19/04/2024 lúc 05:35 (GMT+7)
Breaking News

Sự thật là cái tâm của người viết

VNHN - Câu hỏi đó tưởng như đơn giản nhưng thực ra lại khó với người đọc báo, làm báo và cả thẩm định báo. Khó vì mỗi người, mỗi giới, mỗi lĩnh vực đều có những quan niệm, cách thưởng thức không giống nhau về báo chí.

VNHN - Câu hỏi đó tưởng như đơn giản nhưng thực ra lại khó với người đọc báo, làm báo và cả thẩm định báo. Khó vì mỗi người, mỗi giới, mỗi lĩnh vực đều có những quan niệm, cách thưởng thức không giống nhau về báo chí.

Bài viết về ca trù lép vế trước Ngọc Trinh

Một đồng nghiệp của tôi ở Báo Tiền phong, phụ trách mảng văn nghệ đã lâu năm bỗng một hôm rất hoang mang khi thấy bài báo về những người gìn giữ ca trù đăng trên số Tết khi đưa lên Facebook của báo chỉ có hai người like, trong khi bài báo về người mẫu Ngọc Trinh lại vượt kỷ lục về số người chia sẻ. Thực tế đó khiến chị buồn. Bởi chị viết bài về Ngọc Trinh cũng chỉ xem như việc phải làm, còn bài về ca trù thì bao nhiêu tâm huyết dồn vào. Giá trị đảo lộn rồi chăng? Vì sao những bài có nội dung đề cập những vấn đề có chiều sâu văn hóa, nhân văn thì ít người đọc như vậy có gọi là hay?

Hay dở trong lĩnh vực chữ nghĩa vốn mơ hồ, mông lung lại càng khó đoán định trong thời báo mạng và mạng xã hội lên ngôi. Nhưng một bài báo hay hoặc không hay đều có tiêu chí để đánh giá, vấn đề là những tiêu chí như thế nào?

Với tôi, một bài báo hay phải là một bài báo đúng, trước hết phải đúng sự thật. Báo chí phản ánh hiện thực một cách khách quan, trung lập thì trước hết phải nói đúng sự thật. Không thể có một bài báo hay mà không đúng sự thật. Dù có nhiều bài báo hay trong một số thời điểm cứ ngỡ là bài báo đúng, nhưng thực tế trả lời là bài báo bịa, không có thật. Hay trước hết phải thật và trên hết phải thật.

Tiêu chí thật này dù ở thời nào, bạn đọc nào, báo mạng hay báo giấy đều tuân thủ. Bởi vì xét cho cùng người ta tìm đến với báo chí là để tìm đến với sự thật. Cho dù sự thật đó được khúc xạ qua nhiều lăng kính, cho dù đôi khi chỉ nói được một nửa sự thật (mà ai đó quan niệm: “Nửa sự thật không còn là sự thật”) nhưng sự thật vẫn luôn là hạt nhân cốt lõi của một bài báo. Nhưng một bài báo viết đúng sự thật chưa chắc đã là một bài hay.

Một bài báo hay phải kịp thời, nắm bắt chính xác những sự kiện lớn có ý nghĩa với bạn đọc, với xã hội để phản ánh nhanh nhất có thể. Thời nay, tiêu chí nhanh, kịp thời lại càng hết sức quan trọng khi mà mạng Internet và truyền hình có thể tường thuật trực tiếp những gì đang xảy ra.

Một bài báo hay phải kịp thời, nắm bắt chính xác những sự kiện lớn có ý nghĩa với bạn đọc, với xã hội để phản ánh nhanh nhất có thể. Thời nay, tiêu chí nhanh, kịp thời lại càng hết sức quan trọng khi mà mạng Internet và truyền hình có thể tường thuật trực tiếp những gì đang xảy ra.

15 bài báo nổi tiếng nhất lịch sử báo chí thế giới đều nổi bật tiêu chí kịp thời. Xin điểm qua một số tít báo:

- “Báo New York Times: Tàu Titanic chìm sau 4 tiếng đâm vào băng trôi, đăng ngày 16/04/1912”;

- “Báo Daily Mail: Đại khủng hoảng trong lịch sử phố Wall, đăng ngày 25/10/1929”;

- “Báo The News Chronicle: Hitler đã chết, đăng ngày 2/5/1945”;

- “Báo Chicago Tribune: Kennedy bị ám sát, Lyndon Johnson thế chỗ, đăng ngày 22/11/1963”;

- “Báo Los Angeles Times: John Lennon bị bắn chết bên ngoài căn hộ tại New York, đăng ngày 9/12/1980”.

