VNHNO - Có lẽ từ lâu, những quán cơm 1.000 – 2.000 đồng đã không còn xa lạ. Nhưng với nhiều người, đó không chỉ là một bữa ăn mà còn là nguồn động viên tinh thần vô giá. Niềm vui với người bán, hạnh phúc với người mua. Những quán cơm ý nghĩa đã ra đời như thế!
Điều tử tế lại sinh ra điều tử tế
"Có lần đi làm, giữa trưa đang về mà xe hết xăng trong khi còn cách nhà những mười mấy cây số. Cứ tưởng lần ấy phải dắt bộ về nhà vì trong túi không còn một nghìn. May sao, tôi được một người đi đường trả tiền đổ xăng. Từ sau lần ấy, ý định về thành lập quán cơm từ thiện càng sôi sục trong tôi".
Đó là cơ duyên đưa anh Nguyễn Hữu P. (34 tuổi, quê Long An) đến với quán cơm 1.000 đồng tại số 8 Đỗ Ngọc Du, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Đến với quán, không những được ăn cơm với giá "siêu rẻ", được thoải mái lựa chọn những bộ quần áo miễn phí mà người nghèo còn được cùng nhau làm "từ thiện" bằng chính số tiền 1.000 đồng/suất cơm của mình.
Tiền cơm được bỏ vào hòm từ thiện ủng hộ Hội Nạn nhân chất độc màu da cam Dioxin Đà Nẵng
Chắc hẳn các bạn thắc mắc vì sao tên chủ quán lại được viết tắt, bởi theo anh chia sẻ: "Tôi làm từ thiện để giúp người nghèo chứ không phải để nổi tiếng".
Ban đầu, anh định mở quán ăn miễn phí. Nhưng vì sợ mọi người ngại nên đưa ra giá bán là 1.000 đồng để mọi người thoải mái ăn cơm. Chi phí để quán cơm hoạt động được trích từ lương hàng tháng của các nhân viên trong công ty (2% lương/nhân viên) do anh P. làm chủ. Riêng anh P. mỗi tháng góp 10 triệu vào quán cơm để trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên…
Khác hoàn toàn với những quán cơm 1.000 đồng khác, cách "mua bán" ở đây cũng rất "dễ thương". Khi đến ăn cơm, mọi người sẽ tự giác bỏ tiền vào chiếc thùng quyên góp đặt ở góc quán. Giá một suất cơm được niêm yết là 1.000 đồng, nhưng ai muốn góp nhiều hơn tùy ý còn nếu không thích bỏ cũng chẳng sao. Rồi cứ cuối tháng, mọi người cùng nhau mở thùng quyên góp và đem số tiền bán cơm ấy ủng hộ hết cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Đà Nẵng.
Từ ngày thấy quán cơm 1.000 đồng thu hút đông đảo người lao động nghèo đến ăn trưa, những cư dân sống trong khu và anh P. cùng nhau treo một giá quần áo cũ cho người cần. Niềm vui cứ thế nhân lên gấp hai, gấp ba. Cứ thế, điều tử tế lại sinh ra điều từ tế!
Tấm lòng vàng miền cù lao sông nước
Từ hơn 5 năm qua, trên vùng cù lao sông nước ấp Phong Thạnh, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) xuất hiện một quán ăn chay rất đặc biệt. Thực khách sau khi ăn xong các món như: Cơm, phở, hủ tiếu... có kèm theo nước trà đường miễn phí chỉ tự nguyện gửi lại đúng 1.000 đồng. Chủ nhân quán chay từ thiện trên là cô Huỳnh Thị Lil, 60 tuổi.
Cô Lil bên bữa ăn cùng học trò nghèo
Hiện nay mỗi ngày quán phục vụ khoảng 100 suất ăn uống; những ngày 15 và 30 âm lịch số lượng tăng lên nhiều bởi chất lượng thức ăn tại đây rất ngon. Bình quân mỗi tháng quán "bù lỗ" xấp xỉ 4-5 triệu đồng. Giải thích về nguồn tiền đầu tư mở quán, cô Lil kể: "Đó là tiền đóng góp của các phật tử và các mạnh thường quân bởi mọi người đều đồng thuận với tôn chỉ mục đích của quán do cô lập ra".
Ngoài việc làm từ thiện thông qua quán cơm chay, cô Lil còn hiến tặng căn nhà của mình cho Hội Từ thiện xã để làm phòng khám bệnh Đông y miễn phí cho người dân trong và ngoài xã với đội ngũ y bác sỹ có uy tín và có tâm làm việc thiện. Bình quân mỗi ngày phòng khám đón từ 5 - 10 bệnh nhân.
Những ngày cuối tuần số lượng lên đến trên 30 người. Không chỉ vậy, cô Lil còn thường xuyên vận động nhiều tập vở, quần áo, dụng cụ học tập giúp đỡ học sinh nghèo; hỗ trợ người già neo đơn không người chăm sóc. Những lúc rảnh rỗi, cô lại cùng hơn 10 thành viên trong đội tình nguyện đi tìm các loại thảo dược để chế biến các vị thuốc cho phòng khám từ thiện; khi khác lại cất lại mái nhà dột nát cho hộ nghèo; lúc lại giúp người neo đơn thu hoạch cây trái; chằng chống nhang cửa mỗi khi mưa to, gió lớn.
Mọi người thấy vui, là cô hạnh phúc! Người ta nói "Hạnh phúc không ở phía cuối con đường". Quả thật, hạnh phúc đơn giản lắm, ở ngay bên cạnh ta và cùng ta đi đến cuối con đường.
Bữa cơm thiện tâm "lá lành đùm lá rách"
"Được ăn bữa cơm ngon, sạch và đầy đủ như thế này, tôi thấy mình thật may mắn và cảm động trước tấm lòng của chủ quán. Hy vọng những quán cơm như thế này được nhân rộng để nhiều người biết đến". Đó là lời chia sẻ thật lòng của người dân lao động đến ăn tại quán cơm 1.000 đồng trên con ngõ nhỏ đường Trần Bình (Cầu Giấy, Hà Nội).
Tại đây, có đầy đủ các món ăn tự chọn, đủ chất dinh dưỡng, tươi, ngon không thua kém bất kỳ quán cơm nào khác có giá từ 20.000 - 40.000 đồng và được rất nhiều người ủng hộ.
Bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng chỉ với giá 1.000 đồng
Anh Nguyễn Anh Vũ - chủ quán cho biết, anh mở quán cơm 1.000 đồng này được hơn một năm với mục đích muốn nấu những bữa cơm thiện tâm, trên tinh thần lá lành đùm lá rách, mong muốn phần nào đó giúp đỡ những người có thu nhập thấp, giảm bớt được một phần gánh nặng đối với họ.
Chi phí mua đồ ăn, trả lương nhân viên... được trích một phần từ thu nhập của quán và cá nhân chủ quán. Những người đến đây chỉ cần mang theo 1.000 đồng là có thể được ăn những món ăn ngon trong không gian mát mẻ, thoáng đãng, thậm chí quán còn miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, người dân hoàn toàn có thể mua những suất cơm 1.000 đồng này mang về.
Cho đi là nhận lại. Cái nhận lại không phải là vật chất, tiền bạc, mà đó là nụ cười trên môi cả người bán lẫn người mua. Là niềm vui của lòng tốt được nhân rộng, cứ thế, điều tử tế lại sinh ra điều tử tế!./.