27/04/2024 lúc 02:15 (GMT+7)
Breaking News

Người giữ lửa cho làng gốm Phù Lãng Bắc Ninh

VNHN – Anh Nguyễn Minh Ngọc, thôn Phù Lãng, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh là một trong những nghệ nhân có cơ sở uy tín chất lượng trong việc làm gốm tại làng gốm Phù Lãng . Anh không ngừng sáng tạo, nâng cao chất lượng, mẫu mã trong từng sản phẩm gốm mỹ nghệ đã giúp cơ sở gốm Ngọc của thành công, góp phần gìn giữ, phát triển làng nghề gốm truyền thống của quê hương.

VNHN – Anh Nguyễn Minh Ngọc, thôn Phù Lãng, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh là một trong những nghệ nhân có cơ sở uy tín chất lượng trong việc làm gốm tại làng gốm Phù Lãng . Anh không ngừng sáng tạo, nâng cao chất lượng, mẫu mã trong từng sản phẩm gốm mỹ nghệ đã giúp cơ sở gốm Ngọc của thành công, góp phần gìn giữ, phát triển làng nghề gốm truyền thống của quê hương.

Đến làng gốm Phù Lãng vào bất cứ thời điểm nào trong năm cũng có thể dễ dàng thấy rằng đâu đâu cũng thấy những sản phẩm gốm được xếp đầy.

Phù Lãng vốn nổi tiếng với nghề sản xuất đồ gốm có từ thế kỷ thứ XIII, trải qua thăng trầm của lịch sử, nhất là vào thời kỳ đổi mới, nghề gốm tưởng chừng như mai một do không thích nghi kịp với thị trường. Nhưng với tâm huyết giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của cha ông, nhiều người thợ của làng nghề đã không ngừng học hỏi, đa dạng hóa mẫu mã, nhất là biết kết hợp giữa gốm với các chất liệu khác để làm mới các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

Làng gốm Phù Lãng ngày nay với những con người tâm huyết, tận tuỵ với nghề, cuộc sống thanh bình, đậm chất văn hoá truyền thống.

Theo anh Nguyễn Minh Ngọc, chủ cơ sở gốm Ngọc: gia đình anh đã có hơn 50 năm làm gốm, được truyền từ đời ông, cha. Trước kia các sản phẩm từ gốm rất thô sơ, do vậy không đáp ứng với nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân. Từ năm 2002, nhờ nắm bắt được xu hướng phát triển của thị trường, gia đình anh mạnh dạn thay đổi hướng sản xuất làm đồ trang trí, trưng bày.

Nghệ nhân Nguyễn Minh Ngọc với các sản phẩm gốm tiêu biểu của cơ sở.

Năm 2007, cơ sở gốm Ngọc của anh Nguyễn Minh Ngọc đã có hướng đi mới chuyên sản xuất đồ gốm trang trí, trưng bày mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ phục vụ không gian nội, ngoại thất tại các khách sạn, nhà hàng, nhà vườn, khu resort phù hợp với thị hiếu, thị trường. Với chủng loại đa dạng, phong phú, chất lượng, các sản phẩm như: chum, lọ hoa, bình gốm, tượng, tranh phù điêu của cơ sở đã chinh phục được khách hàng. Hiện nay, cơ sở của anh có hàng nghìn sản phẩm với hàng chục chủng loại như: đèn, bình hoa, đôn, phù điêu. Đặc biệt, những chiếc lọ trang trí có sự kết hợp giữa gốm và gỗ đang rất thịnh hành.

Gốm được tạo hình thủ công tỉ mỉ và cẩn thận.

Anh chia sẻ rằng nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm của làng gốm Phù Lãng là loại đất sét có màu hồng nhạt, trải qua nhiều công đoạn, đất sét được luyện dẻo mịn rồi tạo hình trên bàn xoay bằng tay của người thợ thủ công. Cũng như nhiều làng gốm truyền thống khác như Bát Tràng (Gia Lâm), Thổ Hà (Việt Yên) phương pháp tạo hình sản phẩm (có tiết diện tròn) là chuốt. Tất cả các sản phẩm được đưa lên bàn xoay tay, hoạt động xung quanh bàn xoay có 3 người, trong đó có một người chuyên ngồi chuốt, một người vần bàn xoay, và một người chạy ngoài. Đối với sản phẩm có kích thước nhỏ, cần có 2 người tạo sản phẩm: một người chuốt và một người vần bàn.

