14/10/2024 lúc 09:10 (GMT+7)
Breaking News

AI và dịch sách: Những thách thức đối với người dịch khi công cụ trí tuệ nhân tạo xuất hiện

Vừa qua (4/5/2024), trong không gian Ngôi nhà Ý thuộc Trung tâm Văn hóa Ý đã diễn ra buổi tọa đàm về chủ đề “AI và dịch sách”. Đây là một sự kiện trong chuỗi sự kiện “Những ngày văn học châu Âu” năm 2024.

Diễn giả tham dự buổi tọa đàm là các nhà văn, dịch giả, tác giả nữ của nhiều thể loại văn học khác nhau như nhà văn Kiều Bích Hậu, nhà văn Di Li, dịch giả Phương Lan, dịch giả – biên tập viên Thanh Thủy của NXB Kim Đồng, dịch giả Phương Nga, ca sĩ – dịch giả Hiền Nguyễn. Tham dự tọa đàm còn có nhiều nhà văn, nhà báo, dịch giả trong và ngoài nước, một số sinh viên chuyên ngữ cùng các bạn học sinh trường THPT Chuyên ngữ Hà Nội.

Chủ trì và khai mạc buổi tọa đàm là ông Mattia Farris, Phó đại sứ Italia tại Việt Nam. MC của chương trình là chị Trần Hồng Hạnh – nữ trưởng phòng du học trường Đại học Uni Italia.

Phó Đại sứ Italia – ông Mattia Farris chụp ảnh chung với các diễn giả trong tọa đàm

Đề cập đến vai trò của trí tuệ nhân tạo trong dịch thuật, nhà văn Di Li chia sẻ rằng nhiều khi trong quá trình dịch chị “còn phải gửi email cho các tác giả để hỏi cho rõ ý của tác giả, bởi vì có những điều mà thực ra là giữa người với người còn chưa hiểu được người ta định nói gì nữa là AI, và thêm nữa là dịch văn học là một đẳng cấp mới, một đẳng cấp khác…”. Chị cho rằng việc chọn được từ hay trong dịch thuật là rất quan trọng và rất khó, thậm chí là giữa những dịch giả với nhau “thì không phải ai cũng chọn được một từ hay nhất để diễn đạt, nó đòi phải là một người am hiểu văn học mới có thể làm được”. Chị hài hước liên tưởng để cả hội trường cùng cười, rằng “…nếu như mà AI, thậm chí hiểu được tác giả viết cái gì, nói cái gì và chọn được từ xuất sắc nhất, có lẽ là đến lúc đó trí tuệ nhân tạo đạt đến đẳng cấp thống trị loài người giống như trong những bộ phim khoa học viễn tưởng, lúc đó thì sự an nguy của thế giới sẽ cần giải cứu”. Nhà văn Di Li tin rằng ở mức độ dịch văn học, đặc biệt là những tác phẩm văn học hàn lâm thì cần một đẳng cấp mà con người ở trí tuệ bậc cao mới đảm nhiệm được, AI không thể thay thế.

MC Hồng Hạnh đưa ý kiến rằng “ngoài việc dịch tiểu thuyết, dịch văn học thì tôi nghĩ là dịch thơ nó lại còn lên một tầm nữa. Và đúng là một sự thách thức, một sự tò mò, một câu hỏi lớn là AI sẽ can thiệp như thế nào về việc dịch thơ”.

Để giải tỏa câu hỏi trên của MC Hồng Hạnh và cũng là câu hỏi của nhiều người, nhà văn – dịch giả Kiều Bích Hậu đã lên tiếng với nụ cười thân thiện trên môi. Vào tháng 10 năm 2023 chị có tham gia sự kiện liên hoan thơ ở New York – Mỹ, chị lại vừa tham gia một hội thảo lớn với các nhà thơ ở Maroc ngay cuối tháng 4/2024 mà chị vừa kịp về cách buổi tọa đàm bốn ngày, vì thế chị đã lắng nghe được rất nhiều những ý kiến từ các nhà văn, nhà thơ trên thế giới trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để dịch thơ cũng như sáng tác văn học, hay đơn giản là chuyển ngữ những tác phẩm thơ sang các ngôn ngữ khác.

