Cụ thể, Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006. Luật Điện ảnh năm 2022 có 10 điểm mới cơ bản phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Thứ nhất, về khái niệm, Luật mới đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung các khái niệm thuật ngữ quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006 và bổ sung thuật ngữ "Công nghiệp điện ảnh", "Phân loại phim", "Phim Việt Nam", "Trường quay" và "Địa điểm chiếu phim công cộng". Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung khái niệm "Phim" đóng vai trò quan trọng, qua đó xác định rõ những loại sản phẩm nào trong lĩnh vực nghe nhìn được Luật Điện ảnh điều chỉnh.
Thứ hai, về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh nhằm tạo sự linh hoạt trong chính sách của nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; Luật đã thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh…
Thứ ba, Luật quy định chi tiết, cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ Luật.
Thứ tư, về sản xuất phim cũng đã có những điểm mới quan trọng được quy định tại Luật.
Thứ năm, về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam (Điều 41).
Thứ sáu, về phát hành phim (Chương III), Luật không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực phát hành phim.
Thứ bảy, Luật đã quy định rõ đối tượng chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng, đồng thời quy định thêm về các yêu cầu, điều kiện cần bảo đảm khi phổ biến phim trên không gian mạng…
Thứ tám, về lưu chiểu, lưu trữ phim (Chương V), định dạng kỹ thuật của phim thay đổi từ chất liệu phim nhựa sang phim phim kỹ thuật số nên Luật bổ sung một số quy định mới nhằm phù hợp với công nghệ điện ảnh như thời hạn lưu chiếu đối với phim nhập khẩu căn cứ theo thời hạn bản quyền phổ biến tại Việt Nam…
Thứ chín, về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam (Điều 38), so với Luật điện ảnh năm 2006, Luật Điện ảnh năm 2022 đã mở rộng chủ thể được tổ chức liên hoan phim nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia quảng bá, tôn vinh điện ảnh trong nước.
Thứ mười, về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, so với Luật Điện ảnh năm 2006, Luật đã bổ sung và làm rõ thêm mục đích của Quỹ (Điều 44) và nguyên tắc hoạt động của Quỹ (Điều 45) nhằm nâng cao tính khả thi.
Để làm rõ những điểm mới này, các đại biểu tham dự Hội nghị- Hội thảo đã sôi nổi góp ý kiến cho Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP nhằm tiếp tục khẳng định, Luật Điện ảnh có những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động điện ảnh, góp phần thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà phát triển.
Nhiều ý kiến đại biểu chỉ ra những nội dung cơ bản cần quy định chi tiết trong dự thảo của hai Nghị định; trong đó tập trung góp ý vào những vấn đề như quy trình thực hiện dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, tỉ lệ phim Việt trên truyền hình, phổ biến phim trên không gian mạng, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm…
Phát biểu tổng kết, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cảm ơn các đại biểu đã có những ý kiến góp ý tại Hội nghị- Hội thảo. Thứ trưởng cho biết, các ý kiến đóng góp đề cập đến những vấn đề rất nóng, sát với thực tiễn những gì đã và đang diễn ra, mong muốn phải làm sao để giảm bớt các thủ tục hành chính và các quy định rõ ràng, rành mạch hơn để thực hiện sau này. Đồng thời cho biết, Ban tổ chức sẽ tiếp thu các ý kiến và có những điều chỉnh phù hợp trước khi trình dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP lên Thủ tướng Chính phủ./.
MH