13/01/2025 lúc 13:02 (GMT+7)
Breaking News

An Giang: Quyết tâm vực dậy ngành Du lịch hậu COVID-19

Trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 30/4 đến 3/5), ngành Du lịch An Giang đón khoảng 300.000 lượt khách tham quan, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021. Để vực dậy ngành Du lịch An Giang hậu COVID-19, Ngành hiện tập trung phát triển sản phẩm du lịch hướng đến thị trường khách nội địa.

 

Tỉnh An Giang là “Một trời xứ mắm”, là điểm đến ấn tượng trong lòng du khách trong cũng như ngoài nước – (Nguồn: Internet)

Chiều 3/5, ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết trong các ngày lễ, các khu du lịch, điểm tham quan tại An Giang thu hút đông khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Phải kể đến các điểm tham quan thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan như: Khu du lịch Núi Sam (Châu Đốc), Khu du lịch Núi Cấm (Tịnh Biên), đồi Tức Dụp (Tri Tôn), rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nông trại Phan Nam (thành phố Long Xuyên); Khu du lịch sinh thái Mỹ Luông, Cù lao Giêng (huyện Chợ Mới); điểm tham quan Điện mặt trời An Hảo (Tịnh Biên)… 

Trong năm 2021 vừa qua, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19, ngành Du lịch An Giang chỉ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch, giảm 46% so với cùng kỳ, chỉ đạt 50% so với kế hoạch năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh chỉ đạt 2.300 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ, đạt 53% so với kế hoạch năm 2020.

Năm 2022 được xem là năm có ý nghĩa quan trọng tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu nghị quyết của tỉnh đề ra, hướng đến mục tiêu đón khoảng 4,6 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn với tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 3.000 tỷ đồng. Theo đó, lãnh đạo tỉnh đã chú trọng các địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang trong các ngày lễ. Đặc biệt là yêu cầu các đơn vị, tổ chức kinh doanh dịch vụ trên địa bàn cũng thực hiện nghiêm quy định pháp luật về giá, niêm yết giá công khai, bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Thành phố Long Xuyên là trung tâm giao thương, tiêu thụ, trung chuyển hàng hóa, khẳng định vai trò là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL – (Nguồn: Internet)

Thời gian tới, ngành sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch hướng đến thị trường khách nội địa. Đặc biệt là khu vực ĐBSCL với các sản phẩm thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, trải nghiệm giá trị văn hóa địa phương. Triển khai thực hiện hoạt động hợp tác phát triển du lịch giữa An Giang và cụm liên kết hợp tác, phát triển du lịch phía Tây vùng ĐBSCL; chương trình Liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Đặc biệt là tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Đi liền với phát triển các nhóm sản phẩm du lịch thế mạnh như: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; đồng thời đổi mới, đa dạng sản phẩm, dịch vụ theo hướng gia tăng giá trị trải nghiệm với các nhóm sản phẩm du lịch văn hóa kết hợp ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, các hoạt động du lịch giải trí ban đêm…/.

Trí Đức - Bảo Châu