15/05/2024 lúc 00:15 (GMT+7)
Breaking News

Thành phố Nam Định: Nhìn lại chặng đường 10 năm đô thị loại I

Nhìn lại chặng đường 10 năm (28/11/2011 - 28/11/2021) được công nhận là đô thị loại I, từ một thành phố còn hạn chế về không gian đô thị, cơ sở hạ tầng nhiều khó khăn, đến nay kết cấu hạ tầng thành phố Nam Định đã từng bước được đầu tư hoàn thiện, diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, xứng tầm vị thế đô thị trung tâm với vai trò là đầu tàu, động lực thúc đẩy sự bứt phá vươn lên của tỉnh Nam Định.

Nhìn lại chặng đường 10 năm (28/11/2011 - 28/11/2021) được công nhận là đô thị loại I, từ một thành phố còn hạn chế về không gian đô thị, cơ sở hạ tầng nhiều khó khăn, đến nay kết cấu hạ tầng thành phố Nam Định đã từng bước được đầu tư hoàn thiện, diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, xứng tầm vị thế đô thị trung tâm với vai trò là đầu tàu, động lực thúc đẩy sự bứt phá vươn lên của tỉnh Nam Định.

Bằng quá trình vươn lên, phát triển không ngừng, ngày 28/11/2011, thành phố Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh tại Quyết định số 2016/QĐ-TTg.

Sau khi được công nhận là đô thị loại I, Tỉnh và thành phố đã tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, thành phố thực hiện “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”, định hướng xây dựng thành phố văn minh, thân thiện với môi trường, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, tạo cơ hội thuận lợi cho các chương trình phát triển, các dự án đầu tư.

Tổng nguồn vốn đầu tư trong 5 năm (2010-2015) đạt trên 30.000 tỷ đồng, tăng 45% so với giai đoạn 2005-2010. Các công trình hạ tầng công cộng được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới như đại lộ Thiên Trường, Cung Thể thao Nam Định, đường Võ Nguyên Giáp, khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ, khu Văn hóa thời Trần; cầu Tân Phong qua sông Đào; các khu đô thị Thống Nhất, Mỹ Trung, khu tái định cư Phúc Tân- Bãi Viên, Phạm Ngũ Lão, Tây Đông Mạc… Thành phố đã giải phóng mặt bằng 45 dự án, góp phần quan trọng vào quá trình nâng cấp, hiện đại hạ tầng đô thị.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh và thành phố tăng cường xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn vốn, hoàn thành các công trình lớn như: tổ hợp trung tâm thương mại và nhà ở Nam Định Tower 2 khối nhà cao 18-20 tầng, khách sạn Nam Cường 4 sao 20 tầng; khu đô thị Dệt may; đường trục trung tâm phía Nam thành phố; khu đô thị mới phía Nam sông Đào, khu đô thị mới Mỹ Trung giai đoạn II; thu hút các nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp Hòa Xá, Mỹ Trung… Nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, các tập đoàn lớn mở chi nhánh tại thành phố như: VietcomBank, TPBank, HDBank, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội…Nhiều công viên, hồ nước được cải tạo, kè, xây dựng đường dạo. Các công sở, trường Đại học, Cao đẳng được xây dựng, nâng cấp cao tầng… đã thay đổi cơ bản diện mạo thành phố theo hướng hiện đại, văn minh.

Ngày 17/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1422/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố Nam Định mở rộng không gian, đầu tư xây dựng hiện đại, xứng tầm là đô thị lớn. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ thành phố Nam Định hiện nay diện tích 46,41km2; huyện Mỹ Lộc 74,49km2; 3 xã Đại An, Thành Lợi, Tân Thành của huyện Vụ Bản 26,48km2 và 5 xã: Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá, Nghĩa An của huyện Nam Trực 40,6km2, với tổng diện tích khoảng 188km2. Quy mô dân số của thành phố Nam Định đến năm 2030 khoảng 520.000 người; trong đó dân số nội thị khoảng 384.500 người. Đến năm 2040, dân số khoảng 600.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 485.000 người.

