27/04/2024 lúc 03:17 (GMT+7)
Breaking News

NGND. GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu: Vẹn tròn chữ Thầy cao quý

VNHN - Qua nhiều bài báo, nhiều cuốn sách tôi được biết đến Ông - một nhà giáo tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành với tình yêu nghề đậm sâu. Xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền khoa học nước nhà. Người tôi muốn nhắc đến trong bài viết dưới đây, ông chính là NGND GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu.

VNHN - Qua nhiều bài báo, nhiều cuốn sách tôi được biết đến Ông -  một nhà giáo tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành với tình yêu nghề đậm sâu. Xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền khoa học nước nhà. Người tôi muốn nhắc đến trong bài viết dưới đây, ông chính là NGND GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu.

GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu sinh năm 1949 tại quê hương Tân Phong, Ninh Giang, Hải Dương - miền đất giàu truyền thống cách mạng, lịch sử và hiếu học của cả nước. Ngay từ những ngày còn theo học phổ thông, Nguyễn Văn Mậu đã bộc lộ tư chất và khả năng của mình. Vượt qua những khó khăn, thử thách của hoàn cảnh gia đình ngày thơ bé, ông vẫn luôn nuôi dưỡng cho mình một ý chí, nghị lực phấn đấu không ngừng nghỉ, những mong thành công trong sự nghiệp sau này. Tốt nghiệp phổ thông với thành tích xuất sắc, năm 1967, Nguyễn Văn Mậu là một trong những thanh niên được nhà nước chọn đi học ở Liên Xô. Năm tháng bên nước bạn xa xôi, ông say mê, miệt mài học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức để ngày về đóng góp cho quê hương, đất nước. Sau khi tốt nghiệp Khoa Toán, Trường ĐH Tổng hợp Minxk với tấm bằng đỏ, đây cũng chính là cơ sở đầu tiên để sau này, ông trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu của Toán học Việt Nam.

     

     GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu

Về nước, Nguyễn Văn Mậu được nhận làm việc tại Viện Toán, nhưng dường như, nghề giáo đã gắn với ông như hai chữ “duyên phận” cuộc đời. Năm 1974, Việt Nam chính thức đăng ký dự thi Olympic Toán quốc tế. Khi đó, Nguyễn Văn Mậu được Bộ ĐH và THCN cử về Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (Trường ĐHKHTN hiện nay) để làm nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Và rồi chặng đường gắn bó với nghề giáo gần 50 năm qua đã đến với ông từ đó, với cương vị giáo viên rồi sau này là hiệu trưởng, bằng khả năng và tài trí của mình ông đã góp phần quan trọng tạo dựng được một đội ngũ học sinh giỏi, giành nhiều kết quả cao trong các cuộc thi toán quốc tế, đào tạo được nhiều trí thức cho đất nước và xây dựng nhà trường trở thành đơn vị anh hùng. Sau 15 năm dạy lớp chuyên Toán ở Trường, nhiều học sinh của ông đã đoạt giải cao trong các kỳ thi toán quốc tế. Đó là các học sinh Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Tiến Dũng, Ngô Bảo Châu, Ngô Đắc Tuấn, … Đến năm 1978, vừa đồng thời làm nhiệm vụ giảng dạy hệ Chuyên Toán, ông vừa là giảng viên bậc ĐH và SĐH.