Chị cho biết trong chương trình của diễn đàn và liên hoan thơ quốc tế với sự tham gia của các tác giả và dịch giả trên cả năm châu, có một hội thảo chuyên về vấn đề dịch văn học và dịch thơ trước tác động của AI: “Các nhà văn, nhà thơ thế giới thì cũng có người thì chê bai, có người thì hào hứng, có người thì cũng nửa nạc nửa mỡ”. Chị kể câu chuyện về một nhà thơ người Mỹ gốc Bangladesh khi anh dịch từ tiếng Béngali sang tiếng Anh và anh nói rằng: “Tôi cũng có dùng, dùng thử thôi, để xem nó thế nào, chả nhẽ  với một cái công nghệ mới xuất sắc như vậy của thế giới, người ta tìm ra, các nhà khoa học hàng đầu thế giới tìm ra mà mình không dùng thì mình giống như là bây giờ đi từ Mỹ về Maroc mà tôi lại chạy bộ thì họ bảo tôi điên, nhưng mà cách đây 100 năm mà bảo tôi bay như chim thì người ta cũng bảo tôi điên, thế cho nên là tôi cũng dùng thôi. Nhưng khi dùng thì tôi thấy nó hiểu sai về từ. Thơ là ngôn ngữ tinh lọc nhất, dùng nhiều ẩn dụ, nhưng hiện nay AI chỉ dịch “word by word”, trong khi tác giả ẩn dụ ý khác. Hoặc là để mà xuất sắc thì AI không thể đạt được nên khi dùng tôi sẽ chỉnh sửa, và tôi thấy rằng AI là một công cụ hỗ trợ rất tốt cho người dịch nhưng hiện nay thì tôi mới chỉ tham khảo”.

Khi chị trực tiếp hỏi một nữ nhà thơ kiêm dịch giả khác, tên Izza Fartmis, dịch tiếng Ả Rập thì được dịch giả chia sẻ rằng: “trong những trường hợp gặp từ khó tôi vẫn tham khảo AI để nó cho tôi nhiều phương án khác nhau có thể tham khảo được, và tôi thấy khá là có tác dụng”.

Ngược lại, chị kể rằng cực đoan có nhà thơ Mohamed Moukhariq là dịch giả chính trong chương trình tọa đàm và giao lưu thơ quốc tế tại Maroc vừa rồi, thì anh nói rất rõ ràng: “Tôi không bao giờ dùng AI đến thời điểm này, bởi vì tôi thấy AI nó nông cạn lắm, nó không hiểu sâu sắc cái ý tưởng của tác giả, nên tôi không sử dụng”.

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm với khán giả tham gia tọa đàm

Đó là câu chuyện về việc sử dụng AI của các nhà thơ, nhà văn quốc tế mà chị mang về, còn câu chuyện của riêng chị và nhóm Nữ dịch giả Hà Nội mà chị là người sáng lập và cũng là trưởng nhóm thì việc sử dụng AI ra sao? Chị cho biết nhóm của chị thực hiện dịch xuôi và dịch ngược rất nhiều. Chị kể một ví dụ rất hay khi dịch giả Khánh Phương chuyển ngữ trong một ý thơ nói về câu chuyện một người đàn ông cứ nhớ cái áo màu vàng của người phụ nữ mà anh đã thầm thương trộm nhớ: “thế thì trong thơ thì nó chỉ là cái áo màu vàng thôi, từ tiếng Anh nó chỉ là “yellow shirt”, thế nhưng khi Khánh Phương chuyển ngữ sang tiếng Việt thì bạn ý chuyển thành “chiếc áo màu mơ màng”, thì tôi cho rằng với tình huống đó thì “chiếc áo màu mơ màng” trong tiếng Việt rất là hay”. Cuối cùng chị có ý kiến: “về vấn này, chúng ta có thể sử dụng AI, nhưng mà AI chỉ là trợ lý cho ta để ta có thêm nhiều lựa chọn, còn sự thông thái của con người thì AI không bao giờ có được”.

Một dịch giả thuộc hàng cây đa cây đề tham gia trong chương trình là ông Nguyễn Hữu Dũng, với tư cách là một nhà khoa học, một nhà văn, một dịch giả, ông là người đã từng dịch các tác phẩm của nhà văn Ba Lan đoạt giải Nobel là Henryk Sienkiewicz. Trao đổi trong chương trình, ông đưa ra một câu hỏi mà không biết khi nào khoa học mới trả lời được, rằng “sản phẩm trí tuệ của con người liệu có thông minh được hơn nhân loại hay không?”. Nhưng, chưa chờ đợi câu trả lời đó, ông đưa tiếp một giả thiết theo quan điểm của ông: “Vấn đề này, ngoài việc nó thuộc lĩnh vực khoa học thì nó còn thuộc phạm trù triết học, tôi cho rằng đây là vấn đề triết học”.

