17/04/2024 lúc 01:18 (GMT+7)
Breaking News

Văn học nghệ thuật Việt Nam sau năm 1975: Đổi mới và hội nhập

VNHN - Ánh sáng của “đổi mới tư duy” mà Đảng ta khởi động từ Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) và cuộc hành trình không ngừng nghỉ trong gần 35 năm qua của dân tộc đã làm nên nhiều kỳ tích... Những bài học phải trả giá bằng xương máu của dân tộc qua nhiều thế hệ chính là những chất liệu quan trọng để mỗi nhà văn và người nghệ sĩ thấu hiểu, đặt trách nhiệm khi cầm bút...

VNHN - Ánh sáng của “đổi mới tư duy” mà Đảng ta khởi động từ Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) và cuộc hành trình không ngừng nghỉ trong gần 35 năm qua của dân tộc đã làm nên nhiều kỳ tích... Những bài học phải trả giá bằng xương máu của dân tộc qua nhiều thế hệ chính là những chất liệu quan trọng để mỗi nhà văn và người nghệ sĩ thấu hiểu, đặt trách nhiệm khi cầm bút...

Một cảnh trong phim truyền hình "Thương nhớ ở ai" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh - chuyển thể từ tiểu thuyết "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng. (Ảnh minh họa).

1. Từ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đến chủ nghĩa nhân văn - Bước đột phá trong tư duy nghệ thuật của thời kỳ mới.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra chân trời mới cho dân tộc ta và cho đội ngũ những người nghệ sĩ. Tất cả đều hồ hởi đón nhận ngày độc lập, được làm con dân của một nước Việt Nam tự do, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hầu hết các văn nghệ sĩ, bất kể thành phần giai cấp nào, thuộc các khuynh hướng văn nghệ khác nhau, trên mọi vùng miền của Tổ quốc... đều hướng theo ngọn cờ cách mạng. Điều đó giải thích vì sao, khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, theo lời hiệu triệu kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng trăm văn nghệ sĩ đã tình nguyện tham gia kháng chiến. Người vào quân đội, người tham gia các cơ quan chính phủ, người tham gia các đoàn văn nghệ phục vụ nhân dân. Một trào lưu sáng tác gắn kết với nhiệm vụ “kháng chiến kiến quốc” ra đời tạo nên luồng sinh khí mới cho đời sống nghệ thuật. Đó là hàng trăm các ca khúc cách mạng, tiêu biểu như “Tiến quân ca” của Văn Cao. Đó là các tác phẩm thơ Tố Hữu, thơ ca kháng chiến, tiểu thuyết… Đó còn là các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu kịch,... Chủ đề công - nông - binh và hình ảnh người dân Việt Nam trong kháng chiến được khắc họa chân thực, sinh động trong các tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) thời kỳ ấy. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam với những giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, nhân hậu, kiên trung, dũng cảm, với khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc sinh” thấm đẫm trong từng tác phẩm...

Tiếp nối truyền thống của giai đoạn trước, hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong VHNT tiếp tục được khẳng định và bước lên những đỉnh cao mới. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sức người, sức của của toàn dân được huy động tổng lực cho cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước. Những thành tựu mới của VHNT thời kỳ này được thể hiện khá đa dạng, phong phú. Từ văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu, múa... đều có những tác phẩm xuất sắc, cùng với đó là một đội ngũ nhà văn, nghệ sĩ mặc áo lính hình thành, mang tới cho công chúng những cảm xúc mới mẻ, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo niềm tin và sức mạnh đưa người lính ra chiến trường.

Nền văn nghệ trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc chỉ có thể ra đời, là “con đẻ” của thời đại Hồ Chí Minh. Cũng như hơn 700 trăm năm trước, thời đại Đông A của nhà Trần sản sinh ra những anh hùng hào kiệt, quân dân một lòng “sát Thát”, mới tạo ra được sức mạnh to lớn ba lần đánh tan quân Nguyên Mông...