Luôn say mê với sự nghiệp NCKH, ngay từ những năm đầu thập niên 80, GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu đã công bố nhiều công trình khoa học toán học. Đến năm 1982, ông được đặc cách bảo vệ thành công luận án TS. Với những thành tích khoa học nổi bật, ông được Nhà nước cử đi nước ngoài làm thực tập sinh cao cấp tại Ba Lan (1987). Năm tháng học tập, nghiên cứu ở Ba Lan, ông đã hoàn thành 2 cuốn sách chuyên khảo Toán bằng tiếng Anh và công bố nhiều công trình khoa học chuyên ngành, được bạn bè và các giáo sư hoan nghênh và đánh giá cao. Hoàn thành việc bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học, năm 1990, ông trở lại trường và bên cạnh giữ vai trò là một giảng viên, ông đã lần lượt đảm nhận các cương vị Chủ nhiệm bộ môn Toán Giải tích, Khoa Toán - Cơ - Tin học (1991); Phó hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy (1995), Hiệu trưởng (1997). Dù ở bất cứ cương vị, vai trò nào từng đảm nhiệm qua, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được ban lãnh đạo nhà trường giao phó, được đồng nghiệp khâm phục, học trò tin yêu.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Trường ĐHKHTN không chỉ là đơn vị dẫn đầu về thành tích đào tạo cán bộ khoa học cơ bản, là nơi cung cấp cán bộ giảng dạy về khoa học cơ bản cho các trường đại học và cao đẳng trong nước, cung cấp cán bộ khoa học cho các viện nghiên cứu, mà còn là nơi dẫn đầu về thành tích đào tạo tài năng trẻ cho đất nước. Các hệ THPT chuyên mà nhà giáo Nguyễn Văn Mậu đã tham gia giảng dạy ngay từ đầu đã đào tạo hơn 2.000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông loại giỏi và xuất sắc cho các trường đại học. Học sinh hệ THPT chuyên đã đoạt nhiều huy chương vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế; đoạt các giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Năm 1995, trong cương vị Trưởng đoàn dẫn học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi Olympic toán quốc tế tại Canađa, thầy giáo Nguyễn Văn Mậu đã góp phần đưa đoàn Việt Nam đoạt thứ hạng cao. Lần đầu tiên đoàn Việt Nam xếp thứ 4, trong 6 em đi dự thi có 4 em đoạt huy chương vàng, 2 em đoạt huy chương bạc. Từ năm 2009-2014 GS Nguyễn Văn Mậu là Trưởng đoàn Việt Nam thi Olympic Toán sinh viên quốc tế , nhiều sinh viên Việt Nam đạt huy chương trong các kỳ thi này… Các giải thưởng quốc tế và trong nước đã đem lại niềm tự hào cho nền giáo dục - đào tạo Việt Nam. Số huy chương vàng ở các giải thi quốc tế của hệ THPT chuyên (ĐHKHTN) chiếm hơn 2/3 tổng số huy chương vàng mà học sinh cả nước đoạt được. Đây là niềm vinh quang của nhà trường, cũng là niềm tự hào của GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu. Trong cương vị Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng, ông đã góp phần cùng các Giáo sư, giảng viên và các cán bộ công nhân viên nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa Trường ĐHKHTN trở thành một trung tâm đào tạo có uy tín trong nước, ở khu vực và quốc tế, được xã hội tín nhiệm, Đảng và nhân dân đánh giá cao. Để đào tạo nhân tài cho ngành khoa học cơ bản, từ năm 1997, trên cương vị Hiệu trưởng, GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu và Nhà trường đã đưa ra mô hình hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng, được Bộ GD&ĐT chấp nhận. Hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng đã thu hút được nhiều học sinh giỏi trong cả nước, 70% số sinh viên ở hệ này là những em đã đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và quốc gia. Mô hình này được các trường ĐH trong cả nước hưởng ứng. Và hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng đã được mở vào những năm tiếp theo ở các trường như: ĐHBKHN, ĐHSPHN, ĐHKHTN (ĐHQG TP.HCM)… Chất lượng của hệ này được đánh giá cao, có nhiều sinh viên đủ tiêu chuẩn để được cử sang nước ngoài, học ở những trường ĐH danh tiếng, nhiều em đứng đầu các kỳ thi Olympic giữa các trường ĐH trong nước. Một trong những trọng tâm mà GS. Nguyễn Văn Mậu và lãnh đạo Nhà trường đặt ra là tích cực đổi mới phương thức đào tạo, nhà trường đã chuẩn hóa các bộ giáo trình ở tất cả các ngành, các bậc học, xuất bản hơn 300 giáo trình mới, nhân bản hang nghìn đầu SGK của các nước Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Đức, …,. Bên cạnh đó, GS luôn chú ý nâng cấp mở rộng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn khu vực… Bởi vậy chất lượng đào tạo được nâng cao, đạt chuẩn trường ĐH nghiên cứu tiên tiến.

Là nhà giáo, song GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu còn là nhà khoa học, là người làm công tác quản lý. Trường ĐHKHTN là nơi dẫn đầu về thành tích nghiên cứu khoa học cơ bản trong cả nước. Riêng ông, mặc dù rất bận rộn với công việc quản lý, bận công tác dạy học nhưng GS. Nguyễn Văn Mậu luôn dành thời gian cho NCKH. Cá nhân ông đã có hơn 50 bài báo đăng trong các tạp chí quốc tế, trên 40 đầu sách và giáo trình toán học… Với những thành tích của mình, Trường ĐHKHTN đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại đặc biệt năm 2001 được tuyên dương là đơn vị Anh hùng  Lao động thời kỳ đổi mới. Ông cũng luôn dành nhiều tâm huyết với cộng đồng, xã hội với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ môn Toán Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội Toán học Hà Nội, là thành viên hội đồng biên tập Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ suốt từ những năm 1978 đến nay. Ông cũng là người tổ chức sang lập các kỳ thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc (1993-2013), Olympic Toán quốc tế Hà Nội mở rộng (từ 1994-2019), Olympic Toán Châu Á – Thái Bình Dương (1993) và các mạng lưới liên kết vùng miền trong cả nước bồi dưỡng HSG như Trại hè Hùng Vương (khối các trường THPT chuyên vùng núi phía bắc và trung du Bắc bộ), Trại hè Phương Nam (khối các trường THPT chuyên vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền đông Nam Bộ), Trại hè Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.  

Với những cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước, GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu đã được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, chiến sỹ thi đua toàn quốc và các huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba…cùng nhiều Bằng khen Chính phủ và ngành GD&ĐT.