Để xây dựng, phát triển thành phố Nam Định hiện đại, đồng bộ, có bản sắc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII (tháng 9/2020) đã đề ra mục tiêu: Mở rộng không gian đô thị, thu hút đầu tư 3-4 khu đô thị mới hiện đại; tăng cường kết nối khu vực nội thành ra phía Nam, Tây Bắc, Tây Nam. Khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên đường Nam sông Đào, đại lộ Thiên Trường. Phát triển đặc trưng và bản sắc của thành phố Nam Định như Văn hóa Trần, truyền thống đất học, không gian khu phố cổ, Nhà máy Dệt cũ, làng trồng hoa, cây cảnh... Triển khai thực hiện hiệu quả các hợp phần của Đề án xây dựng đô thị thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tập trung xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, chuyển đổi số ở một số lĩnh vực trọng điểm, lắp đặt hệ thống camera giám sát và quản lý đô thị. Đẩy nhanh tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm như: cầu Song Hào qua sông Đào và đường trục Nam thành phố, khu đô thị mới phía Nam sông Đào, khu đô thị Mỹ Trung, Khu Trung tâm lễ hội thuộc dự án Văn hóa Trần, Bệnh viện đa khoa 700 giường, Khu xử lý rác thải và nhà máy điện rác tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc; xây dựng mới Trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Nam Định tại Khu đô thị Thống Nhất; xây dựng mới trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong….

Sau 10 năm được công nhận là đô thị loại I, diện mạo đô thị thành phố Nam Định ngày càng đổi mới, hiện đại 

Trải qua 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, xây dựng thành phố trên các mặt, hiện nay kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt 74.641 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 đạt 43.697 tỷ đồng, chiếm 30% toàn tỉnh; tổng thu ngân sách nhà nước không ngừng tăng qua các năm, trong 5 năm trở lại đây đạt 11.688 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng, làm thay đổi rõ nét hạ tầng, cảnh quan thành phố, tạo điều kiện phát triển toàn diện các lĩnh vực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội. Văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội tiếp tục được phát huy. Nhiệm vụ quốc phòng, ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm an, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội và cuộc sống bình yên cho nhân dân. Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị tiếp tục có nhiều đổi mới cả về nội dung, phương thức hoạt động. Đời sống, thu nhập, việc làm, văn hóa… của nhân dân không ngừng tăng lên. Nhiều chủ trương lớn nhận được sự đồng thuận cao, nhân dân tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền từ thành phố tới phường, xã.

Tháng 6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng phát triển thành phố. Thường trực Tỉnh ủy đã có thông báo chủ trương đầu tư các công trình lớn trên địa bàn và chủ trương thực hiện mở rộng địa giới hành chính theo quy hoạch. Thành phố Nam Định phát triển theo mô hình đa cực, lấy sông Đào và đô thị trung tâm hiện hữu làm trung tâm mở rộng, kết nối theo hướng Tây Bắc và Đông Nam. Mục tiêu đến năm 2030, thành phố Nam Định là đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng; là trung tâm 1 số ngành công nghiệp, đào tạo, khoa học, y tế, thể thao, dịch vụ, du lịch cho vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2040, thành phố Nam Định là thành phố lớn, trung tâm công nghiệp, dịch vụ trong cả nước, là đô thị thông minh, thành phố đáng sống với bản sắc và các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy.

Sau 10 năm được công nhận là đô thị loại I, thành phố Nam Định đã và đang hội tụ nhiều nhân tố thuận lợi làm nền tảng để phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Tin tưởng rằng mỗi người dân thành phố hôm nay càng có thêm sức mạnh và quyết tâm cùng nhau đồng lòng hợp sức vượt qua khó khăn thách thức, tận dụng tốt thời cơ và vận hội mới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.