VNHN - Với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.
Ảnh minh họa - Internet
Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2019 của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là tăng trưởng 7-8% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thống kê cho thấy, 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 11, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).
Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (48,73 tỷ USD), hàng dệt và may mặc (29,89 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (32,4 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (16,47 tỷ USD), giày dép các loại (16,49 tỷ USD).
Nhiều điểm nhấn đáng chú ý
Đáng chú ý, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô - đạt 3,8%). Qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%).
“Tất cả các nhóm thị trường mà ta có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy ta đã chủ động khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết”- ông Hải nhấn mạnh. Chẳng hạn, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 7,6%; Hàn Quốc tăng 10,1%; ASEAN tăng 2,5%; Nga tăng 9,1%; New Zealand tăng 6,8% so với cùng kỳ...
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu Việt Nam tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Đơn cử, xuất khẩu sang Canada 11 tháng đầu năm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; sang Mexico đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%.
Một điểm nhấn nữa là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.
Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 10,6% so với cùng kỳ thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,43% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,9% của năm 2018 và 81% của năm 2017.
Các mặt hàng chủ lực khác duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch khá cao như máy vi tính tăng 19,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 17,2%; giày dép tăng 12,5%; kim loại thường khác tăng 11,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 9,8%.
Kết quả này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Đã xuất siêu hơn 9,1 tỷ USD
Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 232,308 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, các mặt hàng cần nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng nhiên liệu, nguyên phụ liệu, bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất, chiếm tới 87,96% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó, tỷ trọng nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 7,16% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 11 thâm hụt 100 triệu USD và trong tháng 12/2019 nhiều khả năng sẽ tiếp tục nghiêng về nhập siêu khi các doanh nghiệp sẽ nhập lượng lớn hàng hóa sản xuất và tiêu dùng nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất cuối năm và chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó, Samsung sẽ tăng cường nhập khẩu các linh kiện điện tử nhằm phục vụ cho đợt ra mắt sản phẩm mới vào quý 1/2020.
Tuy nhiên, với việc cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng 2019 duy trì thặng dự lên tới 9,11 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2018 xuất siêu 7,58 tỷ USD), “dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam” - Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đưa ra dự báo. Việc kiểm soát tốt cán cân thương mại được đánh giá đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và giảm áp lực tăng tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.