Sau 12 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Ba Chẽ có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó các xã Lương Mông và Minh Cầm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện đạt 9/9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025. Thị trấn Ba Chẽ đạt chuẩn đô thị văn minh, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 64,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện là 0,79%.
Lễ đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh QTV1 của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh vào tối ngày 23/12. Song song với đó, khai mạc Hội Trà hoa vàng lần thứ IV cũng sẽ được tổ chức.
Vốn là loài cây mọc tự nhiên trong rừng Ba Chẽ từ rất lâu, trước nay, người dân địa phương vẫn hái hoa, lá, thân cây bán cho thương lái bên kia biên giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá trị đích thực của cây trà hoa vàng mới được biết đến và dần được coi là cây kinh tế mũi nhọn của Huyện. Loại cây này có thể cho thu hái lá, nụ và hoa với giá trị kinh tế mang lại lên tới 15 triệu đồng/kg khô.
Nhằm bảo vệ nguồn dược liệu quý và vừa giúp người dân nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm thì năm 2017, UBND huyện đã đăng ký xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Trà hoa vàng Ba Chẽ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng số 307904 ngày 12/11/2018 theo Quyết định số 81118/QĐ-SHTT.
Từ sự quan tâm của huyện đã giúp người trồng cây dược liệu trên địa bàn thêm tin tưởng và mạnh dạn đầu tư vào công việc của mình và Ba Chẽ sẽ đạt được mục tiêu trồng 517 ha cây dược liệu vào năm 2025. Đồng thời, huyện cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, dự kiến trồng 500ha (trong đó năm 2020 là 306 ha, gồm trồng mới là 194 ha và diện tích cũ).
Không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà khi được trồng tập trung, vẻ đẹp lộng lẫy của trà hoa vàng còn góp phần thu hút rất nhiều du khách đến với mảnh đất non nước hữu tình vùng Đông Bắc Quảng Ninh. Vậy nên, để quảng bá về loài hoa trà độc đáo này, UBND huyện Ba Chẽ đã quyết định tổ chức Lễ hội Trà hoa vàng hàng năm. Và năm nay Hội trà hoa vàng hứa hẹn sẽ quay trở lại với nhiều hoạt động như: Trưng bày cây trà hoa vàng; trưng bày các gian hàng OCOP và sản phẩm đặc hữu của địa phương; thăm các vườn trà trên địa bàn huyện..., nhằm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng. Đồng thời, quảng bá các sản phẩm OCOP, nông sản tiềm năng, thế mạnh của huyện, góp phần xúc tiến thương mại, thu hút các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực trồng, chế biến dược liệu, phát triển du lịch và các ngành nghề khác có thế mạnh của địa phương.