27/04/2024 lúc 04:36 (GMT+7)
Breaking News

Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nội quy tiếp công dân

Tòa án nhân dân tối cao đã có quyết định ban hành Nội quy tiếp công dân của Tòa án nhân dân tối cao.

Tòa án nhân dân tối cao đã có quyết định ban hành Nội quy tiếp công dân của Tòa án nhân dân tối cao.

Cụ thể, lịch tiếp công dân thường xuyên của Tòa án nhân dân tối cao tại nơi tiếp dân vào các ngày làm việc trong tuần, cụ thể như sau:

- Buổi sáng: Từ 08 giờ 00’ đến 11 giờ 00’.

- Buổi chiều: Từ 14 giờ 00’ đến 16 giờ 30’.

Việc tiếp công dân đột xuất đối với những vụ việc phức tạp, cấp thiết do Chánh án Toà án nhân dân tối cao quyết định.

Công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị có quyền và nghĩa vụ như sau: Xuất trình giấy tờ tùy thân; tôn trọng sự hướng dẫn của người tiếp công dân của Tòa án nhân dân tối cao trong việc đăng ký và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Không được mang các vật dễ cháy, nổ, vũ khí, chất độc hại, hung khí hay súc vật vào nơi tiếp công dân. Công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị tự quản lý tiền, các tư trang và các giấy tờ cá nhân có giá trị khác.

Đồng thời, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung; được hướng dẫn, giải thích về việc thực hiện quyền và các thủ tục liên quan đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Được quyền khiếu nại, tố cáo về những hành vi sai trái, cản trở, gây phiền hà, sách nhiễu của người tiếp công dân.

Không được tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm khi chưa được sự cho phép của người chủ trì tiếp công dân. Trình bày ngắn gọn, trung thực vụ việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị cho người tiếp công dân và ký xác nhận hoặc điểm chỉ về nội dung đã trình bày, về các thông tin, tài liệu đã cung cấp. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

Trường hợp công dân đến nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lần đầu thì phải có đơn theo mẫu quy định, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc gửi kèm theo chứng minh thư nhân dân hợp lệ, bản án hoặc quyết định có hiệu lực đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm. Nếu công dân nộp đơn không phải của mình thì phải có giấy ủy quyền kèm theo đơn.

Ngoài ra, không được can thiệp, dự, nghe việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người khác. Trường hợp nhiều người (từ 02 người trở lên) cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày; số lượng người đại diện sẽ do chủ trì buổi tiếp công dân quyết định.

Người tiếp công dân có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.

Cảnh sát bảo vệ có nhiệm vụ bảo vệ buổi tiếp công dân và thi hành lệnh của người chủ trì buổi tiếp công dân về việc lập biên bản vi phạm, buộc người vi phạm rời khỏi nơi tiếp dân hoặc xử lý người gây rối trật tự tại khu vực tiếp dân theo quy định của pháp luật.