Một câu hỏi khác từ phía khách mời cũng khá thú vị: “Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế việc thẩm định và hiệu đính các tác phẩm dịch hay không?”

Đào Thị Yến hiện là biên dịch, phiên dịch, cây bút tự do và AI trainer tại Outlier.AI – một bạn nữ rất trẻ thuộc thế hệ 9x đã đưa ra nhận xét: “AI sẽ không thể thay thế con người ở góc độ tư duy phản biện và điều tạo ra sự khác biệt giữa chúng ta và AI đó là chúng ta có tính con người.”  Với suy nghĩ rằng nếu phụ thuộc vào AI có thể người dùng sẽ bị thui chột một số kỹ năng đặc biệt của viết, Đào Thị Yến đặt một câu hỏi: “Trong việc dịch sách chúng ta coi nó như một công cụ, chúng ta dùng nó để hỗ trợ, nhưng về lâu về dài thì chúng ta có nên phụ thuộc vào nó hay không?”

Rất nhiều những nội dung được trao đổi trong buổi tọa đàm, đặc biệt là những ý kiến từ các nhà văn, nhà thơ, các dịch giả gạo cội như nhà thơ Bằng Việt, hoặc những thế hệ trẻ đầy năng động như dịch giả Thanh Thủy coi AI như một người bạn, hoặc ca sĩ – dịch giả Hiền Nguyễn, đặc biệt là các bạn trẻ chuyên ngữ.

Buổi hội thảo đưa tiếp một vấn đề nữa là có thể nhìn AI như một công cụ, AI sáng tác, AI vẽ tranh, AI được dùng để hỗ trợ dịch giả, vậy thì các nhà văn có dùng AI để hỗ trợ cho quá trình sáng tác của mình không? MC Hồng Hạnh nêu câu hỏi về mặt đạo đức khi một ngày nào đó AI có thể là một phần trong tác phẩm của nhà văn.

Để giải tỏa thắc mắc này, nhà văn Kiều Bích Hậu đã kể câu chuyện sáng tác của chính mình và một số trường hợp trên thế giới. Trong sự kiện liên hoan thơ ở New York - Mỹ dịp tháng 10 năm 2023 mà chị tham dự đã có một câu hỏi là: “Chúng ta có cảm thấy xấu hổ không, nếu chúng ta dùng AI mà chúng ta lại đứng tên sở hữu tác phẩm, và bây giờ giải pháp sẽ là như thế nào?” Khi đó một nhà văn đã nói rằng “chúng ta có quyền dùng AI vì nó là công cụ, giống như là khi mà bạn tra cứu những thông tin mà bạn cần biết”. Chị cũng kể câu chuyện khi chị sáng tác truyện ngắn Cầu Gon, biên tập viên báo Văn nghệ sau khi đăng đã phải điện thoại cho chị và bảo: “Em phải đi uống café với tôi vì tại sao em viết về kỹ sư cầu đường hay đến thế, em có phải là kỹ sư cầu đường không?”. Mặc dù không phải là kỹ sư và chị phải tra Google, phải tham khảo ý kiến của chồng và một người bạn nữa là kỹ sư cầu đường để viết tác phẩm, nhưng chị chia sẻ rằng chị vẫn đứng tên là Kiều Bích Hậu chứ không thể kể tên những người chị tham khảo ý kiến rồi lại thêm cả “ông Google vào đấy nữa.”

 Phần cuối của chương trình, nhà văn Kiều Bích Hậu đã chia sẻ những điều tự đáy lòng: “Bây giờ bạn phải dịch chuyển, tự bạn phải dịch chuyển lên bởi vì AI đã vào xã hội rồi, chúng ta không thể từ chối nó, hãy dùng nó, kể cả nhà văn dù là tính cá nhân rất cao, tự trọng rất cao, nhưng hãy dùng nó, nó là công cụ hỗ trợ cho người viết thì mình dùng nó để nâng những giá trị của mình lên, dịch chuyển mình lên một đẳng cấp mới, nhưng tất nhiên mình không thể dùng nó hoàn toàn và mình cũng phải biến thiên, sáng tạo hơn từ gợi ý của nó”. 

Buổi tọa đàm kết thúc trong không khí có màu của hoa và nắng vì nhiều vấn đề đã được trao đổi và phản biện hết sức cởi mở, nhiều thông tin được đưa ra và thêm nữa là cả phần phấn khích muốn tìm hiểu, khai phá về AI của nhiều người. Một buổi tọa đàm vô cùng thiết thực do Đại sứ quán Ý tổ chức.

Khuê Anh. Ảnh: Trần Mạnh Tuân

...