08/11/2024 lúc 05:11 (GMT+7)
Breaking News

50 năm quan hệ Việt Nam - Australia: Hướng tới mục tiêu đối tác chiến lược toàn diện

Là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, 50 năm qua, Australia và Việt Nam luôn phát triển mạnh mẽ và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt, từ khi hai nước xây dựng quan hệ đối tác chiến lược năm 2018, quan hệ hợp tác chuyển sang giai đoạn mới toàn diện và thực chất hơn cũng như đạt một số thành tựu nổi bật.

Hơn nữa, Việt Nam và Australia có chung rất nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế; trong đó, có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang bổ trợ mạnh mẽ cho quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Phát triển vượt bậc

Bà Lê Hoàng Oanh- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Australia thời gian qua đạt được những bước phát triển vượt bậc.

Hai nước đã trở thành đối tác thương mại ngày càng quan trọng của nhau, đặc biệt là sau khi Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ thành “Đối tác chiến lược” tháng 3 năm 2018 và thông qua Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Australia vào tháng 11 năm 2021.

Đáng lưu ý, trong khi Australia trở thành 1 trong 7 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, ngược lại, Việt Nam cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.

Đây là một trong những cơ sở quan trọng để hai nước hướng tới mục tiêu nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” vào thời điểm phù hợp trong thời gian tới.

Thống kê cho thấy, quy mô thương mại song phương năm 2022 đã đạt 15,7 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2021; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Australia đạt 5,6 tỷ USD, tăng 26,2%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Australia đạt 10,1 tỷ USD, tăng 27,3%.

Một số nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Australia có thể kể đến là điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt, may; giày dép các loại; sắt thép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; sản phẩm từ sắt thép; phương tiện vận tải và phụ tùng; hàng thủy sản; hạt điều.

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh chủ yếu vẫn là các nhóm nguyên, nhiên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất như than các loại, lúa mì, bông các loại, phế liệu sắt thép, sắt thép các loại...

Việt Nam và Australia là thành viên chung của ít nhất 3 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm FTA ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Hiệp định CPTPP và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Không chỉ thương mại, Hiệp định CPTPP là đòn bẩy để tăng đầu tư giữa hai nước. Tính đến cuối năm 2021, Australia đã đầu tư khoảng 550 dự án tại Việt Nam với tổng trị giá chỉ gần 2 tỷ USD.

Ngoài ra, đây còn là quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 19 tại Việt Nam, đứng sau các nước chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam như Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ và Thụy Sỹ.

Nhận định từ Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành: quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam và Australia phát triển ấn tượng trên cơ sở ưu tiên 8 lĩnh vực hợp tác theo Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế (EEES) do Thủ tướng hai nước công bố tháng 11/2021.

Thương mại hàng hóa giữa hai nước tăng trưởng vượt bậc, từ 8,3 tỷ USD năm 2020 lên 12,4 tỷ USD năm 2021 và 15,7 tỷ USD năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 38%, vào loại cao nhất trong các đối tác thương mại của Việt Nam.

Kết quả này đạt được nhờ hai Chính phủ đều quan tâm, coi kinh tế - thương mại là một trong ba trụ cột và là trụ cột số 1 trong Chương trình hành động đối tác chiến lược  giai đoạn 2020 – 2023.

Theo đó, trên nền tảng 3 hiệp định mậu dịch tự do đa phương mà hai nước đều là thành viên (AANZFTA, CPTPP và RCEP), lần đầu tiên hai bên thống nhất và công bố Kế hoạch triển khai EEES với các biện pháp cụ thể, có thời hạn rõ ràng đến năm 2025. Các biện pháp này được gọi là những sáng kiến then chốt, vừa có cơ sở thực tiễn, vừa có nguồn lực thực hiện và sẽ được rà soát thường xuyên.

Mặt khác, các địa phương hai bên đều quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp. Đa số các bang, vùng lãnh thổ của Australia có chiến lược hợp tác với Đông Nam Á, nhiều bang cử đại diện thương mại-đầu tư tới ASEAN.

Ngoài ra, có thể khẳng định các cơ quan đại diện Việt Nam tại Australia đã đóng vai trò hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động giao lưu kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Đây là tiền đề cơ sở để lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế - thương mại. Hai nền kinh tế có sự bổ sung cao; trong đó, Việt Nam mạnh về đồ điện tử, máy móc, dệt may, giày dép, Australia có nhiều tài nguyên, nhiên liệu chất lượng cao.

