Nếu ai đã từng đặt chân lên Núi Cấm sẽ không thể nào quên sức hút khó cưỡng từ những loại “rau rừng” đủ màu, đủ vị tại đây. Loại nào cũng đậm mùi, đậm vị của thổ nhưỡng và khí hậu xứ sở Bảy Núi. Đó là lá sung có vị chát, lá bứa có vị chua, lá đinh lăng có vị the nồng, lá sộp, lá lụa đều có vị chua - chát - thơm. Tùy theo gu của từng thực khách mà mỗi người có thể gia giảm các loại sao cho vừa miệng. Nhưng cho dù cách ăn thế nào đi nữa thì rau rừng cũng chỉ có bổ - lành và nên thuốc.
Để phát huy nét đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có này, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đã tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật chế biến món ăn kết hợp rau rừng Núi Cấm” cho bà con.
Buổi tập huấn do thầy Nguyễn Ngọc Thông – Giảng viên khoa Khách sạn – Nhà hàng, Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn phổ biến những kiến thức, kỹ năng chế biến các món ăn đặc sắc từ vùng núi Tịnh Biên, hướng đến việc kết hợp các loại nguyên liệu có sẵn, thu hoạch được tại Núi Cấm như su, măng, các loại rau rừng…
Các cá nhân tham gia buổi tập huấn rất phấn khởi và háo hức, đặc biệt là được học hỏi và thực hành những món ăn đặc sắc như Cá lóc nướng – cuộn rau rừng; Măng xào mắm ruốt – rau rừng; Bánh khọt nhân vịt xiêm rau rừng; Gỏi su thịt bò; Lẩu măng lá bứa thịt gà; Kho quẹt hoặc mắm me kèm rau rừng (ăn với su)…
Điều đáng nói, những món ăn trên không chỉ ngon về khẩu vị mà còn là món quà cho sức khỏe khi tất cả đều được kết hợp từ những loại thực phẩm tự nhiên, an – lành.
Có thể thấy, ngoài hoàn thiện các dịch vụ trải nghiệm, đầu tư vào cơ sở vật chất, thì việc nâng tầm ẩm thực cũng là điểm nhấn quan trọng để tăng tính trải nghiệm. Cụ thể việc tận dụng sản vật rau rừng sẽ góp phần để Núi Cấm càng thêm có lợi thế quý giá để thu hút và níu chân du khách đến tham quan, từng bước định vị thương hiệu du lịch Núi Cấm nói riêng và An Giang nói chung./.