11/01/2025 lúc 11:59 (GMT+7)
Breaking News

Ấn tượng với nơi biến chất thải thành...điện

Mọi phụ phẩm của hoạt động sản xuất đều được tái sử dụng triệt để như: Biến bã mía thành điện năng, tro từ đốt bã mía dùng bón ruộng mía,… Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU) đang vận hành quy trình sản xuất tuần hoàn để giảm thiểu chi phí và bảo vệ môi trường.

Mọi phụ phẩm của hoạt động sản xuất đều được tái sử dụng triệt để như: Biến bã mía thành điện năng, tro từ đốt bã mía dùng bón ruộng mía,… Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU) đang vận hành quy trình sản xuất tuần hoàn để giảm thiểu chi phí và bảo vệ môi trường.

Biến bã mía thành… điện

Thông thường, đối với nhiều nhà máy khác, chất thải từ quá trình sản xuất sẽ được tập kết, thu gom và chở đi xử lý tại các bãi rác tập trung. Tuy nhiên, đối với NASU, mọi chất thải đều có giá trị.

"Bã mía sau khi ép hết nước được đưa vào lò đốt để từ đó sản xuất điện. sẻ “Nhiều năm nay, 100% sản lượng điện dùng cho mọi hoạt động của nhà máy đều tự sản xuất, phần còn lại hòa lưới điện quốc gia, bán cho Nhà nước”, chị Trần Thị Đào - Trợ lý Phó Tổng giám đốc, Thư ký Uỷ ban Phát triển Bền vững Công ty TNHH mía đường Nghệ An cho biết khi giới thiệu về quy trình vận hành của nhà máy với khách thăm quan. 

Mô hình biến bã mía thành điện năng không chỉ giúp NASU tiết kiệm nguồn năng lượng cho quốc gia, hạn chế khai thác nguồn năng lượng hóa thạch và tiết kiệm chi phí đầu vào, mà còn tận dụng rác thải (bã mía) tạo ra điện, giảm thiểu một lượng lớn chất thải sản xuất xả ra môi trường. Thực hiện đúng với phương châm “Rác cũng là tài nguyên”.  

Chị Đào chia sẻ cho nhóm tham quan về quy trình sản xuất của nhà máy

Không chỉ tạo năng lượng từ bã mía, NASU còn biến tro từ đốt bã mía dùng bón ruộng mía. Rỉ mật, một phụ phẩm từ quy trình ly tâm nước mía được sử dụng trộn thức ăn cho bò sữa hoặc bán cho các doanh nghiệp sản xuất mì chính, rượu, bia, cồn…". Việc tận dụng công nghệ, kỹ thuật để tối ưu hoá quy trình sản xuất, biến chất thải thành nhiên liệu vừa giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán chi phí sản xuất vừa bảo vệ môi trường. 

Phục hồi môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học

Không chỉ có bã mía, bã bùn và khí thải từ quá trình sản xuất đã được tận dụng để tạo ra điện, NASU còn áp dụng các mô hình, phương pháp khác để “xanh hóa 360°” quy trình hoạt động, sản xuất, môi trường của mình. 

Trong khuôn viên 60ha của NASU, hoạt động tái tạo sinh cảnh tự nhiên đang diễn ra. “Ở NASU, công nhân không được cắt cỏ trừ lối đi và các khu vực quan trọng, cây chết để mục rữa tự nhiên trên đất làm nơi trú ngụ cho côn trùng, hoa quả trên cây để dành cho chim chóc về ăn. Hiện ở đây có tới 41 loài chim cư trú.” - Chị Đào cho biết. 

Một góc xanh ngát trong khuôn viên của NASU tại Quỳ Hợp, Nghệ An

Hơn 20 năm qua, lượng nước thải của công ty đã được tái sử dụng 100% với mô hình hồ nước tuần hoàn không sử dụng hóa chất để xử lý nước thải mà dùng men vi sinh (theo công nghệ của Anh) và thời gian để nước “tự hồi phục”. Mô hình này gồm 7 hồ, có chức năng xử lý nước thải theo 7 giai đoạn và nó được đặt tên theo mỗi ngày trong tuần. 

Với kiến thức chuyên môn của một Kỹ sư Công nghệ hóa Thực phẩm, chị Đào chia sẻ: “Chúng tôi sử dụng men vi sinh để xử lý chất thải cho hồ Thứ 2. Theo chu kỳ, lượng nước từ đây sẽ được bơm qua hồ Thứ 3 bằng hệ thống ống nước ngầm bên dưới. Cứ như vậy đến hồ Chủ Nhật. Chu trình diễn ra theo tháng, đến cuối tháng đội ngũ chuyên gia sẽ đi kiểm tra nồng độ của nước. Nếu đạt ở mức an toàn sẽ được bơm phục vụ cho quá trình nuôi trồng mía.”

Hồ Thứ 2 – Hồ đầu tiên trong chu kỳ 7 hồ tuần hoàn xử lý chất thải có màu nâu, mặt nước váng bùn

Hồ Thứ 7 – diện tích rộng hơn với mặt nước trong xanh, in bóng hàng cây ven hồ

Công ty áp dụng nghiêm khắc những chính sách bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học

Với Các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học dày đặc, NASU đang được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E) đề xuất để nơi đây có thể trở thành Khu bảo tồn đa dạng sinh học đầu tiên của Việt Nam không phải do nhà nước quản lý (OECM).