VNHNO - Long Biên vẫn là cây cầu huyết mạch kết nối giao thông của Thủ đô, sau 120 năm (1898 - 2018) cầu đã xuống cấp, hư hỏng nhiều và đang cần được "đại tu" để đảm bảo ATGT đường sắt và đường bộ.
Ghi nhận của PV, cầu hiện vẫn trong tình trạng xuống cấp. 9 khung thép khổng lồ nay đã mất đi quá nửa, những hàng lan can cũng xô lệch, hoen gỉ đáng kể. Thế nhưng, qua nhiều lần tu sửa, hiện, cây cầu vẫn là trục kết nối huyết mạch, thuận tiện cho phục vụ cuộc sống mưu sinh của người dân hai bờ thành phố và đảm bảo cho hàng chục chuyến tàu Bắc - Nam qua lại mỗi ngày.
60 công nhân ‘chăm sóc’ cầu Long Biên 120 tuổi mỗi ngày
Bà Minh Khánh, Gia Lâm chia sẻ: Tôi năm nay 70 tuổi, sống gần cây cầu này, có nhiều kỉ niệm. Trải qua 120 năm, cầu Long Biên rất cần giữ gìn, tôn tạo lại, song cần giữ nguyên hiện trạng kiến trúc công trình để không chỉ là hành lang đi lại, mà còn là địa điểm du lịch tinh thần, để tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc về sau cho con cháu được biết.
Đã có nhiều phương án đề xuất cứu mặt cầu, đơn vị quản lý cầu Long Biên cho biết: Để giữ được dáng vẻ hiện nay, cầu Long Biên đã trải qua nhiều lần sửa chữa lớn. Sau các lần ném bom phá hoại của Mỹ cầu bị mất một số dầm nổi. Năm 1973 đã tiến hành sửa chữa với việc thay dầm tạm: dầm T66 cho chạy tàu và dầm YUKM cho đường bộ hành. Đến năm 1995, lại tiến hành dự án sửa chữa, nâng cấp cầu để sử dụng, đảm bảo an toàn đến năm 2010, chờ phương án tiếp theo.
Sau năm 2010, mặc dù hàng năm ngành Đường sắt vẫn duy tu thường xuyên nhưng không lại được với tốc độ tàn phá của thời gian với cây cầu hơn trăm năm tuổi, lại chịu nhiều “thương tích” trong chiến tranh. Nhiều trụ tạm bị han gỉ và xô lệch, đường bộ hành nhiều nhịp bị võng, xệ; nhiều vị trí bị thủy mọt… uy hiếp an toàn công trình, an toàn GTVT đường sắt, đường bộ.
Mặc dù hàng năm ngành Đường sắt vẫn duy tu thường xuyên nhưng không lại được với tốc độ tàn phá của thời gian với cây cầu hơn trăm năm tuổi
Trao đổi với PV, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Từ năm 2012, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đề xuất dự án sửa chữa, khôi phục cầu Long Biên để kịp thời ngăn chặn tình trạng hư hỏng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của cầu, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu.
Ông Hoạch, cho biết thêm: Để đảm bảo ATGT, Bộ GTVT cũng báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép và giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý và thực hiện dự án khôi phục cầu Long Biên - giai đoạn 1 để đảm bảo an toàn chạy tàu đường sắt đến năm 2020 theo lệnh khẩn cấp. Tuy nhiên, do chưa bố trí được vốn nên phải đến năm 2014, dự án “Khôi phục cầu Long Biên - Giai đoạn 1: Gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2020” mới được phê duyệt đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến là 298 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm các hạng mục: Kết cấu phần trên, kết cấu phần dưới, kiến trúc tầng trên và mặt đường bộ.
Ngoài ra, ông Trần Quốc Vượng, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải (Đơn vị quản lý cầu Long Biên) cho hay: Sau 3 năm tiến hành thi công bắt đầu từ năm 2015, dự án đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho công ty quản lý. Hiện, công ty đang duy trì Đội Quản lý cầu Long Biên gồm 60 lao động với nhiệm vụ hàng ngày tuần gác nhằm phát hiện các hư hỏng, sự cố để khắc phục kịp thời đảm bảo an toàn. Đồng thời, tiến hành duy tu, bảo trì để duy trì trạng thái ổn định, an toàn của cầu. Về hướng tiếp theo, theo ông Vượng, phải chờ qua quá trình khai thác sau đợt “đại tu” lớn này vì cây cầu đã trên 100 năm, khó lường trước được những vấn đề nảy sinh.
Theo thiết kế ban đầu, cầu Long Biên dài 2.290m qua sông, 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đặc biệt, luồng giao thông trên cầu thay vì theo hướng đi xuôi bên phải thì tại đây, hướng đi xuôi lại ở phía trái cầu. Đó là một trong những nét độc đáo, tạo nên “thương hiệu” của cầu Long Biên./. |