Ngày 30-4-1975, miền Nam được giải phóng, non sông quy về một mối, ánh sáng hòa bình khiến cho cả dân tộc vỡ òa và ngỡ ngàng trước bao điều mới lạ. Cả một thời kỳ dài sống “thắt lưng buộc bụng”, thiếu thốn, đói khổ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, cho sự nghiệp thống nhất đất nước...”, “Cái ta là tất cả, cái tôi là thứ yếu, là xấu xa, tội lỗi...”, hình ảnh người đảng viên vốn được tôn thờ, xem là biểu tượng... thì nay, trong cuộc sống đời thường “cái xấu của con người tư hữu” bị lột trần, bất kể họ là ai. Những âm mưu, thủ đoạn, thói hư tật xấu, kể cả những hành động phi nhân tính vốn trong chiến tranh bị khỏa lấp vì nhiều lý do, thì sau chiến tranh dần bộc lộ, phơi bầy. Hiện thực cuộc sống với bộ mặt thật của nó tác động tới người nghệ sĩ vốn nhạy cảm, dễ xúc động, khiến họ dằn vặt suy tư, trăn trở trước những đổi thay của cuộc sống, trong đó có cả sự “biến động” những quan niệm về “thang bậc” giá trị, tiêu chí, tiêu chuẩn... Cùng với đó là những xung đột xã hội nẩy sinh trong quá trình xây dựng đất nước...

Vào thập niên 1980, khi các vở kịch của Lưu Quang Vũ ra đời, tiểu thuyết “Đứng trước biển” của Nguyễn Mạnh Tuấn, thơ Nguyễn Duy, cùng hàng loạt các truyện ngắn, bút ký xuất hiện trên báo Văn Nghệ như một luồng gió mới thổi vào cánh đồng văn nghệ vốn quen với một âm điệu đã trở nên nhàm chán, chỉ sống với cái ta mà dấu kín cái tôi vốn có thật trong mỗi con người. Nhà văn Lê Lựu cho trình làng tiểu thuyết “Thời xa vắng”; Ma Văn Kháng có “Mưa mùa hạ” rồi “Mảnh đất lắm người nhiều ma”; Dương Hướng với “Bến không chồng”; Đỗ Kim Cuông có “Sau rừng là biển”,”Phòng tuyến sông Bồ”... Chiến tranh đã có một cách tiếp cận mới. Hình tượng người lính trong chiến tranh cũng như trở về sau chiến tranh được phản ánh góc cạnh hơn. Không chỉ có niềm vui mà còn có cả những nỗi buồn, mất mát, lo toan, dằn vặt, cùng với đó là những tranh đấu cho lẽ phải, công lý để bảo vệ phẩm giá “bộ đội Cụ Hồ”. Nhiều tác phẩm đã đề cập những vấn đề nhạy cảm như tham nhũng, tham ô, suy đồi lối sống, nhân cách, kể cả những hệ lụy từ cải cách ruộng đất, quan niệm lệch lạc về giai cấp…

Ánh sáng của “đổi mới tư duy” mà Đảng ta khởi động từ Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) và cuộc hành trình không ngừng nghỉ trong gần 35 năm qua của dân tộc đã làm nên nhiều kỳ tích, bắt đầu từ các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chống giặc xâm lấn biên giới phía Nam, phía Bắc cho đến chống đói nghèo, chống bao vây cấm vận... Những bài học phải trả giá bằng xương máu của dân tộc qua nhiều thế hệ chính là những chất liệu quan trọng để mỗi nhà văn và người nghệ sĩ thấu hiểu, đặt trách nhiệm khi cầm bút... Không phải ngẫu nhiên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói “Hãy cởi trói cho văn nghệ” và cũng không phải ngẫu nhiên vào năm 1998, sau mấy kỳ đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương năm khóa VIII ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, rồi 10 năm sau (1998), Bộ Chính trị ra Nghị quyết 23 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong mối tương quan với chính trị và kinh tế, xã hội.

