27/04/2024 lúc 07:59 (GMT+7)
Breaking News

Người âm thầm nối những nhịp cầu Kiều

VNHN - NGND.GS.TS Vũ Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Hồng Hà-Nguyễn Khuyến, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp "trồng người".

VNHN - NGND.GS.TS Vũ Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Hồng Hà-Nguyễn Khuyến, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp "trồng người".

GS.NGND. Vũ Tuấn sinh ngày 01 tháng 10 năm 1935 tại phố Yên Ninh, Quán Thánh, Hà Nội trong một dòng họ lớn và có truyền thống cách mạng. Ông nuôi dưỡng ước mơ cháy bỏng muốn trở thành một người giáo viên nhân dân - nghề mà "bụi phấn dính đầy tay, nhưng người ta gọi là nghề trong sạch nhất". Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói "Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo"; câu nói này quả đúng với nhà giáo Vũ Tuấn.

Chân dung GS.NGND. Vũ Tuấn

Giai đoạn từ năm 1951 đến 1956, ông theo học trường Sư phạm trung cấp Liên khu 4 và sau đó học Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội năm 1956, thời gian đầu, ông giảng dạy ở trường Phổ thông 3 Hà Nội (nay là trường THPT Việt - Đức), và trở thành cán bộ giảng dạy của Khoa Toán ĐHSP Hà Nội từ năm 1959.

Trong các năm 1961-1963, ông được cử đi thực tập khoa học tại thành phố Kiev (Liên Xô cũ). Khi về nước, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Bộ môn Giải tích trong suốt thời kì 1966-1982. Trong hai năm 1983-1984, ông đi làm chuyên gia và giảng dạy ở Đại học Finaransou, Madagascar. Một thời gian sau ông trở về nước và tiếp tục công tác ở Khoa Toán, ĐHSP Hà Nội. Với năng lực quản lí và uy tín cao trong nghề, ông đã được bầu làm Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhiệm kì 1989-1992.

Bên cạnh làm công tác quản lý, ông còn giữ vai trò là Ủy viên Hội đồng Bộ môn Toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều năm liền. Ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến của ông cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, ông đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quí: Phó Giáo sư (1984); Giáo sư (1996); Nhà giáo ưu tú (1990); Nhà giáo nhân dân (2010); Huy chương chiến thắng hạng Nhất (chống Pháp); Huân chương kháng chiến hạng 2 (chống Mỹ); Huy chương vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương vì thế hệ trẻ; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Nhớ lại những năm tháng khó khăn khi đất nước phải ra sức chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ông bồi hồi kể: "Ngày đó, tuy khó khăn về vật chất thôi, nhưng tinh thần thì giàu có vô cùng. Tôi luôn lấy niềm vui của học trò là niềm vui, niềm tự hào của mình. Làm nghề giáo đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, biết chịu đựng và vượt qua khó khăn trước mắt, đem hết sức mình cống hiến cho thế hệ tương lai của đất nước. Nghề nào cũng vậy, nhất là nghề giáo cần phải trải qua thử thách mới trở thành một nhà giáo có bản lĩnh, có tâm, có đức và có tài".

NGND.GS.TS Vũ Tuấn đang giảng bài cho các em học sinh

Khi nói đến NGND.GS.TS Vũ Tuấn là nói đến một người thầy đáng kính, một nhà sư phạm uyên bác và mẫu mực, một tấm gương lao động hăng say, bền bỉ. Ông đã dành cả cuộc đời của mình cho nghề, cho nghiên cứu khoa học và hơn hết ông luôn muốn được chứng kiến sự trưởng thành và thành đạt của nhiều thế hệ học trò. 

Rất nhiều học trò cũ của ông nay đã trở thành những nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lí giáo dục trên mọi miền đất nước, trong số đó có nhiều người cũng đã trở thành các giáo sư, tiến sĩ. Tất cả những lớp học trò ấy vẫn không bao giờ quên được những giờ giảng hấp dẫn nhưng mô phạm với phong cách trình bày bảng mẫu mực của ông. 

Nhiều đề tài nghiên cứu của ông đã được ứng dụng vào quá trình đào tạo và mang lại nhiều kết quả thiết thực. Ông là chủ nhiệm 04 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ đã được nghiệm thu với chất lượng tốt.

Bên cạnh đó, ông còn biên soạn nhiều giáo trình đại học, được Hội đồng thẩm định sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu làm sách dùng chung cho các trường đại học sư phạm trong cả nước, trong số đó phải kể đến hai cuốn sách nổi tiếng là: Giải tích toán học (3 tập) (viết chung với Phan Đức Thành, Ngô Xuân Sơn) và Phương trình vi phân (viết chung với Đoàn Văn Ngọc). 

Ngoài việc giảng dạy và đào tạo ở bậc Đại học, ông cũng rất chú trọng đến giáo dục phổ thông. Khi còn công tác ở khoa Toán, ĐHSP Hà Nội, ngoài công việc chính là giảng dạy cho học viên cao học và sinh viên của Khoa, ông còn tham gia giảng dạy cho học sinh Khối phổ thông chuyên Toán của Khoa (nay là Trường THPT chuyên của ĐHSP Hà Nội) từ những ngày đầu thành lập Khối. 

Ông là chủ biên và tham gia viết nhiều bộ sách giáo khoa Toán trung học phổ thông (THPT), gần đây nhất là bộ sách giáo khoa Đại số và Giải tích THPT theo Chương trình Chuẩn. Là một nhà khoa học, một nhà sư phạm có tài, lại có kinh nghiệm thực tiễn phong phú trong việc giảng dạy phổ thông, nên những sách toán phổ thông do ông biên soạn luôn là những cuốn sách mẫu mực về nội dung và cách trình bày, được nhiều thế hệ giáo viên và học sinh nồng nhiệt đón nhận. Những cuốn sách của ông đã trở thành cẩm nang của giảng viên và sinh viên toán các trường đại học sư phạm trong một thời gian dài, được NXB Giáo dục tái bản nhiều lần và cho đến nay chúng vẫn được coi là những giáo trình mẫu mực vì vừa cập nhật được những kiến thức hiện đại nhưng lại rất sư phạm trong cách trình bày. 

Không chỉ là một nhà sư phạm nổi tiếng, ông còn là một trong những nhà toán học Việt Nam có uy tín lớn trong lĩnh vực Phương trình vi phân. Ông là người có công xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu về Phương trình vi phân ở khoa Toán - Tin (ĐHSP Hà Nội). Cho đến nay, đây vẫn là một trong những Trung tâm mạnh nhất về Phương trình vi phân - Tích phân ở Việt Nam. 

Trong quá trình đào tạo sau đại học, ông hướng dẫn thành công 06 luận án tiến sĩ và nhiều luận văn thạc sĩ. Đồng thời, ông tham gia với vai trò Chủ tịch và là người phản biện trong nhiều hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước. Những đóng góp của ông cho trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng cũng như sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà là không nhỏ.

Ông quan niệm rằng "Còn sức là còn cống hiến", vì vậy mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn tiếp tục góp tâm sức, trí tuệ của mình để giúp các em học sinh trường THPT Hồng Hà - Nguyễn Khuyến ôn luyện những kiến thức căn bản về toán học trước mỗi kỳ thi THPT. Dù ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, ông luôn lạc quan và lấy học trò làm trung tâm, là cảm hứng, động lực để cống hiến. Chính vì có những người âm thầm bắc nhịp cầu Kiều như NGND.GS.TS Vũ Tuấn mà sự nghiệp giáo dục nước nhà đang mỗi ngày một khởi sắc hơn./.