Năm 2020 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song ngành y tế Nghệ An đã không ngừng nỗ lực, đạt kết quả cao trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Không chỉ để lại dấu ấn quan trọng, đánh dấu sự khởi sắc trong năm 2020, mà còn là nền tảng, tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành trong thời gian tới.
1. Các chỉ tiêu chính đều đạt và vượt
Trong năm 2020, với sự đồng lòng khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngành y tế Nghệ An đã thực hiện đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu chính đề ra như: Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 95%; 92,6 % xã phường thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 90% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc; 10 bác sĩ/1 vạn dân; 34,9 giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng 16,5%... Các chương trình mục tiêu về y tế được thực hiện đạt và vượt kế hoạch.
2. Kiểm soát dịch bệnh hiệu quả
Năm 2020 nhờ làm tốt công tác y tế dự phòng nên trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn, nguy hiểm xảy ra. Toàn tỉnh chỉ có một số vụ dịch nhỏ nhưng đã kịp thời phát hiện sớm, bao vây, khống chế.
Trong công tác phòng chống dịch COVID -19. Sở Y tế đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực phòng, chống dịch, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 cùng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống dịch; Thành lập các đội phản ứng nhanh; Đồng thời phối hợp với các sở, ban ngành kịp thời triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch… vì vậy đến thời điểm hiện tại trên địa bàn không có trường hợp nào nhiễm COVID -19.
Đoàn y tế Nghệ An tăng viện cho Đà Nẵng trong cuộc chiến đại dịch.
3. Nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng thành công
Trong năm, Ngành y tế đã phát triển, làm chủ nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân như: Ghép thận từ người hiến sống; kỹ thuật cấy ốc tai điện tử điều trị khiếm thính ở trẻ.... Nhiều kỹ thuật cao của tuyến trên được chuyển giao và trở thành kỹ thuật thường quy tại tuyến cơ sở như: Phẫu thuật nội soi, kỹ thuật kết hợp xương, chụp cắt lớp vi tính,... Trong năm, ngành đã xây dựng phác đồ điều trị theo 04 chuyên ngành: Nội, Ngoại, Sản, Nhi;
Quyền Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long thăm bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện HNĐK
4. Tăng cường, nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở
Hướng tới nền y tế công bằng, chất lượng và hiệu quả, năm 2020, ngành y tế Nghệ An tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển cho y tế cơ sở. Trong năm, đã triển khai xây dựng 08 Trạm Y tế vùng khó khăn.
Sở Y tế đã tổ chức nhiều Đoàn công tác thường xuyên kiểm tra hoạt động của y tế cơ sở (bao gồm đơn vị tuyến huyện và trạm y tế xã). Việc kiểm tra, đốc thúc; lắng nghe và giải quyết các vướng mắc khó khăn đã giúp cho y tế cơ sở không ngừng phát triển mọi mặt từ việc nâng cao chuyên môn, phát triển kỹ thuật, trang thiết bị; tạo sự chuyển biến mạnh về kỷ cương, hành động, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở cũng như hoạt động phòng, chống dịch bệnh, quản lý bệnh không lây nhiễm.
5. Công tác dân số, an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực
Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Mô hình điểm "Tuyến phố, tuyến đường có kiểm soát về an toàn thực phẩm" trên địa bàn thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò... Số vụ ngộ độc thực phẩm, người mắc đều giảm hơn so với năm 2019, không có trường hợp tử vong.
Sở Y tế Nghệ An tặng giấy khen cho các đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP năm 2020.
6. Tiếp tục phát huy hiệu quả tự chủ tại các đơn vị y tế
Năm 2020, các bệnh viện triển khai thực hiện theo cơ chế tự chủ ổn định, có bước phát triển tốt, đặc biệt Bệnh viện ĐK TP Vinh đã thực hiện tự chủ kinh phí chi thường xuyên và đầu tư (nhóm I), còn 12 bệnh viện tuyến tỉnh (HNĐK tỉnh, Sản - Nhi, Ung bướu, Nội tiết, Phục hồi chức năng, Chấn thương - Chỉnh hình, Phổi, Mắt, Da liễu, Y học cổ truyền; đa khoa khu vực Tây Bắc và đa khoa khu vực Tây Nam) và 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương và Đô Lương thực hiện tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm II).
Nhờ tự chủ tài chính, thời gian qua, các bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi phong cách thái độ phục vụ, rà soát, sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ có khả năng triển khai và phù hợp với năng lực của mình. Đồng thời nguồn thu của các bệnh viện tăng dần hàng năm, để từ đó tái đầu tư mua sắm thêm các trang thiết bị hiện đại, đặc biệt được đầu tư trang thiết bị thực hiện kỹ thuật cao nên chất lượng phục vụ người bệnh được nâng lên rõ rệt. Thực hiện tự chủ, các bệnh viện đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng năm hơn 210 tỷ đồng.
Bệnh viện Đa khoa TP Vinh là bệnh viện đi đầu trong việc thực hiện cơ chế tự chủ.