Có một dịp, tôi tháp tùng Giáo sư, nhà lý luận văn học Hà Xuân Trường đi khảo sát ở Tây Nguyên và Nam bộ để chuẩn bị cho cho Dự thảo Nghị quyết Trung ương V Khóa VIII. Một buổi tối ở Gia Lai, ông Hà Xuân Trường hỏi tôi: “Cậu là nhà văn, có kinh qua quản lý, theo cậu “nhân vật trung tâm” của văn học ta bây giờ là ai?”. Tôi hỏi lại: “Chú vẫn nghĩ là anh công - nông - binh, anh trí thức nữa ư?”. Ông Hà Xuân Trường gật đầu: “Mình nghĩ thế... nhưng phải khác đi...”. Đắn đo một lúc, tôi nói: “Cháu là người lính may mắn sống sót sau chiến tranh, lứa bạn cùng ra trận với cháu, nhiều người chết cả rồi... Giá như những người bạn ấy còn sống, chắc chắn có nhiều người sẽ là nhà khoa học, nhà văn, chứ không phải là cháu. Cái mà chú gọi là “nhân vật trung tâm” của cả một nền văn nghệ phải là CON NGƯỜI...”. Ông Hà Xuân Trường chau mày hỏi lại tôi: “Cậu nghĩ thế thật à?!”.

2. Nghị quyết Trung ương năm Khóa VIII đã xác định: “Các hội VHNT từ Trung ương đến địa phương là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp do Đảng lãnh đạo, Nhà nước hỗ trợ kinh phí, có biên chế, trụ sở...”. Khi nghe nhà báo Hữu Thọ, lúc bấy giờ là Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương thông báo tin ấy, nhà thơ Cù Huy Cận đã ứa nước mắt. Lúc đó, Huy Cận đang ngồi cùng Trần Hoàn, Nguyễn Đình Thi chờ kết quả Trung ương bỏ phiếu...

Chặng đường đội ngũ văn nghệ sĩ đi theo Đảng làm cách mạng từ năm 1943, dưới ánh sáng của “Đề cương văn hoá”, đi qua 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đã tạo dựng nên một nền văn nghệ cách mạng với nhiều thế hệ nghệ sĩ ngã xuống chiến hào, hy sinh anh dũng.

Theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày nay, các Hội VHNT đã thành một hệ thống thống nhất trong cả nước, có hai cấp quản lý: cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố. Các văn nghệ sĩ ưu tú, có ảnh hưởng rộng rãi trong công chúng được xét kết nạp vào các hội chuyên ngành Trung ương... Điều may mắn là vào thời điểm các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô tan rã, sụp đổ, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn vững tin vào con đường mà cả dân tộc ta đã lựa chọn.

Vào những năm khó khăn chất chồng, quẫy đạp để thoát ra vòng xoáy “bao cấp”, địch họa bủa vây… đã có những ý tưởng muốn xóa bỏ các hội văn nghệ (1991), nhưng với một tầm nhìn chiến lược, ân tình, Đảng vẫn coi văn nghệ là một mặt trận của công tác tư tưởng - văn hóa, là mũi xung kích hiệu quả, đưa đường lối văn hóa, văn nghệ của đảng đến với nhân dân.

Trong mái nhà chung do Liên hiệp các Hội VHNT Trung ương quản lý, hiện có 10 hội chuyên ngành và 63 hội văn nghệ địa phương với hơn 42 vạn hội viên chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Hầu hết các hoạt động văn nghệ phục vụ cho những nhiệm vụ chính trị của đất nước đều do đội ngũ văn nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật nhà nước và các Hội thực hiện với hàng ngàn cuộc biểu diễn nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; hằng năm xuất bản hàng ngàn các đầu sách; tổ chức hội thảo, hội diễn về văn hóa, văn nghệ; tổ chức trại sáng tác về đề tài cách mạng, chiến tranh, công cuộc đổi mới đất nước. Thông qua sáng tác, các Hội phát hiện ra nhiều văn nghệ sĩ trẻ bổ sung cho đội ngũ trí thức văn hóa, văn nghệ.

