13/01/2025 lúc 15:40 (GMT+7)
Breaking News

An Giang: “Thương hiệu” mắm Châu Đốc “ra khơi”

Lễ khai mạc Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang – Đặc sản các vùng miền năm 2022 đã được tổ chức tại TP. Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang vào tối 20/4 vừa qua.

 

Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã trao bằng và huy hiệu xác nhận kỷ lục “TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang - Địa phương có nhiều cơ sở sản xuất mắm Nam Bộ nhất tại Việt Nam” – (Nguồn: Internet).

Ngày hội diễn ra tại Quảng trường phường Châu Phú A và các tuyến đường Thủ Khoa Nghĩa – Chi Lăng – Bạch Đằng (phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc). Đại diện 19 tỉnh, thành phố; lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương; các doanh nghiệp kinh doanh đặc sản, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đã đến dự.

Với tổng 180 gian hàng của 150 đơn vị của tỉnh An Giang và 19 tỉnh, thành phố, chia làm 3 khu vực, gồm: Khu tái hiện đời sống văn hoá cộng đồng 4 dân tộc Kinh – Khmer – Chăm – Hoa, trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản An Giang, đặc biệt là mắm Châu Đốc; khu triển lãm các tỉnh, thành phố; khu không gian văn hóa ẩm thực và giao lưu văn hóa cộng đồng của các tỉnh, thành phố.

Ngày hội là dịp vinh danh các hộ sản xuất, kinh doanh mắm – (Nguồn: Internet).

Ban Tổ chức Ngày hội mắm đã vinh danh, trao tặng kỷ vật cho 17 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh mắm truyền thống, những đơn vị góp phần tạo nên danh tiếng nghề mắm hơn trăm năm qua của vùng đồng bằng châu thổ. Đồng thời, tri ân những địa phương có chương trình biểu diễn cộng đồng tại ngày hội, gồm các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long An; TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, 2 huyện Tịnh Biên, An Phú (tỉnh An Giang). Tại lễ khai mạc, Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) cũng đã trao bằng và huy hiệu xác nhận kỷ lục “TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang - Địa phương có nhiều cơ sở sản xuất mắm Nam Bộ nhất tại Việt Nam”.

Như Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh “Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang – Đặc sản các vùng miền năm 2022” là hoạt động có ý nghĩa trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022). Đặc biệt không chỉ tạo điều kiện thu hút khách du lịch đến TP. Châu Đốc, giới thiệu các sản phẩm du lịch, đặc sản An Giang mà còn là cơ hội kết nối các vùng miền, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước kết nối cung cầu, đẩy mạnh giao thương.

Sản phẩm mắm được trưng bày tại Nhà triển lãm mắm trong Ngày hội – (Nguồn: Internet).

Không chỉ vậy, Ngày hội còn là dịp để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm được chế biến từ lúa gạo, thủy sản, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP địa phương, sản phẩm du lịch, ẩm thực các địa phương, các món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc; thiết kế tiểu cảnh tái hiện và tôn vinh nghề làm khô, mắm truyền thống của người dân An Giang xưa - nay; triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của TP. Châu Đốc. Đồng thời, phục dựng 4 gian nhà truyền thống kết hợp tái hiện đời sống sinh hoạt hàng ngày - văn hóa, văn nghệ - ẩm thực của dân tộc anh em Kinh - Khmer - Chăm - Hoa đang sinh sống trên địa bàn An Giang. Cùng với đó là gian hàng tái hiện đời sống văn hóa kết hợp biểu diễn văn nghệ cộng đồng của đồng bào dân tộc Khmer - tỉnh Sóc Trăng; cồng chiêng - tỉnh Đắk Lắk, Tây Bắc; đờn ca tài tử - tỉnh Bạc Liêu; xiếc - tỉnh Long An…

Thời gian tới, An Giang sẽ hình thành Hiệp hội mắm, gắn kết với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL luân phiên tổ chức ngày hội mắm. Từ đó, củng cố cơ sở dữ liệu, hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận mắm Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới./.

Trí Đức - Bảo Châu