27/12/2024 lúc 23:17 (GMT+7)
Breaking News

ASEAN với thử thách việc làm trước cuộc CMCN 4.0

VNHNO-Không phải sau một đêm thức dậy chúng ta sẽ thấy ngay những tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Đó là cả một quá trình và có những ảnh hưởng mạnh mẽ tới bức tranh việc làm trong ASEAN.

VNHNO-Không phải sau một đêm thức dậy chúng ta sẽ thấy ngay những tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Đó là cả một quá trình và có những ảnh hưởng mạnh mẽ tới bức tranh việc làm trong ASEAN.

Những công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ khiến lao động phổ thông trở nên dư thừa trong tương lai. Người lao động kỹ năng thấp sẽ chịu rủi ro lớn nhất, trong đó lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất là ngành dịch vụ, nông nghiệp.

Sẽ có khoảng 1/5 lực lượng lao động của Singapore bị thay thế do áp dụng công nghệ, AI vào năm 2028. Đây được xem là mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á.

Kết quả này được đưa ra trong Báo cáo nghiên cứu ảnh hưởng của AI được thực hiện bởi hãng công nghệ Cisco khi phân tích 433 loại hình công việc trong 21 ngành ở 6 nước ASEAN.

Ảnh minh họa

Vấn đề không chỉ của Singapore

Theo đánh giá từ Báo cáo nghiên cứu trên, bên cạnh Singapore, Indonesia có  8%, tương đương 9,5 triệu việc làm bị thay thế; Malaysia là 7,4%, tương đương 1,2 triệu việc làm; Philippines là 10,1% với 4,5 triệu việc làm; Thái Lan là 11,9% với 4,9 triệu việc làm. Con số này ở Việt Nam là 13,8% tương đương 7,5 triệu việc làm.

Báo cáo cũng cho thấy, một số lĩnh vực đòi hỏi nguồn lao động lớn sắp tới bao gồm: Bán sỉ và lẻ (1,8 triệu việc làm mới), sản xuất (0,9 triệu việc làm), xây dựng (0,9 triệu việc làm) và phương tiện đi lại (0,7 triệu việc làm).

Nhận định về thị trường việc làm tại Việt Nam, bà Lương Thủy, Giám đốc Cisco Việt Nam cho rằng, như các nền kinh tế trong khu vực, Việt Nam không nằm ngoài những tác động của CMCN 4.0. Bà Lương Thủy nhận thấy, Việt Nam hiện vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài bởi chi phí lao động còn thấp. Tuy nhiên, lao động phổ thông không có nhiều kỹ năng cũng chính là thách thức của Việt Nam. Lợi thế về chi phí nhân công rẻ của Việt Nam sau 10 năm tới sẽ không còn. Do đó, Việt Nam cần có giải pháp để đào tạo kỹ năng cho lao động để có thể vượt qua được những thách thức này.

Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ thay thế việc làm trước cuộc CMCN 4.0 của Singapore cao hơn những quốc gia còn lại không phải vì năng lực bắt kịp công nghệ của nước này nổi trội hơn mà do bản thân quốc đảo sư tử này có một môi trường “ngoại lệ”, tạo điều kiện mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Chính đặc điểm về quy mô diện tích đất nước nhỏ, cơ sở hạ tầng hiện đại khiến doanh nghiệp Singapore có thể tận dụng dễ dàng những cải tiến công nghệ mới khi nó vừa mới ra đời.

Đối tượng lao động bị thay thế ở Thái Lan và Việt Nam chủ yếu là lao động thiếu tay nghề, làm việc trong những lĩnh vực cần ít kỹ năng như nông nghiệp. Tại Indonesia, Malaysia và Philippines, mặc dù lượng lao động bị thay thế bởi công nghệ lớn hơn ở Singapore, tuy nhiên lại chịu tác động bởi CNCM 4.0 nhỏ hơn do ba nước này có thể chia sẻ nguồn lực lao động cho nhau.

Hơn nữa, tại Indonesia, nghiên cứu của các chuyên gia chỉ ra rằng những vấn đề liên quan tới chính trị cũng như sự đa dạng trong nguồn lao động giá rẻ góp phần làm chậm lại quá trình tác động của công nghệ mới. Ở Malaysia, mối lo ngại về bảo hộ thị trường lao động là điều hiển nhiên.

Ở Philippines, các chuyên gia nhận định chính lao động giá rẻ với trình độ chuyên môn yếu kém cũng có thể làm quá trình áp dụng công nghệ cao bị ảnh hưởng. Trình độ kém khiến họ khó có thể đưa công nghệ vào áp dụng trong sản xuất, kinh doanh.

Giải pháp cho con đường phía trước

Cũng theo kết quả nghiên cứu trên, khoảng 6,6 triệu việc làm trên toàn ASEAN sẽ bị thay thế bởi công nghệ. Cụ thể, 41% của 6,6 triệu việc làm này bị thay thế do thiếu căn bản những kỹ năng mà công việc mới đòi hỏi, 30% thiếu kỹ năng tương tác mà các nhà tuyển dụng yêu cầu, 25% thiếu những kỹ năng cơ bản như đọc, viết và học hỏi.

Để lực lượng lao động có những kỹ năng này, các quốc gia ASEAN cần có chương trình giáo dục phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đào tạo lại kỹ năng. Các bên liên quan gồm: doanh nghiệp, chính phủ và cơ sở giáo dục cần hợp tác nhằm đảm bảo nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại và tương lai.

Trong tương lai kỹ thuật số, nơi mọi người có quyền truy cập vào cùng một dữ liệu và thông tin, những kỹ năng này sẽ là điểm khác biệt chính của lực lượng lao động. Đây sẽ là một nhiệm vụ dài hạn khi một thực tế rằng các nước ASEAN đang không có những bước đi đồng đều nhau. Trong khi Singapore đang có rất nhiều chương trình đào tạo kỹ năng cho lao động từ 25 tuổi trở lên thì tại Indonesia lại có tới 52% cơ sở giáo dục chưa thể tiếp cận được với Internet.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, các chính phủ, doanh nghiệp cũng cần có một chương trình nghị sự chiến lược đón đầu những tác động của AI. Mặc dù về nhận thức đã có nhiều sự thay đổi, tuy nhiên, các tổ chức, doanh nghiệp ASEAN vẫn tỏ ra tụt hậu so với các đối tác khu vực Bắc Á trong việc lên kế hoạch chiến lược trước làn sóng của AI. Khoảng 80% các doanh nghiệp Trung Quốc và Hàn Quốc bày tỏ tin tưởng rằng AI sẽ đóng vai trò then chốt đối với thành công cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong những năm tới nhưng mới chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp của Singapore và Malaysia nhận thức được điều này.

Xuân Hòa