09/05/2024 lúc 06:48 (GMT+7)
Breaking News

Tổng thống Trump nhiều khả năng tái đắc cử

VNHN - Ông Donald Trump sắp trở thành vị Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị Quốc hội luận tội. Tuy nhiên, tương lai chính trị của vị Tổng thống Mỹ thứ 45 vẫn không bế tắc như phe đối lập kỳ vọng. Trái với dự đoán của đảng Dân chủ từ nhiều tháng qua, khả năng chủ nhân Nhà Trắng tái đắc cử ngày càng được củng cố.    

VNHN - Ông Donald Trump sắp trở thành vị Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị Quốc hội luận tội. Tuy nhiên, tương lai chính trị của vị Tổng thống Mỹ thứ 45 vẫn không bế tắc như phe đối lập kỳ vọng. Trái với dự đoán của đảng Dân chủ từ nhiều tháng qua, khả năng chủ nhân Nhà Trắng tái đắc cử ngày càng được củng cố.    

Nỗ lực để phế truất Trump khỏi Nhà Trắng không dễ để thành công. (Nguồn: Market Watch)

Ngày 10/12, các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện đã công bố hai điều khoản luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump, tuyên bố ông là người “phản bội đất nước” với các hành động liên quan tới Ukraine. Các cáo buộc cụ thể nhằm phế truất Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đó là: Lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội.

Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát gần như chắc chắn sẽ bỏ phiếu luận tội Tổng thống trong tuần tới, mở đường cho phiên xét xử tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát vào đầu năm tới, ngay trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khởi đầu bằng cuộc bầu cử sơ bộ tại 2 bang Iowa và New Hampshire.

Nỗ lực khó thành

Nỗ lực để phế truất Trump khỏi Nhà Trắng không dễ để thành công. Ít nhất 20 nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện sẽ phải bỏ phiếu để phế truất ông, và đến nay không một ai cho thấy họ đang cân nhắc hành động như vậy.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết, Thượng viện có thể sẽ lựa chọn bỏ qua phiên tòa xét xử và thay vào đó tổ chức bỏ phiếu sau khi các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện và những người bảo vệ ông Trump đưa ra lời phát biểu mở đầu. Điều đó có thể trái với mong muốn của Tổng thống Trump, bởi ông muốn triệu tập các nhân chứng riêng.

Theo cáo buộc luận tội, ông Trump đã “phản bội” đất nước khi lạm dụng quyền lực để gây sức ép với Ukraine điều tra đối thủ chính trị và sau đó cản trở cuộc điều tra của Quốc hội về vụ bê bối này.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler phát biểu với các phóng viên rằng đảng Dân chủ phải hành động bởi ông Trump làm tổn hại tới Hiến pháp Mỹ, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và làm xói mòn tới sự toàn vẹn của cuộc bầu cử năm 2020.

Ông Trump bị báo buộc lạm dụng quyền lực khi sử dụng gần 400 triệu USD viện trợ an ninh Mỹ và cuộc họp tại Nhà Trắng trong tương lai với người đồng cấp Ukraine để thuyết phục Ukraine tuyên bố công khai về cuộc điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và thuyết âm mưu rằng Ukraine, chứ không phải Nga, can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Theo cáo buộc cản trở Quốc hội, ông Trump đã coi thường và cản trở các nỗ lực của Hạ viện nhằm điều tra về vụ bê bối, và rằng ông Trump sẽ là mối đe dọa với Hiến pháp Mỹ nếu ông vẫn tiếp tục tại nhiệm.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa lập luận rằng ông Trump không làm gì sai trong cuộc điện đàm với ông Zelenskiy và không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy ông rút lại viện trợ hay cuộc họp tại Nhà Trắng để đổi lấy đặc ân.

Diễn biến có lợi cho ông Trump

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, nhân vật hàng đầu trong vụ luận tội Clinton, cảnh báo rằng đảng Dân chủ đang vạch ra một tiền lệ nguy hiểm. Ông nói: “Các Quốc hội trong tương lai chắc chắn sẽ sử dụng việc luận tội làm công cụ chính trị bất cứ khi nào Tổng thống thuộc đảng đối lập nắm quyền tại Nhà Trắng”.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Schiff, người khởi xướng cuộc điều tra tại Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói rằng ông Trump không cho đảng Dân chủ một lựa chọn nào. Nhà Trắng đã từ chối tham gia vào cuộc điều tra luận tội, nhưng dự kiến sẽ đưa ra những lời bênh vực mạnh mẽ tại Thượng viện.

Hãng thông tấn AFP cho rằng, lãnh đạo cơ quan hành pháp Mỹ sẵn sàng “giao đấu”, phối hợp thực hiện chiến lược tự vệ cho ông chủ Nhà Trắng. Ông Trump đã phủ nhận toàn bộ các cáo cuộc, từ chối tham gia vào tiến trình luận tội và nỗ lực chứng minh ông là nạn nhân của một thủ đoạn chính trị đáng khinh. Và rõ ràng, chiến lược này đã tỏ ra hiệu nghiệm.

Tại nước Mỹ, khi mà lập trường chính trị của hai phe được phân định rõ nét và gần như bất di bất dịch, thái độ và lập luận của ông Trump gây bất bình trong công luận ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng lại tác động tích cực trong phe Cộng hòa.

Theo chủ nhân Nhà Trắng, đảng Dân chủ càng tấn công, càng bài xích ông thì đảng Cộng hòa càng đoàn kết sau lưng ứng cử viên duy nhất của đảng và tăng tinh thần cử tri ở các tiểu bang thiên về phe bảo thủ.

Theo AFP, đúng là các chỉ số của nền kinh tế Mỹ đều rất đáng khích lệ cho Tổng thống đương nhiệm. Tuy nhịp độ tăng trưởng kinh tế có giảm đi kể từ đầu năm nay, viễn cảnh suy thoái đã xa dần. Thị trường lao động khởi sắc thấy rõ với kết quả ngoạn mục, với việc tạo ra thêm 266.000 việc làm trong tháng 11/2019. Tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, ở mức 3,5%. Theo thăm dò của Viện Gallup, 55% người được hỏi ý kiến nhận định tình hình kinh tế Mỹ “tốt” thậm chí “rất tốt”.

Theo nhận định chung từ lâu nay trong giới chính trị Mỹ, nếu kinh tế đi lên thì Tổng thống hết nhiệm kỳ đầu sẽ tái đắc cử. Liệu “quy luật” này cũng sẽ đúng với ông Donald Trump? Không ai dám khẳng định.

Cho đến bây giờ, niềm tin này đang giúp phe Cộng hòa ngày càng đoàn kết sau lưng chủ nhân Nhà Trắng. Trong số các yếu tố có thể làm thay đổi tình huống là những bất trắc trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.