15/01/2025 lúc 08:38 (GMT+7)
Breaking News

Bắc Kạn: Chủ động phòng, chống thiên tai

Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn luôn chú trọng thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp nhằm ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi trong mùa mưa, lũ.             

Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn luôn chú trọng thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp nhằm ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi trong mùa mưa, lũ.                        

Gia cố kè sông Cầu trước mùa mưa lũ.

Bắc Kạn có vị trí và vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ sinh thái đầu nguồn. Với địa hình đồi núi có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh nên tỉnh Bắc Kạn là khu vực khá nhạy cảm với những hệ quả gây ra bởi biến đổi khí hậu như: Lũ lụt, lũ quét, khô hạn, cháy rừng, sạt lở, xói mòn, suy giảm đa dạng sinh học và phá hủy hệ sinh thái.

Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát lại các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, đặc biệt xem xét điều chỉnh và phát triển đô thị đảm bảo ứng phó với thiên tai. Cùng với đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch xây dựng; thiết kế sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính; tập trung triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật…

Đồng thời, tỉnh đang tích cực thực hiện Dự án “Kè chống sạt lở ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ dân sinh và phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn”. Cụ thể, đầu tư xây dựng kè chống xói lở xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, dài 3.042m, tổng mức đầu tư khoảng 45 tỷ đồng; công trình kè chống xói lở bờ sông Cầu đoạn qua thành phố Bắc Kạn, tổng mức đầu tư khoảng 170 tỷ đồng. Đầu tư hoàn thiện hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh thành phố Bắc Kạn với tổng mức vốn khoảng hơn 200 tỷ đồng, giải quyết được tình trạng ngập lụt khu vực nội thị thành phố Bắc Kạn; công trình kè chống xói lở bờ sông Cầu đoạn qua thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới với tổng chiều dài 3.238m, tổng mức đầu tư khoảng 130 tỷ đồng; Dự án hồ chứa nước Nặm Cắt với công suất 10 triệu mét khối, có vai trò quan trọng trong điều tiết lũ sông Cầu, phục vụ nước sinh hoạt, tưới tiêu, đồng thời tạo cảnh quan môi trường cho thành phố Bắc Kạn, tổng kinh phí đầu tư khoảng 475 tỷ đồng; các công trình thủy điện Thác Giềng, Pác Cáp, Nặm Cắt… góp phần điều tiết nước, làm giảm nguy cơ lũ lớn.

Cùng với đó, để đảm bảo an toàn hồ, đập, UBND tỉnh đã ban hành phương án ứng phó với sự cố vỡ hồ, đập. Cụ thể, nâng cao trách nhiệm của chủ đập và các cơ quan nhà nước, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố vỡ hồ, đập, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố vỡ hồ, đập gây ra. Đồng thời, các hồ, đập lớn trên địa bàn tỉnh thường xuyên được kiểm tra, gia cố, sửa chữa. Cụ thể, năm 2020, 4 hồ gồm Sum Ngược, Khuổi Khe (Na Rì), Bản Chang (Ngân Sơn), Bản Còn (Chợ Mới) đã sửa chữa xong đảm bảo cấp nước cho sản xuất và an toàn mùa mưa lũ.

Tiếp đó, Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), Tiểu dự án tỉnh Bắc Kạn, đã và đang tiến hành sửa chữa và nâng cấp 7 hồ chứa nước trên địa bàn, gồm: Khuổi Dâng, Khuổi Sung, Khuổi Dầy (Chợ Mới); Nà Đẩy, Cốc Thông (Na Rì); Nà Kiến (Chợ Đồn); Nà Lẹng (Bạch Thông). Tiểu dự án sẽ xây dựng và sửa chữa các hạng mục bao gồm: Đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước… Sau khi hoàn thành, tiểu dự án sẽ cung cấp nguồn nước tưới ổn định cho 250ha đất sản xuất nông nghiệp, đảm bảo thân đập an toàn khi mưa lớn.

Nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, hằng năm, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với phương châm “Chủ động phòng tránh - Đối phó kịp thời - Khắc phục hiệu quả”. Cụ thể, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đảm bảo thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt là lực lượng Quân đội, Công an ứng phó, khắc phục cùng người dân địa phương. Nâng cao khả năng dự phòng, mức độ chính xác cảnh báo, dự báo thiên tai, đưa ra hệ thống xử lý kịp thời; kiểm tra, rà soát tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, hồ chứa nước, công trình di dân tái định cư tại những khu vực sạt lở, công trình kè chống xói lở bờ sông suối báo cáo UBND tỉnh có những điều chỉnh bổ sung kịp thời. Đồng thời, các đơn vị, địa phương tăng cường nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai; tiến hành rà soát lại nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy nhanh các hoạt động thu, sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai đảm bảo thiết thực, hiệu quả; thống kê các vị trí thường xuyên ngập lụt để có biện pháp ứng phó kịp thời khi có mưa, lũ xảy ra.

Tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn với nhiều giả thiết tình huống. Hướng dựa vào những hình thái thiên tai thường xảy ra trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đặt ra một số tình huống giả định như lốc, sét, mưa đá, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ;… để đưa ra biện pháp ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế như di chuyển người, tài sản tới nơi an toàn, không để người dân bị đói, rét, không có nhà ở; cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích; sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương; hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán…

Do chủ động phòng, chống nên trong nhiều năm qua, thiệt hại do thiên tai ở Bắc Kạn giảm tới mức thấp nhất; tình trạng sạt lở bờ sông, suối được kiểm soát; thiệt hại về người hạn chế; thiệt hại về tài sản được giảm tới mức thấp nhất. Công tác khắc phục được thực hiện nhanh chóng, tích cực, góp phần chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.