27/04/2024 lúc 06:08 (GMT+7)
Breaking News

Synot Asean và Tổng giám đốc Nguyễn Như Ý: Cần một sự đồng hành vượt khó

VNHN - Là người con của quê hương Nghệ An, với khát vọng và ước mong về sự phát triển của vùng đất vốn nhiều gian khó này, ông Nguyễn Như Ý và Công ty CP Synot Asean luôn sẵn sàng vượt mọi khó khăn để biến nguyện ước của mình thành hiện thực, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo và xây dựng quê hương ngày một đẹp giàu.

VNHN- Là người con của quê hương Nghệ An, với khát vọng và ước mong về sự phát triển của vùng đất vốn nhiều gian khó này, ông Nguyễn Như Ý và Công ty CP Synot Asean luôn sẵn sàng vượt mọi khó khăn để biến nguyện ước của mình thành hiện thực, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo và xây dựng quê hương ngày một đẹp giàu.

Một trong những việc làm hữu ích của ông được thể hiện ở Dự án “Nuôi cá rô phi Israel công nghệ cao” ở xóm Mỹ Thanh, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Đây là vùng đất có tới 70% diện tích bị bỏ hoang không sản xuất, để cỏ mọc um tùm, chỉ một phần nhỏ thỉnh thoảng được người dân trồng lúa (1vụ/năm) nhưng hiệu quả rất thấp. Trước đó, chính quyền địa phương đã nhiều lần kêu gọi, đưa ra chính sách thu hút các nhà đầu tư nhằm vực dậy vùng  “đất chết” này. May thay, Công ty CP Synot Asean với quyết tâm của Tổng giám đốc Nguyễn Như Ý đã biến mong muốn ấy của chính quyền và nhân dân địa phương thành hiện thực. Dự án “Nuôi cá rô phi Israel công nghệ cao” của Công ty Synot Asean đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận tại Quyết định số 2333/QĐ-UBND ngày 1/6/2017 với diện tích dự kiến 7ha, và Quyết định số 5704/QĐ-UBND ngày 24/11/2017 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500, với tổng vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng.

Dự án nuôi cá rô phi nhìn từ trên cao

Để có thể tồn tại và phát triển trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh quyết liệt hiện nay, bên cạnh việc giữ gìn và không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu của mình, doanh nghiệp phải thực sự nhạy bén, năng động trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh, tiếp cận và phát triển thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể tìm những giải pháp, có thể thay đổi những định dạng ban đầu (bao gồm cả về quy mô, quy hoạch, đầu tư…) nếu nhận thấy đó là sự cần thiết cho phát triển, phù hợp với điều kiện thực tế, với chủ trương phát triển doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước. Công ty CP Synot Asean (Nghệ An) do Doanh nhân - Cựu chiến binh Nguyễn Như Ý làm Tổng Giám đốc, cũng không phải là ngoại lệ.

Với tinh thần ấy, ngày 14/8/2020, Tổng giám đốc Công ty CP Synot Asean Nguyễn Như Ý đã có văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An. Cụ thể:  Xin đổi tên dự án “Nuôi cá rô phi Ixrael công nghệ cao” thành: “Nuôi cá rô phi Ixrael công nghệ cao kết hợp dịch vụ, du lịch sinh thái và môi trường khác”. Đồng thời điều chỉnh quy mô diện tích đất: Từ 7,0 ha giảm còn 6,3997 ha; tăng mức đầu tư từ 50,75 tỷ lên 250 tỷ đồng. Trong Văn bản đề nghị, Công ty Synot Asean đã nêu rõ lý do xin điều chỉnh dự án là:  “Nhằm phát huy lợi thế khu đất được giao, khai thác hiệu quả vị trí khu đất về điều kiện địa hình, cảnh quan thiên nhiên; tiềm năng phát triển du lịch sinh thái; đáp ứng nhu cầu dịch vụ, vui chơi giải trí đa dạng cho người dân xã Hưng Mỹ và khu vực lân cận của huyện Hưng Nguyên”. Và quan trọng là các nội dung điều chỉnh đó không ảnh hưởng đến các điều kiện đảm bảo quy trình nuôi cá rô phi Ixrael công nghệ cao và Quy hoạch phát triển ngành NN&PTNT của tỉnh Nghệ An (như ý kiến của Sở NN&PTNT).

Thực phẩm sạch của Cty Synot Asean tham gia chương trình sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2016-2020

Thiết nghĩ, trong quá trình tổ chức thực hiện dự án, tổ chức SXKD, nếu nhận thấy cần có sự điều chỉnh để có thể khai thác và phát huy cao nhất điều kiện vốn có, có thể mang lại lợi nhuận cao hơn, lợi ích nhiều hơn cho doanh nghiệp và cho cộng đồng xã hội (so với dự án cũ) thì cũng rất nên làm. Điều này cũng thể hiện tính chủ động, sự năng động cần có của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, điều mà Chính phủ vẫn khuyến khích các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp phát triển, nghĩa là nền kinh tế phát triển. Công ty CP Synot Asean phát triển đồng nghĩa với việc sẽ có đóng  góp ngày một nhiều hơn vào sự phát triển của địa phương và đất nước (nộp thuế, tạo việc làm, đóng góp vào an sinh xã hội…). Đề nghị điều chỉnh dự án của Công ty CP Synot Asean khi được chấp thuận và thực hiện, bên cạnh việc đảm bảo mục tiêu ban đầu là Nuôi cá rô phi Ixrael công nghệ cao, chắc chắn sẽ khai thác tốt hơn điều kiện hiện có về lợi thế đất đai và về cảnh quan, địa hình…, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sinh lời nhiều hơn. Lợi ích lớn hơn ấy, nếu không được phát hiện và đề nghị điều chỉnh, cũng như không được chấp thuận thực hiện, sẽ là một điều thiệt thòi cho sự phát triển chung, trong đó có doanh nghiệp.

