27/04/2024 lúc 09:47 (GMT+7)
Breaking News

Ngăn chặn bạo lực gia đình trong mùa dịch Covid

VNHN - Cảnh báo của các cơ quan chức năng mới đây cho thấy, nạn bạo hành gia đình đang tăng lên trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, khi các cặp vợ chồng phải ở trong nhà trong thời gian dài để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Để giải quyết được tình trạng này, về phía Nhà nước cần đưa ra những chính sách hỗ trợ kịp thời đối với những hộ nghèo, đối tượng yếu thế; về phía cá nhân và hộ gia đình, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ quyền được lên tiếng khi xảy ra bạo lực.

VNHN - Cảnh báo của các cơ quan chức năng mới đây cho thấy, nạn bạo hành gia đình đang tăng lên trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, khi các cặp vợ chồng phải ở trong nhà trong thời gian dài để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Để giải quyết được tình trạng này, về phía Nhà nước cần đưa ra những chính sách hỗ trợ kịp thời đối với những hộ nghèo, đối tượng yếu thế; về phía cá nhân và hộ gia đình, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ quyền được lên tiếng khi xảy ra bạo lực.

Ảnh minh họa

Mâu thuẫn vì Covid-19

Để bảo đảm an sinh xã hội trước tác động của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, các đối tượng thuộc diện hỗ trợ bao gồm: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm; hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, người có công với cách mạng…

Cảnh báo mới đây của Quỹ Phát triển phụ nữ Liên Hợp Quốc cho thấy, nguy cơ bạo lực gia đình đang có dấu hiệu gia tăng ở nhiều quốc gia. Cụ thể, tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), số vụ bạo lực gia đình được báo cáo tăng gấp 3 lần trong tháng 2.2020 so với cùng kỳ năm ngoái (từ 47 lên 162 vụ). Tại Australia, số người tìm kiếm sự hỗ trợ về nạn bạo lực gia đình tăng 75%; tại Ấn Độ, các trường hợp bạo lực gia đình tăng gấp đôi ngay trong tuần đầu tiên của lệnh hạn chế đi lại. Đáng chú ý, tại Nam Phi ghi nhận 90.000 trường hợp bạo lực gia đình trong tuần phong tỏa đầu tiên…

Ở Việt Nam, tình trạng bạo lực gia đình, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em cũng có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, trung bình mỗi ngày Trung tâm ghi nhận trên 100 cuộc gọi tư vấn liên quan đến bạo lực gia đình, xâm hại trẻ (tăng 87% so với ngày thường) từ các đường dây nóng, website tư vấn miễn phí về bạo lực giới, bạo lực gia đình.

Mô hình Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) là một địa chỉ tin cậy trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn, tham vấn và nhà tạm lánh miễn phí cho phụ nữ, trẻ em bị bạo hành gia đình hơn chục năm qua. Đại diện Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết: Trong những ngày cách ly xã hội vì dịch bệnh Covid-19, nhân viên của Trung tâm bận rộn hơn rất nhiều vì số nạn nhân gọi đến, nhắn tin và chuyển vào nhà tạm lánh nhiều hơn. Các nhân viên phải làm việc 24/7, chia 3 ca mới đáp ứng được yêu cầu và khối lượng công việc…

 Theo các chuyên gia về bạo lực giới và nghiên cứu xã hội, hầu hết các vụ việc xung đột, bạo lực gia đình, bạo hành trẻ thời gian gần đây ngoài những nguyên nhân vẫn thường gặp như do người chồng nghiện rượu, say rượu, những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, học vấn thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật, công việc không ổn định… còn một nguyên nhân sâu xa nữa là do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hầu hết các quốc gia phải ban hành lệnh phong tỏa, cách ly xã hội.