Tất cả những các tít báo trên đều đề cập những sự kiện lớn chấn động cả thế giới lúc bấy giờ như tin Hitler đã chết, J.Kennedy bị ám sát hay tàu Titanic chìm. Sẽ không thể là bài báo hay nếu đưa tin Hitler chết mà tất cả mọi người đã biết về sự kiện này. Nhiều bài báo hay chỉ vì nó kịp thời. Nhiều bài báo khác hay vì có những phân tích bình luận sâu về sự kiện. Đằng sau sự kiện đó là gì?

Hệ quả của nó ra sao thì không phải bạn đọc nào cũng biết. Những bình luận, phân tích đó có thể vượt ra ngoài hiểu biết thông thường của bạn đọc, để họ nắm rõ bản chất của sự kiện cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Có những bài báo hay vì vừa kịp thời, chính xác, vừa có những phân tích sâu. Nhưng có ít tác phẩm báo chí đạt đến được như vậy, vì thông thường thông tin nhanh thì sẽ không sâu, mà thông tin sâu thì không nhanh.

Phía sau sự kiện là tấm lòng

Những bài báo chỉ đơn thuần đưa tin thông tấn, không có sự dấn thân, không có sự khổ nhọc lao động và sáng tạo của phóng viên thì khó có thể hay.

Thông tin hay, độc, lạ thường như những mỏ quặng không lộ thiên mà ẩn khuất hay được bảo vệ bởi rất nhiều hàng rào, kể cả những hàng rào do công quyền dựng lên.

Vì thế, muốn có thông tin hay, phải vượt qua những hàng rào, phải chấp nhận trả giá nhiều khi bằng chính sinh mạng của mình. Nhưng khi đọc những bài báo đó, sẽ cảm nhận hết cái trần trụi, sinh động của thực tế, cái sự thật mà chính tác giả đã lăn mình vào để tai nghe mắt thấy chứ không phải “nghe hơi nồi chõ” hay ngồi phòng máy lạnh nhận thông cáo báo chí viết bài. Những bài báo hay thường đều thấm đẫm mồ hôi, đôi khi cả máu và nước mắt của tác giả và thường cho bạn đọc thấy người viết đang ở trong cuộc.

Ai đã đọc thiên phóng sự: “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc thì đều cảm nhận thấy không khí chân thực sinh động và ám ảnh về một vùng quê ở tỉnh Thanh Hóa vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước khi người nông dân nghèo bị thị thu thuế chẳng khác gì thời anh Pha, chị Dậu. Có được điều đó vì Phùng Gia Lộc chính là người trong cuộc, mẹ già và vợ con anh đều là nạn nhân của nạn thu thuế và chính tác giả khi dũng cảm viết bài này đã phải trốn chạy sự trả thù của chính quyền địa phương.

“Cái đêm hôm ấy đêm gì” cho đến nay vẫn là một thiên phóng sự có sức sống mãnh liệt, được nhiều thế hệ tìm đọc vì nó hội đủ các yếu tố của một bài báo hay: thông tin vừa kịp thời, vừa có chiều sâu, vừa cụ thể, nhiều chi tiết, lại vừa có tầm khái quát, vừa mang tính báo chí lại thấm đẫm chất văn học và chiều sâu nhân văn, tác giả vừa có cái nhìn sắc lạnh đối với sự kiện lại vừa đầy cảm xúc, tác giả tắm mình bên trong hiện thực mình phản ánh, nhưng lại vẫn biết đứng lên trên để không bị sự kiện đó nhấn chìm. Bao trùm lên trên hết người ta nhìn thấy tấm lòng của tác giả.

Một bài đạt đến độ tuyệt bút thì sau những con chữ, những sự thật là cái tâm của người viết. Nhưng ai dám chắc: “Cái đêm hôm ấy đêm gì” nếu đăng vào thời điểm này sẽ có nhiều người đọc nhất trên bảng thông kê của các báo điện tử? Vì vậy, bài báo hay không cũng là do bạn đọc quyết định, bạn đọc “bầu” ra. Nhưng tác phẩm báo chí hay cũng phải có tính định hướng với bạn đọc, hướng bạn đọc tới vẻ đẹp của chân thiện mỹ. Nhưng trước khi hướng họ tới những điều đó, thì một bài báo hay phải làm cho bạn đọc cần đọc và muốn đọc, nghĩa là thông tin không chỉ có ích mà còn được chuyển tải một cách hấp dẫn, lôi cuốn.

Tôi vẫn mong một ngày nào đó, gần thôi, những bài báo đẫm chất văn hóa và nhân văn như bài về ca trù của đồng nghiệp mình sẽ có nhiều người đọc, người like và chia sẻ chứ không ít đến mức tủi thân, đến mức hoang mang khi đặt cạnh bài viết về những ngôi sao, người mẫu kiểu Ngọc Trinh.