24/11/2024 lúc 03:33 (GMT+7)
Breaking News

6 điểm mới, nổi bật trong Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với sáu điểm mới, nổi bật được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Sáng 18-1, Quốc hội (QH) đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), với tỉ lệ 87,63% các đại biểu QH có mặt biểu quyết tán thành. Luật Đất đai sửa đổi vừa được thông qua gồm 16 chương, 260 điều.

Theo Bộ TN&MT, với một hệ thống pháp luật đất đai được hoàn thiện sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 18/1/2024

Đổi mới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy định của Luật Đất đai sửa đổi đã được hoàn thiện theo hướng đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Trong đó có việc tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch.

Theo đó quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Phân cấp cho các địa phương trong xác định các chỉ tiêu quy hoạch để các địa phương chủ động phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ TN&MT, những đổi mới trong các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ là nền tảng đưa nguồn lực đất đai làm đầu vào cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao như chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội

Về thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư, Luật Đất đai sửa đổi đã quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Các dự án mà Nhà nước thu hồi trong trường hợp này phải là các dự án: (1) xây dựng công trình công cộng; (2) xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; (3) các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách…

Với 31 trường hợp cụ thể Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã cơ bản bao quát.

Bên cạnh đó, luật cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Việc này cũng nhằm vì lợi ích chung của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương; quan tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Cùng đó là các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn, đảm bảo nguyên tắc người có đất bị thu hồi được bồi thường, tái định cư trước khi thu hồi đất…

Các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đấu thầu

Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Luật Đất đai sửa đổi đã quy định cụ thể các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu và các trường hợp phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, quy định thể các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Luật đã quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh.

Trong đó, quy định rõ hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.

Đảm bảo quỹ đất thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đây cũng là một trong những nội dung được nghiên cứu, bổ sung đưa vào quy định trong Luật Đất đai sửa đổi.

Luật đã quy định các chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng; giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Quy định hạn chế một số quyền của người sử dụng đất đối với các trường hợp được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất

Một quy định khác là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương.

Cạnh đó, giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực. Giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất tại khu kinh tế, khu công nghệ cao, cảng hàng không sân bay.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hành để người dân thuận tiện trong quá trình thực hiện thủ tục.

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung thống nhất

Điểm mới thứ sáu là điều tra cơ bản đất đai, đánh giá tiềm năng đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung thống nhất.

Theo Bộ TN&MT, Luật Đất đai sửa đổi lần này đã thể chế các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 18 của Trung ương, giải quyết được các vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai.

Sau khi Luật Đất đai sửa đổi được QH thông qua, Chính phủ sẽ tập trung để hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật bảo đảm sau khi luật có hiệu lực thi hành thì hệ thống đã bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

PV