26/04/2024 lúc 10:07 (GMT+7)
Breaking News

Tam Đường - Lai Châu: Đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế mũi nhọn Du lịch

VNHN - Với lợi thế về khí hậu, địa hình và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc, Tam Đường đã phát triển thành công các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, nhất là môn dù lượn. Đặc biệt, vào ngày 29/11 tới đây sẽ diễn ra Lễ hội dù lượn quy mô quốc tế với sự tham dự của 80 phi công đến từ 15 quốc gia.

VNHN - Với lợi thế về khí hậu, địa hình và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc, Tam Đường đã phát triển thành công các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, nhất là môn dù lượn. Đặc biệt, vào ngày 29/11 tới đây sẽ diễn ra Lễ hội dù lượn quy mô quốc tế với sự tham dự của 80 phi công đến từ 15 quốc gia.

Trung tâm huyện Tam Đường

Chủ trương lớn hợp ý Đảng lòng dân 

Tam Đường là huyện tiên phong của tỉnh Lai Châu chọn du lịch làm mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2015-2020. Thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đường giai đoạn 2015-2020, đến nay, huyện đã xây dựng được 10 điểm du lịch, trong đó có nhiều điểm du lịch cộng đồng, sinh thái thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm như: Bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu); bản Lai Chải 1 (xã Khun Há); điểm du lịch cọn nước Nà Khương - Phiêng Tiên (xã Bản Bo); đồi thông Thèn Pả (xã Tả Lèng); Bản Thẳm (xã bản Hon)… Bên cạnh tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch, các dịch vụ du lịch như: Dịch vụ lưu trú, với 3 khách sạn từ 1 - 3 sao, 7 nhà nghỉ, trên 130 phòng đạt tiêu chuẩn; dịch vụ lữ hành, hướng dẫn du lịch, vận chuyển, ẩm thực, vui chơi giải trí cũng được phát triển đồng bộ.

Ông Từ Hữu Hà, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, Lai Châu, cho biết: "Về phát triển du lịch thì quan điểm của huyện trước tiên phải tự lực, nguồn đấy phải huy động xã hội hóa. Tuy nhiên cũng rất cần nguồn lực của nhà nước hỗ trợ để thực hiện những công việc mà không xã hội hóa được. Ví dụ như hỗ trợ cho người dân làm nhà nghỉ homestay hoặc hỗ trợ người dân chỉnh trang bản, làng, hỗ trợ quảng bá du lịch, hỗ trợ công tác đào tạo, hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch.".

Ông Từ Hữu Hà, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường chia sẻ với PV VNHN

Ông Từ Hữu Hà chia sẻ thêm: Chính quyền địa phương đã luôn xác định phát triển du lịch là chương trình trọng điểm của huyện trong nhiệm kỳ 2015-2020. Huyện Tam Đường đã thuê các đơn vị tư vấn, khảo sát giúp cho xây dựng quy hoạch. Để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư về du lịch, lãnh đạo huyện đã trực tiếp gặp gỡ, mời gọi, tạo điều kiện cho các đơn vị đến khảo sát tìm hiểu, xem xét xây dựng dự án đầu tư trên địa bàn. Huyện Tam Đường cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị từ khâu khảo sát cho đến thủ tục xây dựng dự án đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Đường đã có hai doanh nghiệp lớn đầu tư đó là: Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Liên Sơn đang xây dựng khu du lịch thác rồng mây và Công ty cổ phần Tập đoàn Pu Sam Cap đang xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn.

Chủ tịch UBND huyện Tam Đường khẳng định, huyện sẽ sớm hoàn thiện quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các điểm du lịch. Đặc biệt là nâng cao hơn nữa chất lượng du lịch như: Lưu trú, lữ hành, khuyến khích tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vào đầu tư; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch của huyện.

Đánh giá về thế mạnh Du lịch của huyện Tam Đường, ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho rằng: Du lịch là tiềm năng, lợi thế của tỉnh, với nhiều danh thắng cảnh còn mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, một số điểm du lịch được khai thác hiệu quả, thu hút nhiều khách du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông khẳng định tỉnh sẽ cam kết tạo mọi điều kiện, cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp vào đầu tư du lịch của Lai Châu nói chung và huyện Tam Đường nói riêng.