7. Tiếp tục quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh.
Hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào việc kinh doanh, cho thuê,… trình Sở Tài chính thẩm định. Đến nay UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt đề án cho 6 Bệnh viện: Chấn thương; HNĐK tỉnh; Sản - Nhi; ĐKKV Tây Bắc; ĐK TP Vinh và ĐK huyện Đô Lương. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các dịch vụ đúng quy định pháp luật như: khám chữa bệnh theo yêu cầu, dịch vụ tiêm chủng, sao bệnh án, vận chuyển người bệnh bằng xe cứu thương, dịch vụ trông giữ xe ô tô, xe máy; căng tin tạp hoá, nhà ăn, nhà thuốc.
Huy động các nguồn lực và chuẩn bị chu đáo trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc thiết yếu cho công tác phòng chống dịch COVID - 19.
Bệnh viện ĐK Tây Bắc Nghệ An là một trong 6 bệnh viện quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh.
8. Triển khai đồng bộ các hoạt động chuyển đổi số tại các đơn vị y tế
Thời gian qua, ngành y tế Nghệ An quyết liệt triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công tác quản lý, điều hành, quản trị bệnh viện, giám sát dịch bệnh, quản lý sức khỏe cho người dân... Với mục tiêu kết hợp chặt chẽ ứng dụng công nghệ thông tin với nhiệm vụ cải cách hành chính, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý điều hành tổng thể tại các đơn vị trong ngành. Trong năm ngành đã đẩy mạnh ứng dụng hội chẩn, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trung ương; thanh toán điện tử tại các cơ sở y tế; triển khai kết nối liên thông dữ liệu các hệ thống thông tin bán thuốc và kê đơn thuốc với hệ thống quản lý đơn thuốc quốc gia; triển khai sử dụng phần mềm tổ chức cán bộ, phần mềm thống kê y tế điện tử. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tại các TYT hướng tới mỗi TYT sẽ chỉ sử dụng một phần mềm duy nhất để quản lý dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn tại TYT xã.
Với những kết quả đã đạt được, Sở Y tế Nghệ An là 1 trong 5 Sở Y tế của cả nước. Bệnh viện ĐK TP Vinh và Bệnh viện ĐK Quang Khởi là 2 trong 10 bệnh viện của cả nước được vinh danh là các đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số y tế quốc gia, đóng góp tiêu biểu cho sự nghiệp phát triển, ứng dụng trong công nghệ thông tin y tế.
Bệnh viện ĐK TP.Vinh
Bệnh viện ĐK Quang Khởi.
9. Xây dựng, triển khai nhiều chương trình, đề án quan trọng
Trong năm ngành y tế đã thực hiện và hoàn thành đề án sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ vào Trung tâm Y tế huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án "Phát triển Bệnh viện vệ tinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2025", Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, “Đề án Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025".
Tham mưu xây dựng Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND, ngày 13/11/2020 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách về công tác dân số trên địa bàn tỉnh Nghệ An (thay thế Nghị quyết số 170/2015/NQ-HĐND, ngày 10/7/2015 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An); Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND về việc Quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND về việc Quy định một số chính sách về công tác dân số trên địa bàn tỉnh Nghệ An của HĐND tỉnh. …
10. Nhiều kết quả nổi trội về nghiên cứu khoa học
Năm 2020, ngành y tế Nghệ An khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong hoạt động sáng tạo, khoa học, công nghệ chung của tỉnh, toàn ngành đã đoạt tới 21 giải trong tổng thể 55 giải sáng tạo khoa học - công nghệ của tỉnh, trong đó có 6 giải nhất, 3 giải nhì, 6 giải ba.
PGS.TS Dương Đình Chỉnh cùng cộng sự đạt giải Nhất về Sáng tạo khoa học - Công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020.
Lĩnh vực y tế có 6 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 6 giải khuyến khích trên 87 công trình tham dự xét giải.
Tổ chức thành công Hội nghị khoa học ngành Y tế Nghệ An mở rộng với quy mô lớn, thu hút 1.500 đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong tỉnh cũng như quy tụ trên 50 nhà khoa học, các giáo sư, chuyên gia đầu ngành, các trường đại học, các bệnh viện lớn trong cả nước tham dự và có bài báo cáo tại Hội nghị.
Hội nghị nhận được 540 báo cáo về các công trình nghiên cứu tiêu biểu dựa trên vấn đề mới và thực tiễn đặt ra trên các lĩnh vực trong ngành y tế và một số ngành liên quan.
Thông qua hội nghị đã giúp cho các nhà khoa học, các chuyên gia đào tạo, nhà quản lý, cán bộ y tế tỉnh Nghệ An và các tỉnh thành trong cả nước được trao đổi, học hỏi thêm nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm, nắm bắt và hoạch định chiến lược phát triển ngành y tế của mỗi địa phương phù hợp trong thời gian tới.
Với những thành tích đáng trân trọng đó, trong thời gian tới ngành y tế Nghệ An sẽ tiếp tục nỗ lực, hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra trong năm 2021, trên tinh thần trách nhiệm “Lương y như từ mẫu”, xứng đáng với niềm tin của người bệnh, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.