26/04/2024 lúc 12:50 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển kinh tế số: Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

VNHN - Khi Công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển thì một loạt các hoạt động kinh tế - xã hội, từ giáo dục, chăm sóc y tế đến quản lý nhà nước cũng từng bước biến đổi. Hiện nay, các nền tảng kinh tế càng thâm nhập sâu vào đời sống, kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, việc chúng ta đang áp dụng hệ thống pháp luật cũ trên những hình thái kinh tế mới, nên không tránh khỏi những rủi ro.

VNHN - Khi Công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển thì một loạt các hoạt động kinh tế - xã hội, từ giáo dục, chăm sóc y tế đến quản lý nhà nước cũng từng bước biến đổi. Hiện nay, các nền tảng kinh tế càng thâm nhập sâu vào đời sống, kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, việc chúng ta đang áp dụng hệ thống pháp luật cũ trên những hình thái kinh tế mới, nên không tránh khỏi những rủi ro.

Ảnh minh họa

Xu thế tất yếu

Kinh tế nền tảng số đã và đang hiện diện rất mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tại Việt Nam, kinh tế nền tảng số đang trở thành một trong những thành phần chính đem lại nhiều giá trị cho nền kinh tế trong tương lai.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm ngày càng tăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, khu vực và của Việt Nam. Bên cạnh những tác động tiêu cực do dịch Covid-19 đem lại thì chúng ta đang thấy được sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền tảng số. Qua đó, cho thấy chuyển đổi nền tảng số là một xu thế tất yếu và nền tảng số đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình.

Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, trong khi những mô hình kinh doanh truyền thống hiện nay đang bị đóng băng vì dịch bệnh thì việc ứng dụng công nghệ vào cuộc sống đang cho thấy được những hiệu quả nhất định và tầm quan trọng của nền tảng số trong thời đại Công nghiệp 4.0. Hiện, các doanh nghiệp thương mại điện tử không ngừng kiếm lời khi số lượng người tham gia các giao dịch trên các trang thương mại điện tử ngày càng tăng. Cụ thể, một số siêu thị tại Hà Nội đang ước tính trong thời gian này doanh số bán hàng online tăng lên 20%. Bên cạnh đó, sự tồn tại của sàn giao dịch điện tử như Tiki, Shopee… đã giúp nhiều doanh nghiệp không rơi vào tình trạng phá sản trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ.

Trên thực tế, để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, các trường học, doanh nghiệp… đã ứng dụng công nghệ thông tin một các hiệu quả thông qua hình thức dạy học trực tuyến, bán hàng online, làm việc, điều hành trực tuyến… Không ít doanh nghiệp trước kia vẫn còn chần chừ chưa ứng dụng công nghệ thông tin thì bây giờ đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh. Đặc biệt, đây được xem là giai đoạn thích hợp để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp. Bởi lẽ, hiện nước ta chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển công nghệ thông tin.

Tiềm ẩn rủi ro

Bên cạnh những lợi ích mà nền tảng số đem lại, hiện nền công nghiệp nước ta mới đang dịch chuyển sang nền công nghiệp số với nền tảng online thì việc chưa có hành lang pháp lý rõ ràng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện nay, Nhà nước đã tiến hành tinh gọn bộ máy nhà nước để việc quản lý hiệu quả hơn, tránh gây lãng phí. Tuy nhiên, việc tiến hành tinh gọn bộ máy nhà nước nhưng vẫn giữ phương thức quản lý nhà nước theo chiều dọc đã xuất hiện nhiều bất cập khi nền Công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển với nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời. Đơn cử, đối với ngành y tế liên quan đến quản lý về thuốc, thiết bị y tế, khám chữa bệnh, tài chính, bảo hiểm… hiện đang gặp nhiều lúng túng. Bởi lẽ, để quản lý tốt tất cả các mảng thì ngoài nghiệp vụ chuyên môn ngành y tế cần phải có sự tham gia của các ngành khác như thương mại điện tử, công nghệ thông tin… do đó sẽ không tránh khỏi những xung đột về lợi ích giữa các ngành.

Tác động của Công nghiệp 4.0 còn cho thấy, đã xuất hiện những hình thức kinh doanh mới, khiến cho việc áp dụng các biện pháp quản lý hành chính đã trở nên lạc hậu. Chẳng hạn, thu thuế cũng trở nên khó khăn khi việc cung cấp dịch vụ không phụ thuộc vào địa lý hay người tham gia giao dịch. Cụ thể, thực tế hiện nay hình thức bán hàng online đang rất phổ biến nhưng hiện chưa có quy định pháp luật về hình thức bán hàng này do đó các cơ quan chức năng không kiểm soát được đầu vào, đầu ra, chất lượng của sản phẩm cũng như không thể tiến hành thu thuế. 

Hay, mặc dù chưa có khung pháp lý đối với mô hình kinh doanh tiền ảo nhưng trên thực tế các hoạt động đầu tư, giao dịch và huy động vốn bằng tiền ảo đã, đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Vấn đề đặt ra, Nhà nước sẽ quản lý và giải quyết như thế nào khi có tranh chấp xảy ra. Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn đang dùng mô hình kinh tế hiện tại để áp đặt đến mô hình kinh tế mới. Từ đó, có thể dẫn đến những xung đột về lợi ích. Đây liệu có phải là hướng đi đúng đắn của Nhà nước để đón nhận những sự thay đổi tất yếu của kinh tế hay không? Qua đó, cho thấy Nhà nước đang rất lúng túng trong việc tạo ra một hành lang pháp lý cho kinh tế nền tảng hoạt động.

Để hạn chế những rủi ro, các chuyên gia cho rằng cần phải có khung pháp lý rõ ràng, phù hợp với xu thế kinh tế hiện nay. Nhà nước cần sớm xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đồng thời phát triển khoa học - công nghệ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro, vi phạm pháp luật hiệu quả... Khi có khung pháp lý rõ ràng, phù hợp thì quyền lợi của người lao động, người tiêu dùng và các chủ thể tham gia nền tảng đó được bảo đảm; đồng thời sẽ hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và tránh xung đột lợi ích giữa các mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh nền tảng số.