27/04/2024 lúc 07:39 (GMT+7)
Breaking News

Trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em

VNHN - Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, các trợ giúp viên pháp lý đã gặp không ít khó khăn khi thiếu sự phối hợp từ gia đình của trẻ em.

VNHN - Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, các trợ giúp viên pháp lý đã gặp không ít khó khăn khi thiếu sự phối hợp từ gia đình của trẻ em.

Ảnh minh họa - Nguồn: internet

Trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em là việc cung cấp trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong quá trình tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, mà mọi người có thể tiếp cận được, phù hợp với độ tuổi, đa ngành và có hiệu quả, đáp ứng một loạt nhu cầu pháp lý và xã hội đối mặt với trẻ em và thanh thiếu niên.

Mọi trẻ em đều được trợ giúp pháp lý

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018, đã mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý. Theo đó, tất cả trẻ em là đối tượng được trợ giúp pháp lý. Đây là điểm mới đáng được ghi nhận về bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Qua đó, công tác trợ giúp pháp lý đã chú trọng tăng cường bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho mọi trẻ em, để mọi trẻ em đều được tiếp cận và được cử luật sư, trợ giúp viên pháp lý thực hiện việc bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ngay từ thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ án hình sự hoặc giai đoạn khởi kiện trong vụ án dân sự, vụ án hành chính.

Hiện nay, hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đã trải rộng trên toàn quốc với 63 trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc 63 Sở Tư pháp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với 199 chi nhánh đặt tại huyện hoặc liên huyện. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2015 - 2019, các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thành phố đã thực hiện 382.960 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 382.960 lượt người được trợ giúp pháp lý. Riêng thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo... các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện 18.155 vụ việc, trong đó tham gia tố tụng 10.450 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 127 vụ việc, tư vấn 7.510 vụ việc.

Phó Trưởng Phòng Tài chính và Quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư Pháp Trần Nguyên Tú cho biết, qua công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý hằng năm cho thấy, phần lớn vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện đều đạt chất lượng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, các vụ việc tham gia tố tụng đều được các trung tâm trợ giúp pháp lý tạo điều kiện phân công trợ giúp viên pháp lý, luật sư có nhiều kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý trẻ em để thực hiện trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, các trợ giúp viên pháp lý đã tích cực tham gia các vụ việc nóng, được dư luận quan tâm, như vụ án xâm hại tình dục với trẻ em ở Bình Dương; bảo vệ bị hại trong vụ giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, trong vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi và giao cấu với trẻ em... ở Tiền Giang…

Khi gia đình còn e ngại

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em và gia đình, các trợ giúp viên pháp lý vẫn gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, trong các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em thì các vụ án xâm hại tình dục trẻ em luôn chiếm tỷ lệ cao. Đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, khi trợ giúp viên pháp lý tham gia thì gia đình người bị hại còn tâm lý thiếu tin tưởng, e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống của người bị hại và gia đình sau này, nên thường không cung cấp đầy đủ thông tin vụ việc, hoặc chỉ trình bày những điểm có lợi cho mình… Có trường hợp, mặc dù đã được trợ giúp viên pháp lý tư vấn về mặt pháp lý nhưng gia đình bị hại vẫn không tố giác tội phạm mà giấu giếm, bỏ qua hoặc tự thỏa thuận với người có hành vi phạm tội, nên đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại. Thêm vào đó, nhiều trường hợp bị hại và gia đình của bị hại chưa biết đến quyền được trợ giúp pháp lý hoặc còn e ngại khi tiếp cận với người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Trợ giúp pháp lý cho trẻ em không chỉ giúp trẻ em trong giải quyết các vụ việc cụ thể, mà còn giúp trẻ em nâng cao hiểu biết pháp luật, qua đó góp phần trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết để phòng ngừa trước sự đe dọa của các tệ nạn xã hội, các hành vi xâm hại đến tính mạng, danh sự, sức khỏe của mình. Chính vì thế, để có thể giúp đỡ pháp lý cho đối tượng này đạt kết quả cao nhất, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng cần nghiên cứu để có phương thức thích hợp nhất. Cách thức được nhắc tới nhiều thời gian gần đây là trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em. Đó là hệ thống trợ giúp pháp lý mà trong đó có tính đến các quyền và nhu cầu phát triển đặc biệt của trẻ em, quyền được trợ giúp pháp lý và hỗ trợ phù hợp khác trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ; quyền được có tiếng nói trong tất cả các thủ tục tố tụng tư pháp ảnh hưởng đến trẻ…

Từ thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý cho thấy, Việt Nam cần sớm xây dựng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý có kiến thức chuyên sâu về pháp luật liên quan đến trẻ em, được trang bị kiến thức về tâm sinh lý của trẻ em. Các trợ giúp viên pháp lý này không chỉ có trình độ và kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan đến trẻ em, mà còn đòi hỏi phải có kiến thức về tâm, sinh lý của lứa tuổi này. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường công tác thông tin và truyền thông về trợ giúp pháp lý để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại và gia đình. Từ việc nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình, bao gồm quyền được trợ giúp pháp lý, gia đình và các em sẽ phối hợp tốt hơn với các trợ giúp viên pháp lý.