trong đó, đầu tư ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 93,5%, ngành bất động sản chiếm 3,7%, ngành vận tải kho bãi chiếm 1,3%... Nhờ cải thiện tốt môi trường kinh doanh, năm 2018, Bắc Ninh đứng thứ 15 cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với 64,5 điểm, tăng hai bậc so với năm 2017 và nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng tốt, chỉ đứng sau Quảng Ninh, Hà Nội và Vĩnh Phúc. Ðánh giá về việc cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh Bắc Ninh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Ðậu Anh Tuấn cho biết, sự linh hoạt, sáng tạo trong điều hành của Bắc Ninh trong năm qua tăng 12 bậc; DN đánh giá môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, tăng 15 bậc; hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính có chiều hướng cải thiện, tăng bảy bậc; chất lượng đào tạo lao động duy trì ở mức tốt, tăng một bậc; hệ thống thiết chế pháp lý tại địa phương được đánh giá cao, tăng 12 bậc… Chính nhờ những yếu tố này đã giúp Bắc Ninh thu hút được dòng vốn FDI, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, kiến tạo xu hướng phát triển mới về kinh tế đô thị.

Thực hiện thu hút đầu tư công nghệ cao

Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp đã tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong tỉnh và ngoài tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, các khu công nghiệp ở Bắc Ninh đã tạo việc làm cho hơn 282 nghìn lao động. Trong đó, các DN FDI sử dụng hơn 257 nghìn lao động, DN trong nước hơn 24 nghìn lao động. Riêng Công ty Samsung Việt Nam đã sử dụng hơn 100 nghìn lao động vào các dây chuyền sản xuất chính và ở các công ty vệ tinh. Thực tế, dòng vốn FDI đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh theo hướng bổ sung nguồn vốn, chuyển giao công nghệ và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay mối liên kết giữa DN FDI và khu vực kinh tế tư nhân trong nước còn hạn chế, chưa thật sự là đòn bẩy thúc đẩy các DN trong nước phát triển. Tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, DN FDI có xu hướng nhập khẩu cao và bộc lộ một số bất cập.

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp với tổng diện tích đất sử dụng 6.397 ha. Dân số cơ học tăng mạnh qua từng năm nhưng hiện nay các công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội như nhà ở, giao thông, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ… chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều vấn đề an sinh xã hội chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Hiện nay, hơn 207 nghìn lao động ngoại tỉnh tại các khu công nghiệp đang đặt ra nhu cầu lớn về phương tiện đi lại, nhà ở, gây áp lực đến việc phát triển hạ tầng xã hội của địa phương. Hầu hết lực lượng lao động này phải thuê nhà trọ trong các khu dân cư lân cận khu công nghiệp. Tỷ lệ lao động địa phương tham gia làm việc tại các khu công nghiệp còn thấp, chủ yếu sử dụng lao động nữ, lao động trẻ. Ðiều này làm mất cân đối về giới và độ tuổi của nguồn nhân lực và lãng phí nhân lực ở độ tuổi ngoài nhu cầu của các DN, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực cho các ngành khác cùng phát triển. Hoạt động của các DN FDI được đánh giá là đã tạo tiền đề cho phát triển các loại hình dịch vụ hoạt động. Tuy nhiên, từ việc cung cấp các loại hình dịch vụ đã xảy ra những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, gây mất an ninh - trật tự cho khu công nghiệp và địa phương. Chưa kể một số nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý môi trường chưa đáp ứng hoạt động sản xuất của các DN đến thuê, từ đó phát sinh nguy cơ về ô nhiễm môi trường.

Xuất phát từ những hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút FDI, t tỉnh sẽ chuyển hướng thu hút đầu tư FDI theo tiêu chí “ba cao” là công nghệ cao, môi trường cao, ngân sách cao và “hai ít” là sử dụng ít đất, ít lao động. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành có công nghệ cao, công nghệ nguồn, gia tăng xuất khẩu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ; các dự án sản xuất sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh; dự án xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, các ngành được khuyến khích đầu tư sẽ là công nghệ thông tin, điện tử, vi điện tử, công nghệ sinh học. Cùng với đó, tỉnh sẽ thu hút DN đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, dịch vụ giải trí... Ðể đồng hành cùng DN, tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Các ngành, các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và phân công theo dõi các chỉ số thành phần thực hiện tốt cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà. Ðồng thời tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.