VNHN - Những động thái mạnh mẽ kiểm soát Covid-19 của các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN theo đuổi RCEP mà không có Ấn Độ... là những thông tin được cập nhật trong bản tin ASEAN sáng nay.
Các nước tiếp tục áp dụng biện pháp khử trùng nhằm tránh sự lây lan của dịch Covid-19.
Những động thái mạnh mẽ kiểm soát Covid-19 của các quốc gia ASEAN
Ngày 13/3, Indonesia tung ra kế hoạch khẩn cấp trị giá 1,6 tỷ USD để tự bảo vệ trước tác động kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát số lượng ca nhiễm mới tăng vọt trong thời gian qua.
Chính phủ Malaysia cấm các cuộc tụ họp đông người cho đến hết tháng 5. Ngành du lịch nước này đã bị thiệt hại gần 3,4 tỷ ringgit (khoảng 800 triệu USD) trong 2 tháng đầu năm.
Thái Lan cho phép các quan chức kiểm soát dịch bệnh ra lệnh cách ly bắt buộc những người bị nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2. "Đất nước nụ cười" tạm thời đình chỉ cấp thị thực nhập cảnh cho khách du lịch từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời chỉ định 6 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Italy và Iran là những khu vực nguy hiểm và kêu gọi người dân đến từ những khu vực này phải tự cách ly trong 14 người.
Trong khi đó, làn sóng cấm khách du lịch từ Đông Nam Á đến Trung Đông có nguy cơ gây ảnh hưởng tới 12 triệu người dân Philippines đang làm việc ở nước ngoài. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, những người lao động ở nước ngoài đóng góp 35 tỷ USD (khoảng 10%) vào GDP của Philippines trong năm 2019.
Ngày 15/3, Singapore thông báo, tất cả hành khách nhập cảnh Singapore mà đến từ hoặc đi qua các nước ASEAN (trong đó có Việt Nam), Nhật Bản, Thụy Sỹ, và Vương quốc Anh và Bắc Ireland trong vòng 14 ngày trước đó sẽ bị yêu cầu cách ly tại nơi cư trú ở Singapore. Những người này cũng phải cung cấp chứng nhận nơi cư trú trong thời gian cách ly ở Singapore và có thể bị yêu cầu xét nghiệm Covid-19 nếu cần thiết.
(BenarNews)
EU đầu tư 3,5 triệu euro vào an toàn sinh học tại ASEAN
Liên minh châu Âu đã khởi động một dự án khu vực trị giá 3,5 triệu euro để hỗ trợ an toàn sinh học tại Đông Nam Á. Theo thông cáo của EU, dự án này sẽ giúp các chính phủ ứng phó tốt hơn với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc các sự kiện sinh học toàn cầu, như đại dịch.
Sự lan truyền nhanh chóng ở mức độ toàn cầu của dịch Covid-19 cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác hiệu quả xuyên biên giới và hệ thống quản lý rủi ro an toàn sinh học hiệu quả để đối phó với các bệnh và dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Vào ngày 10-12/3, 40 chuyên gia đến từ Campuchia, Malaysia, Myanmar, Singapore và Việt Nam đã gặp nhau tại Nay Pyi Taw để khởi động một dự án phối hợp kéo dài 3 năm, nhằm phối hợp với các chính phủ trong khu vực về quản lý rủi ro an toàn sinh học và an ninh sinh học, tăng cường hợp tác và chia sẻ dữ liệu, xem xét và định hướng các luật pháp liên quan đến an toàn sinh học...
Đại sứ EU tại Myanmar Kristian Schmidt đã nói về dự án BIOSEC-Tăng cường an toàn sinh học tại Đông Nam Á rằng, an toàn sinh học là để cứu người và EU vui mừng khi đã mở rộng sự hỗ trợ và hợp tác kịp thời này với các nước ở Đông Nam Á.
Dự án này thuộc Sáng kiến giảm thiểu nguy cơ của Trung tâm nghiên cứu xuất sắc (CoE) về Hóa học, Sinh học, Phóng xạ và Hạt nhân (CBRN) thuộc Liên minh Châu Âu. CBRN CoE của EU hợp tác với 10 quốc gia ở Đông Nam Á và 51 quốc gia đối tác ở 7 khu vực khác để giải quyết các rủi ro về hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân.
(Mizzima)
ASEAN theo đuổi RCEP mà không có Ấn Độ
Các nước ASEAN vẫn đang theo đuổi ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc mà không có Ấn Độ. Tuy nhiên, khối này vẫn muốn Ấn Độ tham gia Hiệp định. Tờ Khmer Times tuần vừa qua đã đưa tin rằng các nước ASEAN đã đồng ý cố gắng thuyết phục Ấn Độ trở lại bàn đàm phán, mà không nêu chi tiết những chiến lược có thể sử dụng.
Một trong những lý do là, phải mấy hơn 7 năm, Hiệp định RCEP mới hoàn thành được đầy đủ 20 chương (mặc dù 13 trong số đó đã đạt được vào năm 2019). Nếu thiếu đi 1 thành viên là Ấn Độ sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trong quá trình đáp ứng về mặt pháp lý với cả 15 thành viên, đặc biệt nếu thỏa thuận này được ký kết theo kế hoạch vào cuối năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho rằng Ấn Độ vẫn chưa đạt được thỏa thuận mở cửa thị trường với các nước đối tác RCEP và bản thân nước này cũng có một số vấn đề nội bộ cần phải thảo luận thêm. Ông cũng cho biết, các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.
Tuy nhiên, các thành viên tham gia đàm phán RCEP hiện nay cần phải tiến lên phía trước và hướng đến một tương lai không có Ấn Độ, nhằm không đẩy lùi thời hạn ký kết Hiệp định. Bởi theo một số chuyến gia, khi thương mại toàn cầu đang chậm lại, các mô hình thương mại bị phá vỡ và hội nhập tại châu Á đang gia tăng đều gây áp lực lên các quốc gia RCEP để đạt được thỏa thuận và ký kết trong năm nay.
Kể cả khi RCEP có hiệu lực, Ấn Độ vẫn có thể tham gia vào bất cứ thời điểm nào trong tương lai. Về lý thuyết, có thêm Ấn Độ, tất cả các bên đều sẽ có lợi.
(ASEAN Today)
Startup fintech Hồi giáo trỗi dậy ở Đông Nam Á
Ít người không theo đạo Hồi không biết nhiều về ngành tài chính Hồi giáo và cũng ít ai biết rằng hành lang Malaysia-Singapore-Indonesia chính là vùng tạo ra những sự đổi mới cho ngành.
Các công ty fintech (công nghệ tài chính) Hồi giáo trong khu vực đang cung cấp các sản phẩm dịch vụ kỹ thuật số với sức hấp dẫn lớn. Thị trường hàng đầu Đông Nam Á là Indonesia, nơi có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, với hơn 230 triệu người.
Một số startup về ngành này đã tạo được thành công nhất định, và đã có mặt trên toàn cầu dù mới được thành lập trong thời gian ngắn. Các dịch vụ, đặc biệt là tài chính ngang hàng (P2P) và tài trợ cộng đồng, có thể được 1,9 tỷ người Hồi giáo trên thế giới dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Những công ty này hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt với các ngân hàng Hồi giáo truyền thống.