Hai vấn đề lớn hiện nay luôn được các Hội VHNT quan tâm là:

Một là, động viên văn nghệ sĩ đẩy mạnh các hoạt động sáng tác. Sáng tác luôn là công việc đòi hỏi sự sáng tạo, tự thân của mỗi cá nhân văn nghệ sĩ; thể hiện rõ tài năng, sức lao động bền bỉ, sự hiểu biết xã hội và cả sự dấn thân vào những vấn đề sôi động phức tạp của đời sống. Những năm gần đây, đã có không ít truyện ngắn, tiểu thuyết, vở kịch, tác phẩm điện ảnh đề cập tới mảng đề tài đương đại với nhiều “góc cạnh”. Các giá trị mới về con người, về cuộc sống, ý thức vươn lên trong cuộc đấu tranh sinh tử để khẳng định cái tốt, cái tiến bộ, cùng với đó là cuộc chiến đấu chống lại cái ác, cái xấu, phi nhân tính đã được các tác giả tái hiện khá sâu sắc, sinh động. Những vấn đề của quá khứ cũng được tái tạo lại một cách mới mẻ hơn, thuyết phục hơn...

Lý luận, phê bình văn nghệ cũng được quan tâm hơn trên các ấn phẩm tạp chí. Tuy nhiên, đội ngũ phê bình, lý luận chuyên nghiệp ngày càng thưa vắng, ít sắc sảo, thiếu tinh tế và dường như còn ít đọc. Đã xuất hiện xu hướng phê bình theo thị hiếu, thời thượng, chiều theo thị hiếu tầm thường. Bên cạnh đó, vẫn còn xu hướng phê bình bằng “đôi mắt” cũ: cứng nhắc, khuôn sáo, cực đoan. Một số khác thì lại bị ảnh hưởng và “tôn sùng” lý  luận phương Tây - đem áp đặt vào văn nghệ Việt Nam không phù hợp, khiên cưỡng...

Nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần thiết nhất đặt ra cho VHNT Việt Nam hiện nay là góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng với đòi hỏi hội nhập và phát triển của đất nước. Tính sáng tạo, đổi mới, cách tân của các tác phẩm văn nghệ và lý luận phê bình văn nghệ đều phải hướng tới mục tiêu đó. Cuộc sống luôn nảy sinh những mâu thuẫn, vấn đề phức tạp, tốt - xấu đan xen, vì thế, cuộc đấu tranh khẳng định các giá trị truyền thống, nhân văn vẫn tiếp tục là xu hướng chính trong quá trình đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay và thời gian tới.

Hai là, thông tin và các phương tiện truyền thông, công nghệ “thời 4.0” có ảnh hưởng rất lớn tới nhãn quan của người nghệ sĩ cũng như kết quả, chất lượng của tác phẩm. Internet giúp chúng ta đến với nhân loại nhanh và gần hơn bao giờ hết, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, minh bạch, công bằng, công khai; ý thức trách nhiệm công dân được nâng cao. Nhưng đó cũng là cơ hội, lợi thế để các thế lực thù địch lợi dụng, không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, chống phá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trên mọi mặt trận, trong đó có VHVN. Đây là đòi hỏi, thử thách đồng thời là “thước đo” đối với ý thức, bản lĩnh, nhân phẩm, lương tâm, tâm hồn, trái tim của mỗi văn nghệ sĩ trong tiến trình đổi mới và hội nhập.

Những năm gần đây, thị trường sách trên mạng xã hội phát tán một số ấn phẩm độc hại. Một trong những mục tiêu kẻ xấu nhắm tới là phủ nhận và xuyên tạc hình tượng Bác Hồ kính yêu của dân tộc ta. Ở nước ngoài và trong nước, một vài “nhân vật” mượn danh trí thức, nhà văn, nhà báo tung ra những ấn phẩm, phát ngôn xuyên tạc về thân thế sự nghiệp của Người; những người Việt bất mãn, phản động ở nước ngoài luôn rắp tâm tạo các chiêu trò kích động, làm nhiễu loạn dư luận thông qua làm phim, “chế biến” tài liệu, thơ ca tung lên mạng Internet... Do đó, có thể khẳng định, cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa - phi nghĩa, cách mạng - phản cách mạng, chống “diễn biến hòa bình”, chống suy thoái, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong đội ngũ văn nghệ sĩ, thông qua các tác phẩm VHNT sẽ vẫn tiếp tục là một “cuộc chiến” dài hơi và không kém phần gay go, phức tạp trong bối cảnh đổi mới và hội nhập./.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam