27/04/2024 lúc 02:43 (GMT+7)
Breaking News

'Trái ngọt' của Hội nghị cấp cao ASEAN 38 và 39

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các hội nghị liên quan được tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua đã thông qua hơn 20 văn kiện. Sau đây là sơ lược nội dung của một số văn kiện quan trọng về hợp tác nội khối và đối ngoại của ASEAN.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các hội nghị liên quan được tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua đã thông qua hơn 20 văn kiện. Sau đây là sơ lược nội dung của một số văn kiện quan trọng về hợp tác nội khối và đối ngoại của ASEAN.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38,39 và các hội nghị liên quan đã thông qua hơn 20 văn kiện. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hợp tác nội khối

Về hợp tác nội khối, trong số các văn kiện được ký kết, có 3 văn kiện nổi bật liên quan tới việc ứng phó với thảm họa, tăng cường chủ nghĩa đa phương và cam kết chống biến đổi khí hậu.

Thứ nhất là Tuyên bố Bandar Seri Begawan về Sáng kiến ASEAN về Ứng phó với Thảm họa và các Tình huống khẩn cấp (ASEAN SHIELD).

Tuyên bố tái khẳng định cam kết của Lãnh đạo ASEAN trong việc thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể, nhất quán của cả Cộng đồng, sự phối hợp đồng bộ liên ngành, liên trụ cột trong việc ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thảm hoạ và tình huống khẩn cấp đe dọa đến cuộc sống và sự an toàn của người dân, trong đó có nhóm dễ bị tổn thương.

Ban Thư ký ASEAN được giao xây dựng một danh mục mở (liên tục được cập nhật) các cơ chế, sáng kiến hiện có của ASEAN về ứng phó các tình huống khẩn cấp và thảm hoạ để làm cơ sở, từ đó thúc đẩy sự phối hợp liên ngành, liên trụ cột giữa các cơ quan liên quan của ASEAN trong triển khai các sáng kiến này dưới sự giám sát của Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) và sự trợ giúp của Ủy ban các Đại diện Thường trực tại ASEAN (CPR).

Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp cảnh báo sớm, huy động nỗ lực đa phương, chia sẻ kinh nghiệm, khai thác công nghệ, đóng góp của các đối tác và các bên liên quan nhằm nâng cao năng lực ứng phó của ASEAN với các thách thức.

Thứ hai là Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN về Thúc đẩy Chủ nghĩa đa phương. Tuyên bố tái khẳng định cam kết của ASEAN ủng hộ chủ nghĩa đa phương dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và Luật pháp quốc tế; thúc đẩy cách tiếp cận đa phương và quan hệ hợp tác đa phương giữa ASEAN và các đối tác, các tổ chức khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hình cấu trúc liên kết đa tầng nấc, đa phương mở, minh bạch, dựa trên luật lệ, với ASEAN đóng vai trò trung tâm; duy trì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực, giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, không phân biệt, bao trùm và dựa trên luật lệ, hướng tới phát triển đồng đều và bền vững.

Thứ ba là Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu gửi đến Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCC) lần thứ 26

Đây là Tuyên bố chung của ASEAN được xây dựng hàng năm, có tính thông lệ để gửi lên UNFCC thông qua.

Dự thảo Tuyên bố chung do Việt Nam chủ trì cùng các nước ASEAN xây dựng từ năm 2020. Do COP26 hoãn và được tổ chức vào tháng 11/2021 nên Brunei Darussalam tiếp tục vai trò chủ trì.

Tuyên bố nhấn mạnh ASEAN sẵn sàng tăng cường quan hệ hợp tác với cộng đồng toàn cầu về biến đổi khí hậu; thể hiện quan ngại về sự gia tăng của hiệu ứng nhà kính, tình trạng ô nhiễm không khí, nóng lên toàn cầu...

ASEAN cũng kêu gọi các bên tham gia UNFCCC tăng cường triển khai các biện pháp và hành động cụ thể về giảm thiểu biến đổi khí hậu; thúc đẩy đàm phán các điểm bất đồng; đẩy mạnh hợp tác xây dựng năng lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực triển khai các chương trình hợp tác cụ thể; hỗ trợ các nước ASEAN và các nước đang phát triển khác triển khai các giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tiếp cận hơn với các nguồn ngân sách liên quan.

Quan hệ đối ngoại

Liên quan tới quan hệ đối ngoại của ASEAN, các văn kiện hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga có nhiều điểm nhấn quan trọng.

Thứ nhất là Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Trung Quốc.

Tuyên bố ghi nhận các thành tựu đã đạt được từ khi thiết lập quan hệ ASEAN-Trung Quốc từ năm 1991 tới nay, khẳng định quan hệ ASEAN-Trung Quốc là một trong những quan hệ năng động, thực chất và cùng có lợi nhất giữa ASEAN với một đối tác.

Nội dung Tuyên bố đề cao vai trò dẫn dắt của ASEAN trong định hình cấu trúc an ninh và kinh tế khu vực, thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; khẳng định các cam kết tăng cường hợp tác ASEAN-Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực, khẳng định tầm quan trọng của duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, ủng hộ xây dựng Cộng đồng ASEAN, hội nhập ASEAN và hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN.

ASEAN và Trung Quốc nhất trí tăng cường hợp tác phát triển bền vững, lâu dài hậu đại dịch Covid-19, trong đó có ủng hộ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN; tăng cường tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác chính trị-an ninh nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, tăng cường hợp tác kinh tế toàn diện và năng động, củng cố chuỗi cung ứng khu vực, thúc đẩy hợp tác văn hóa-xã hội, hợp tác kỹ thuật và hợp tác quốc tế, khu vực.

Thứ hai là Tuyên bố chung ASEAN-Ấn Độ về Hợp tác triển khai Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).

Tuyên bố mong muốn gắn kết Sáng kiến AOIP của ASEAN với Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) của Ấn Độ và tập trung vào các lĩnh vực hợp tác hai bên cùng có thế mạnh và quan tâm như: Hợp tác biển: sinh thái biển, an ninh biển, vận tải biển; Quản lý giảm nhẹ thiên tai; Kết nối; Nâng cao năng lực và chia sẻ nguồn lực; Kinh tế, thương mại, và Hợp tác khoa học kỹ thuật.

Thứ ba là Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN-Hoa Kỳ về Phát triển số. Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển số giữa ASEAN và Hoa Kỳ nhằm đảm bảo nền kinh tế tự cường trước các cú sốc kinh tế, bao gồm từ các thách thức như đại dịch Covid-19.

Hai bên nhấn mạnh nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng số và giảm thiểu khoảng cách số giữa các nước ASEAN; tìm kiếm khả năng hợp tác thông qua một khuôn khổ kinh tế số ASEAN-Hoa Kỳ; thúc đẩy giải pháp chứng nhận y tế và tiêm chủng số nhằm thuận lợi di chuyển trong khu vực; tăng cường hợp tác chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu carbon; hỗ trợ phát triển số bao trùm; tăng cường phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực số.

Thứ tư là Kế hoạch hành động toàn diện triển khai quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Liên bang Nga (giai đoạn từ năm 2021-2025).

Kế hoạch hành động đã được hai bên tiến hành soạn thảo từ năm 2020, làm cơ sở định hướng hợp tác hai bên trong giai đoạn mới và trải rộng cả 3 trụ cột của ASEAN, tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, thương mại, kinh tế số, khoa học và công nghệ, thành phố thông minh, năng lượng, quản lý thiên tai và giao lưu nhân dân./.