Các điểm đến nổi bật tại Tam Đường

Khu du lịch Thác Trắng đèo Hoàng Liên Sơn, được coi là điểm nhấn của ngành du lịch huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Dự án đã và đang khai thác cùng lúc nhiều loại hình du lịch như: du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với hệ thống nhà hàng, khách sạn, biệt thự trên đỉnh núi kèm theo các sản phẩm chăm sóc sức khỏe với các bài thuốc của bà con dân tộc địa phương.  

Ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng BQL khu du lịch Thác Trắng, đèo Hoàng Liên Sơn, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu, cho biết: "Vào ngày 16/11 vừa qua, cầu kính được mệnh danh cao nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã chính thức khai trương. Cây cầu mang tên Rồng Mây nằm tại vị trí Cổng Trời thuộc đỉnh đèo Ô Quy Hồ, địa phận huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Công trình cầu kính bao gồm lối đi vào từ lòng núi lên hệ thống thang máy dài 70 m, thang máy lên cầu kính cao 300 m và mặt cầu vươn xa từ vách núi ra 60 m. Cầu kính có hình tròn, với 4 hành lang ở 4 phía, trong đó có 3 hành lang bằng kính và 1 hành lang dẫn lên khu vực vui chơi phía trên.

Ông cho biết thêm: “Khi đưa hạng mục cầu kính, cầu thang máy vào hoạt động thì chắc chắn du khách sẽ có một trải nghiệm rất là mới. Thứ nhất là chúng tôi được thiên nhiên ưu đãi về độ cao. Công trình của chúng tôi rất đặc biệt có thể nói là đặc biệt nhất Việt Nam. Du khách được trải nghiệm những cảm giác rất là mới, cầu kính nằm ở độ cao 2.800m, du khách có thể đứng trên cầu kính ngắm toàn cảnh thị trấn Sa Pa, dãy núi Phan Xi Păng, thị trấn Tam Đường và các điểm đặc biệt của dự án này."

Du khách trải nghiệm thang máy và cầu kính ngắm cảnh trên cao trong ngày khai trương

Du lịch cộng đồng cũng là thế mạnh của huyện Tam Đường. Chính quyền huyện Tam Đường đã kêu gọi nhân dân các dân tộc góp công, góp của, hiến đất để tạo cảnh quan làng, bản; xây dựng và phát triển nhiều mô hình du lịch mới, tạo các sản phẩm phục vụ nhu cầu khách tham quan, mua sắm như: tắm lá thuốc, trồng hoa địa lan, nuôi ong mật, phát triển nghề rèn, nghề mây tre đan…

Anh Giàng A Phử, Trưởng bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu, cho hay: "Từ khi mở điểm du lịch cộng đồng, khách đến cũng rất thuận lợi vì cũng hỗ trợ một phần thu nhập cho bà con, những đồ đạc hàng hóa bà con muốn mang đi bán thì không cần đi chợ nữa mà có thể bán luôn tại điểm du lịch."

Tam Đường đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng 

Để đẩy mạnh hơn nữa các dịch vụ và thế mạnh về các loại hình du lịch, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Lai Châu, từ ngày 28/11 đến ngày 01/12 tới đây tại huyện Tam Đường sẽ diễn ra Giải thi đấu dù lượn đường trường Pu Ta Leng mở rộng với sự tham gia của 80 phi công đến từ 15 quốc gia. Đây là hoạt động nhằm tiến tới việc tổ chức thường xuyên các hoạt động dù lượn kết hợp với du lịch mạo hiểm tại khu vực bản Sì Thầu Chải, xã Hồ Thầu (hạ cánh tại thị trấn Tam Đường), góp phần tích cực tạo điểm nhấn đặc trưng, giới thiệu quảng bá các hình ảnh đẹp về du lịch thu hút du khách đến với huyện Tam Đường nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp, các ngành và nhân dân huyện Tam Đường đã và đang mang lại hiệu quả nổi bật. Hàng năm lượng khách du lịch đến với huyện cũng tăng cao từ gần 13.000 lượt năm 2016 lên 47.300 lượt năm 2018. Đặc biệt trong 10 tháng năm 2019, lượng khách du lịch đã tăng trên 100.000 lượt, doanh thu ước đạt trên 50 tỷ đồng. 3 năm qua, nhiều điểm du lịch mới của Tam Đường được đưa vào khai thác hiệu quả; nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.