Tạo hình sản phẩm là bước rất khó, vì vậy đòi hỏi nghệ nhân phải có nhiều kinh nghiệm.

Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong, để cho se dần, đến khi sờ tay không thấy dính, lúc ấy người thợ tiến hành thúng, đấm, thúc bên trong của sản phẩm cho thành hình đồ vật, để cho ráo. Lúc này nếu thấy trên sản phẩm có vết rạn nứt thì sẽ vá lại bằng đất mịn và nát. Bước cuối cùng để hoàn thành sản phẩm là ve, nạo. Sau đó, sản phẩm được tráng một lớp men lên.

Chất liệu làm men tráng gồm có: Tro cây rừng, vôi sống, vôi ống nghiền nát, bùn phù sa trắng. Bốn nguyên liệu này, sau khi sơ chế trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định, rồi chế thành một chất lỏng. Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài sản phẩm một lớp mỏng thích hợp rồi đem phơi. Sau khi quét men và phơi khô, những sản phẩm đều có màu trắng đục.

Phương pháp độc đáo mới lạ giúp tạo ra các sản phẩm gốm cực kì bắt mắt.

Đặc biệt, sản phẩm của cơ sở gốm Ngọc của anh được sản xuất kết hợp gắn đá hoặc gỗ. Bên cạnh nguyên liệu chính là gốm, nhiều chi tiết trang trí trên bề mặt các sản phẩm: chum, lọ hoa, bình, tượng, các bức phù điêu được những người thợ bố trí khéo léo bằng những viên đá màu hoặc những bộ phận của cây gỗ làm cho các sản phẩm gốm thêm độc đáo, phong phú, hấp dẫn. Bên cạnh đó, sản phẩm gốm Ngọc có màu men da lươn tự nhiên và vẫn được sử dụng nguyên liệu truyền thống với hình vẽ trang trí gần gũi với thiên nhiên, ngợi ca lao động sản xuất, vẻ đẹp quê hương đất nước. Nhờ vậy, sản phẩm của cơ sở gốm Ngọc được thị trường đón nhận và ngày càng phát triển.

Khác với những làng gốm khác, sản phẩm của anh Nguyễn Minh Ngọc được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp. Thêm nữa, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc nhưng chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình.

Tranh gốm nổi tiếng làng Phù Lãng được làm thủ công.

Trước đây, các sản phẩm gốm truyền thống của làng nghề chủ yếu phục vụ đời sống của nhân dân như: nồi, niêu, chum, vại, ấm, niêu đất, lọ hoa… giá trị không cao, trong khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm này của người dân ngày càng ít. Do vậy, sản xuất của làng nghề cầm chừng, thậm chí một số gia đình phải chuyển sang làm các nghề khác.

Vừa qua, cơ sở gốm Ngọc đã được lựa chọn tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 - 2020. Đây sẽ là cơ hội đưa sản phẩm gốm Ngọc cũng như sản phẩm làng nghề gốm Phù Lãng ngày càng phát triển, vươn xa, góp phần váo sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng diện mạo mới cho quê hương.

Sự tỉ mỉ, tinh tế của những người thợ lành nghề đã tạo nên tác phẩm tuyệt đẹp.

Sản phẩm gốm Ngọc được nhiều khách hàng trong, ngoài nước ưa thích đặt mua và đã xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Thái Lan. Trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu của cơ sở đạt trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động trong và ngoài địa phương với mức thu nhập bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Nghệ nhân Nguyễn Minh Ngọc cho biết: “Nét riêng làm nên thành công của cơ sở là sử dụng màu men tự nhiên truyền thống, kết hợp nguyên liệu gốm với các nguyên liệu khác. Bên cạnh đó, luôn tìm tòi, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Với những kết quả bước đầu, tới đây, cơ sở sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng, tuyển chọn, đào tạo lao động là con em địa phương trở thành những thợ lành nghề cũng như tìm tòi, phát triển thêm những chất liệu mới, nhất là thành lập doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hội nhập”.