Đặc biệt, Australia dự kiến sẽ sớm công bố Chiến lược kinh tế với Đông Nam Á tới năm 2040 và kỳ vọng doanh nghiệp lớn của Australia thấy rõ hơn tiềm năng của Việt Nam sẽ đầu tư trực tiếp cũng như gián tiếp ngày càng nhiều.

Hơn nữa, năm 2023, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế - thương mại. Bởi vậy, qua đó địa phương và doanh nghiệp khả năng sẽ có thêm nhiều đột phá mới.

Yếu tố then chốt

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Australia là nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa gần 250 tỷ USD/năm. Mặc dù quy mô dân số khá nhỏ, chỉ 25,7 triệu dân nhưng đây là thị trường rất tiềm năng bởi người dân sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm chất lượng và cởi mở với hàng hóa nhập khẩu.

Hơn nữa, cơ hội để hàng hóa Việt Nam sang thị trường Australia đang rất thuận lợi nhờ thuế suất hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia hầu hết về 0%.

Chính vì vậy, doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ các nước thành viên. Cùng đó, hàng hóa Việt Nam cũng đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường này.

Các chuyên gia Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cũng chia sẻ, Australia là thị trường tiềm năng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bất cứ thị trường nước ngoài nào cũng đều có những yếu tổ thuận lợi và khó khăn mà doanh nghiệp cần lưu ý để có thể khai thác hiệu quả nhất.

Thuận lợi lớn nhất mà doanh nghiệp có thể khai thác khi xuất khẩu sang thị trường này là việc cả Australia và Việt Nam đang là thành viên của nhiều FTA trong khu vực.

Từ Hiệp định AANZFTA, CPTPP và gần đây nhất là RCEP, doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường Austalia sẽ có cơ hội tận dụng những ưu đãi về thuế quan, về nguồn gốc xuất xứ cho các nguyên liệu/sản phẩm từ nội khối... được cam kết khuôn khổ các Hiệp định nêu trên.

Thực tế đã cho thấy, các FTA đã góp phần quan trọng giúp người tiêu dùng Australia biết đến nhiều hơn và ngày càng ưa chuộng các mặt hàng dệt may, giày dép, mũ nón và túi ví, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thủy sản, thực phẩm chế biến… của Việt Nam.

Hơn nữa, đây là thị trường có chính sách thương mại và thuế khá minh bạch, dễ dàng tìm kiếm trên các trang thông tin chính thống của Chính phủ Australia.

Thế nhưng, đây cũng là thị trường khó tính hàng đầu thế giới với hệ thống quy định tiêu chuẩn, chất lượng chặt chẽ và nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều mặt hàng Việt Nam khi xuất khẩu đi thị trường này cũng hay gặp vướng mắc ở khâu đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng và kiểm nghiệm, kiểm dịch.

Khoảng cách địa lý dẫn đến giá thành logistics cao, thời gian vận chuyển dài cũng là một thách thức với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này, nhất là đối với nhóm sản phẩm nông, thủy sản tươi đòi hỏi thời gian vận chuyển ngắn.

Bên cạnh đó, Australia là nền kinh tế phát triển nhưng dân số không lớn, chỉ hơn 25 triệu người. Điều này cũng là yếu tố hạn chế với việc mở rộng xuất khẩu một số sản phẩm nông sản, thủy sản, dệt may, da giày… của Việt Nam.

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Australia, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp cần phải có những kế hoạch kinh doanh rất nghiêm túc và dài hơi.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về thị trường cũng như những ưu đãi, lợi thế về thuế, quy tắc xuất xứ… trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do như AANZFTA, CPTPP, RCEP.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý, doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt đối với trong lĩnh vực nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến cần lưu ý đảm bảo đáp ứng những quy định khắt khe của Australia về kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm. Đi liền đó là việc duy trì ổn định chất lượng và nắm được trình tự giao dịch và nhập khẩu liên quan.

Đặc biệt, việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, xây dựng lòng tin với khách hàng cũng là yếu tố rất quan trọng khi xuất khẩu sang thị trường Australia.

Bởi vậy, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, không ngừng đa dạng hóa nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh tại thị trường Australia.

... Theo TTXVN