22/01/2025 lúc 17:53 (GMT+7)
Breaking News

Áp thấp nhiệt đới, cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt từ bão số 3

VNHN - Đêm qua (2/8) bão số 3 đã đi vào khu vực Bắc Quảng Ninh. Trong ngày và đêm nay (3/8), ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

VNHN - Đêm qua (2/8) bão số 3 đã đi vào khu vực Bắc Quảng Ninh. Trong ngày và đêm nay (3/8), ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Đêm qua (2/8) bão số 3 đã đi vào khu vực Bắc Quảng Ninh. Do ảnh hưởng của bão số 3 sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nên tại Móng Cái (Quảng Ninh) đã có gió mạnh 17m/s (cấp 7), gió giật mạnh 23 m/s (cấp 9), Hải Dương có gió mạnh 12m/s (cấp 6), giật cấp 8, ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng đã có gió giật cấp 6-8.

Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, một số nơi mưa rất to như: Móng Cái 249mm, Quảng Hà (Quảng Ninh) 168mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 266mm, Sơn Động (Bắc Giang) 194mm, Bắc Ninh 115mm, Chí Linh (Hải Dương) 112mm…

Hồi 10 giờ ngày 03/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực đồng bằng trung du Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7.

Dự báo trong 6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ.

Cảnh báo gió mạnh và sóng lớn trên biển: Trong trưa nay (03/8), ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Sóng biển cao từ 2-3m, biển động.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trong trưa và chiều nay, vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và khu vực đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 6-7.

Dự báo mưa lớn: Trong ngày và đêm nay, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 70-150mm/24 giờ, riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An 100-200mm/24 giờ).

Ngày và đêm mai (04/8), ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến 30-50mm/24 giờ, riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An 50-100mm/24 giờ.

Khu vực Hà Nội: Ngày và đêm nay (03/8) có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 70-120mm).

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Hiện nay, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xuất hiện mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, mưa lớn tập trung tại khu vực Quảng Ninh, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Mực nước trên các sông thuộc khu vực Bắc Bộ đang lên chậm, riêng thượng lưu sông Mã đang lên nhanh.

CẢNH BÁO:

Trong ngày và  đêm nay, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 70-150mm/24 giờ, riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An 100-200mm/24 giờ). Ngày và đêm mai (4/8), ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến 30-50mm/24 giờ, riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An 50-100mm/24 giờ.

Trên thượng lưu các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m, hạ lưu từ 1-3m; các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-6m, hạ lưu từ 2-4m. Mực nước đỉnh lũ thượng lưu sông Mã (Thanh Hóa) đạt mức BĐ1-BĐ2; sông Thao, sông Hoàng Long, lưu lượng đến hồ Hòa Bình trên sông Đà, sông Lục Nam và hạ lưu sông Mã đạt mức BĐ1 và trên BĐ1; hạ lưu sông Cả (Nghệ An) còn dưới mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt tại các huyện sau:

- Tỉnh Quảng Ninh: Huyện Hoành Bồ, Ba Chẽ, Bình Liêu.

- Tỉnh Lạng Sơn: Huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng.

- Tỉnh Hà Giang: Huyện Xín Mần, Yên Minh, Đồng Văn

- Tỉnh Bắc Kạn: Huyện Ba Bể, Pắc Nậm

- Tỉnh Lai Châu: Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn, Tân Uyên, Than Uyên.

- Tỉnh Điện Biên: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên Đông.

- Tỉnh Sơn La: Huyện Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mường La, Phù Yên, Bắc Yên, Thuận Châu, Vân Hồ.

- Tỉnh Hòa Bình: Huyện Đà Bắc, TP Hòa Bình, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu.

- Tỉnh Lào Cai: Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn.

- Tỉnh Yên Bái: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn.

- Tỉnh Phú Thọ: Thanh Sơn, Tân Sơn.

- Tỉnh Thanh Hóa: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc.

- Tỉnh Nghệ An: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp;

Nguy cơ xảy ra ngập úng tại các đô thị vùng Đồng Bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các thành phố Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Phủ Lý và Hà Nội.

(Cần chú ý theo dõi Thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện trong các bản tin nhanh).

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất:  Cấp 1.   

Chủ động cấm biển

Thứ nhất, đối với khu vực trên biển: Thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ; tổ chức rà soát số lượng tàu thuyền đang di chuyển trong vùng nguy hiểm do ATNĐ trên Biển Đông để hướng dẫn phòng tránh.

Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng cuả ATNĐ, kể cả tàu vận tải, du lịch; các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo; chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên các cầu vượt biển, khách du lịch trên các đảo năm trong vùng ảnh hưởng của ATNĐ. Tùy theo diễn biến chủ động cấm biển. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Sẵn sàng ứng phó sự cố

Thứ hai, đối với khu vực ven biển và đồng bằng: Theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ, mưa lũ; thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, nhất là khu vực ngập lụt đô thị, vũng trũng thấp ven biển, cửa sông, ven sông suối.

Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chống úng ngập; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, hầm lò, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao, bãi khai thác khoáng sản;

Đồng thời, triển khai các phương án bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê bị sự cố, đang thi công; bảo đảm an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn theo phương châm “Bốn tại chỗ”.

Chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn

Thứ ba, đối với khu vực miền núi: Rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, ngầm, tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động cảnh báo, sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt là các khu vực đã có mưa to trong thời gian qua.

Kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du, nhất là các hồ đập xung yếu đang thi công, sửa chữa và việc vận hành các hồ thủy điện nhỏ. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính;

Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức tuần tra, canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định.

 

Thứ tư, các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Thứ năm, các phương tiện truyền thông đại chúng tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của ATNĐ để các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.

Thứ sáu, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Sẵn sàng xử lý các tình huống

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, ngày 29/7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có văn bản hỏa tốc số 339/TWPCTT-VP đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo,dự báo và diễn biến của vùng áp thấp, gió mùa Tây Nam trên biển;

Thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền, tàu vận tải đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Sẵn sàng tổ chức công tác kiểm đếm tàu thuyền; lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu./.