26/04/2024 lúc 10:17 (GMT+7)
Breaking News

Sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế

VNHN - Hiện nay, yêu cầu về hội nhập quốc tế đối với thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày càng trở nên bức thiết tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, cơ chế thực thi quyền SHTT đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả, cần những giải pháp thiết thực mang lại hiệu quả trong thời gian tới.

VNHN - Hiện nay, yêu cầu về hội nhập quốc tế đối với thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày càng trở nên bức thiết tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, cơ chế thực thi quyền SHTT đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả, cần những giải pháp thiết thực mang lại hiệu quả trong thời gian tới.

 

Ảnh minh họa

Việc thực thi quyền SHTT trong bối cảnh hội nhập quốc tế, buộc các quốc gia phải thiết lập và vận hành cơ chế thực thi sao cho tương thích với các chuẩn mực quốc tế đã được thiết lập. Tính hiệu quả của cơ chế thực thi quyền SHTT có thể được xác định dựa trên các tiêu chí sau: cơ chế thực thi được thiết lập, vận hành xuất phát từ chính sách và trên nền tảng pháp lý đầy đủ, rõ ràng, hợp lý; các biện pháp, chế tài và thủ tục thực thi quyền SHTT bảo đảm đúng đắn, công bằng; thủ tục thực thi quyền SHTT không quá phức tạp và không quá tốn kém. Như vậy, hệ thống thực thi phải đủ sức để xử lý, chặn đứng các hành vi xâm phạm quyền đã xảy ra, đủ sức để không cho phép xảy ra các hành vi xâm phạm như vậy. Ngoài ra cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các bên tham gia và thực hiện quyền tự bảo vệ trong các vụ việc tranh chấp, khiếu nại và kiện cáo. Các quy định về thủ tục quá phiền phức hoặc mập mờ, lệ phí quá cao hoặc không được công bố đều bị coi là không đáp ứng yêu cầu này.

Tại Việt Nam, cơ chế thực thi quyền SHTT được tạo thành từ các yếu tố sau: chính sách và pháp luật về thực thi quyền SHTT; bộ máy thực thi quyền SHTT; con người bảo đảm thực thi quyền SHTT; các yếu tố khác hỗ trợ cho cơ chế thực thi quyền SHTT. Đối với hầu hết các nước trên thế giới, thực thi quyền SHTT chủ yếu thuộc thẩm quyền của ba hệ thống cơ quan: tòa án; công an và hải quan. Bên cạnh đó, đối với các nước áp dụng biện pháp hành chính trong thực thi quyền SHTT thì bộ máy thực thi quyền SHTT còn gồm các cơ quan hành chính có thẩm quyền thực thi quyền SHTT. Con người đóng vai trò quan trọng trong cơ chế thực thi quyền SHTT. Bên cạnh đó, cơ chế thực thi quyền SHTT được bảo đảm với sự hỗ trợ của một số yếu tố khác như: máy móc, thiết bị và hạ tầng thông tin; hợp tác quốc tế; và nguồn lực tài chính. Xem xét các tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của cơ chế thực thi quyền SHTT nêu trên trong mối quan hệ với các yếu tố cấu thành cơ chế này cho thấy: cơ chế thực thi quyền SHTT ở nước ta đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm vừa qua, tuy vậy cơ chế này chưa thật sự hiệu quả. Một trong những kết quả đã đạt được là chúng ta có quy định pháp luật về các biện pháp thực thi quyền SHTT tương thích với TRIPS và các hiệp định song phương mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, về cơ bản, mỗi biện pháp thực thi chứa đựng chế tài và thủ tục xử lý vi phạm tương đối phù hợp.

Tuy nhiên, cơ chế thực thi quyền SHTT hiện hành của chúng ta vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: còn tồn tại một số quy định pháp luật chưa hợp lý về thực thi quyền SHTT; thiếu các quy định rõ ràng, cụ thể bảo đảm xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT; các biện pháp và chế tài hiện hành chưa có giá trị cao trong xử lý, ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền SHTT. Mặc dù có sự can thiệp của lực lượng chức năng khi áp dụng biện pháp hành chính nhưng xử lý xâm phạm quyền SHTT không có tính răn đe cao do các chế tài xử phạt còn nhẹ, trong nhiều trường hợp số tiền phạt thấp hơn nhiều so với những lợi ích thu được từ hành vi xâm phạm quyền SHTT. Vì vậy, nhiều tổ chức, cá nhân tiếp tục vi phạm sau khi bị xử lý vi phạm hành chính; hơn nữa, các chế tài hành chính không đủ sức răn đe, ngăn chặn với các chủ thể khác vi phạm; thủ tục xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT, cụ thể là thủ tục tố tụng dân sự, còn phức tạp và tốn kém. Sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT chưa tốt, thời gian giải quyết vụ án dân sự kéo dài, đòi hỏi nhiều thủ tục (như: giám định, lấy ý kiến cơ quan chuyên môn, ủy thác tư pháp…) và chi phí cao.

Cơ chế thực thi quyền SHTT tại Việt Nam chưa phát huy hiệu quả như mong muốn do một số nguyên nhân chính sau: hệ thống pháp luật về thực thi quyền SHTT còn hạn chế, như những quy định chưa rõ ràng, chưa thống nhất hoặc thiếu quy định cần thiết; bộ máy thực thi quyền SHTT vận hành chưa tốt; nhân tố con người trong cơ chế thực thi quyền SHTT ở Việt Nam còn hạn chế. Năng lực cán bộ thực thi quyền SHTT còn bất cập cả về số lượng và chất lượng. Do đó, để cơ chế thực thi quyền SHTT ở nước ta phát huy hiệu quả, cần hoàn thiện khung pháp lý về thực thi quyền SHTT; sắp xếp lại cấu trúc cơ chế thực thi và tạo lập đầu mối quốc gia về phòng chống xâm phạm quyền SHTT; tạo lập và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp về thực thi quyền SHTT. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT, một số giải pháp khác cần phải áp dụng đồng thời: nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT của hệ thống các cơ quan thực thi quyền SHTT, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn của tòa án; nâng cao nhận thức về thực thi hiệu quả quyền SHTT; tạo lập cơ chế chia sẻ thông tin, hợp tác xây dựng và giải thích văn bản pháp luật liên quan đến thực thi quyền SHTT; nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế trong thực thi quyền SHTT.

Những năm qua, hệ thống pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã dần được hoàn thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay thì việc tiếp tục nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ là điều cần thiết.