Khu vực ao nuôi cá thương phẩm rộng hàng chục ngàn m2. Lãnh đạo Công ty CP Synot Asean cho biết hiện cá thương phẩm sau 3 tháng nuôi đã đạt trọng lượng gần 1kg/con, dự kiến tháng 4/2021 sẽ có thành phẩm xuất ra thị trường

Đối với Công ty CP Synot Asean, thời gian vừa qua có chuyện dư luận đặt dấu hỏi về việc doanh nghiệp chưa thực sự làm đúng theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, khi trong khu vực dự án xuất hiện một núi nhân tạo cụm sân bóng đá nhân tạo do công ty thực hiện. Về việc này, ông Nguyễn Như Ý - Tổng Giám đốc Công ty đã chia sẻ: “Cụm sân bóng đá nhân tạo mà dư luận quan tâm thực chất đã nằm trong quy hoạch của dự án, nhằm đáp ứng nhu cầu thể dục thể thao cho thanh niên, cũng như tạo cảnh quan cho dự án cũng như cho toàn khu vực. Còn về núi nhân tạo trong khu dự án, thực chất đây chỉ là một nhà kho theo đúng quy hoạch ban đầu, với công năng theo bản đồ quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500. Chỉ có phần mái là cách điệu thành quả núi cho nó sinh động dự án và có chút tâm linh mà thôi. Ở đây không có việc kinh doanh thương mại, hay bất kỳ hình thức khác trái với quy định, như dư luận đang xôn xao…”. Như vậy vấn đề dư luận quan tâm cũng đã được chính người trong cuộc làm rõ. Bởi người đứng đầu doanh nghiệp không những phải làm sáng tỏ sự việc, mà còn phải chịu trách nhiệm trước dư luận về những ý kiến của mình đưa ra.

Khu vực bên dưới núi Ngũ Phúc là nhà kho được chủ đầu tư xây dựng đúng quy hoạch.

Nhân đây cũng xin trao đổi về một vấn đề mà dư luận cũng rất quan tâm. Đó là công tác thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp trong thời kỳ hiện nay - một thời kỳ mà giữ được sự tồn tại đã khó chứ chưa nói đến để phát triển. Thời gian qua, giữa thời kỳ khó khăn của doanh nghiệp do dịch bệnh Covid, huyện Hưng Nguyên đã cho Đoàn Kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra một số doanh nghiệp “nhằm xử lý vi phạm các dự án thuê đất trên địa bàn năm 2020…”. Trong đó có Công ty CP Synot Asean.

Các Doanh nghiệp trong diện phải kiểm tra cho rằng, việc UBND huyện Hưng Nguyên tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra trên diện rộng trong thời điểm này là không hợp tình, hợp lý, đi ngược lại các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19.  Trong khi Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang tạo mọi điều kiện giảm bớt khó khăn cho các thành phần kinh tế duy trì sản xuất kinh doanh thì UBND huyện Hưng Nguyên lại làm ngược lại, cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho các Doanh nghiệp.

Chưa nói đến kết quả thanh, kiểm tra như thế nào, nhưng chỉ riêng việc huyện Hưng Nguyên tổ chức và thực hiện kiểm tra doanh nghiệp trong giai đoạn này đã không đúng với sự chỉ đạo của Chính phủ, của Thanh tra Chính phủ và trực tiếp là của UBND tỉnh Nghệ An. Bởi, ngày 12/6/2020 Thanh tra Chính phủ đã có Văn bản số 907/TTCP-KTTH về việc thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ; Sau đó, ngày 26/6/2020 Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đã có Văn bản số 4044/UBND-TD về việc thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. Cả hai văn bản trên (của Thanh tra Chính phủ và của UBND tỉnh Nghệ An) đều nêu rõ: Rà soát điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 nhằm hạn chế, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa thật sự cần thiết trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh; không thanh tra ngoài kế hoạch, kể cả  thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; chuyển phương pháp tiền kiểm tra sang hậu kiểm tra. Đối với các cuộc thanh tra theo kế hoạch có liên quan đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp nhưng chưa triển khai thì tạm dừng việc thanh tra; chỉ thực hiện thanh tra trong trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền giao (ở đây phải do UBND tỉnh Nghệ An giao), hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng, cụ thể.

Mặc dù quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành của UBND huyện Hưng Nguyên ban hành vào ngày 11/6/2020 (theo Văn bản số 512/QĐ-UBND), nhưng điều đáng nói là lẽ ra huyện phải dừng các cuộc kiểm tra theo Văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, thì việc thực hiện kiểm tra Công ty Synot Asean của Đoàn Kiểm tra liên ngành vẫn diễn ra sau cả thời gian UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản chỉ đạo số 4044/UBND-TD ngày 26/6/2020; nghĩa là Đoàn Kiểm tra liên ngành của huyện Hưng Nguyên đã không chấp hành sự chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh nhất là thời điểm doanh nghiệp đang gồng mình để duy trì phát triển sản xuất và đảm bảo đời sống cho hàng trăm người lao động… Trong khi đây hoàn toàn không phải là trường hợp để “thực hiện thanh tra trong trường hợp đặc biệt được cấp có thẩm quyền giao”. Và, dư luận có quyền đặt câu hỏi:  Việc thanh, kiểm tra “trái quy định”  đó có làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn hay không?