Bà Ánh Tuyết, đại diện CSAGA cho rằng, Việt Nam đang thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng, khuyến khích mọi người dân ở trong nhà, không ra ngoài nếu không có việc thực sự cần thiết. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc giãn cách xã hội là cần thiết và có khả năng kéo dài nếu dịch bệnh không thuyên giảm. Tuy nhiên, hệ lụy của việc này là nguy cơ mất việc làm, giảm thu nhập, hạn chế tự do tại Việt Nam dẫn đến bất ổn về tâm lý của người dân, stress dẫn đến bạo lực gia đình tăng cao, xuất hiện tỷ lệ ly hôn nhiều hơn; các gia đình có xu hướng mâu thuẫn tăng vọt khi phải đối mặt với nhau cả ngày. Đó là chưa kể tới có nhiều hộ gia đình nghèo phải đối diện với các khó khăn… trong khi đó vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong việc “giữ ấm gia đình” cũng là một trong những nguyên do dễ xảy ra xung đột, bạo lực gia đình khi người phụ nữ bị áp lực, dồn nén lớn.

Chia sẻ quyền được lên tiếng

Giám đốc Trung tâm CSAGA Nguyễn Vân Anh nêu thực tế: Do quan niệm xã hội, người đàn ông ở Việt Nam thường là người giữ “trụ cột” có vai trò kiếm tiền nên khi về nhà, nhiều người có thói quen không làm gì. Khi phải cách ly xã hội, không ít “đấng mày râu” rất lúng túng với việc nhà, nhiều vụ việc mâu thuẫn, xung đột, bạo lực gia đình chỉ vì người chồng không làm việc gì, chỉ biết chơi game, trong khi người vợ “quá tải” vì vừa phải làm việc, vừa phải lo chuyện bếp núc con cái.

Để ngăn chặn, giảm tối đa số vụ bạo lực gia đình xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thực tế đã có nhiều hội nhóm cũng như có nhiều biểu ngữ đã được lập ra để truyền cảm hứng say mê nấu ăn ngon, trồng cây… Ví dụ trên nhóm Yêu bếp, những bức ảnh về các món ăn được các các chị em làm, chia sẻ thường xuyên được đăng tải đã truyền cảm hứng cho nhiều chị em phụ nữ, điều này góp phần nào giảm xung đột, đưa các thành viên trong gia đình gần nhau hơn… 

Tuy nhiên, bà Vân Anh cũng cho rằng: Mặt trái của việc ở nhà quá lâu, những người trong gia đình lại có “cơ hội” soi nhau kỹ hơn, vợ kiểm soát chồng, chồng kiểm soát vợ từ những tin nhắn, cuộc điện thoại. Điều đáng nói, hầu hết các vụ bạo hành trong giai đoạn này thường “im lặng” không dám ra ngoài đường, hoặc chạy đến nhà người thân, cơ quan chức năng để khai báo, bởi họ ngại “Covid-19”. Do vậy, để ngăn chặn kịp thời và tránh trường hợp đáng tiếc như vụ cháu bé 3 tuổi bị mẹ đẻ bạo hành tới hơn 20 ngày mới phát hiện như vừa qua, bản thân cộng đồng, mỗi cá nhân cần cộng đồng trách nhiệm, mạnh dạn lên tiếng, chia sẻ thông tin với cơ quan chức năng, đường dây nóng tư vấn của các Trung tâm để sớm được tư vấn, giải quyết thấu đáo.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giới cũng cho rằng: Trong thời buổi dịch bệnh, để ngăn chặn, giảm thiểu tối đa các vụ bạo lực gia đình, Nhà nước triển khai kịp thời các chính sách để bảo đảm an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ, ưu tiên đối với các hộ gia đình nghèo, người yếu thế. Bên cạnh đó, các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ cần chủ động đưa ra các biện pháp khẩn cấp hỗ trợ nạn nhân, gồm bảo đảm quyền tiếp cận để bảo vệ nạn nhân thông qua các lệnh cấm, duy trì nơi trú ẩn an toàn và đường dây trợ giúp nạn nhân. Tăng cường công tác tuyên truyền, bảo đảm tất cả phụ nữ, trẻ em, người yếu thế đều có thể nhận được những thông tin về cách phòng tránh, ứng phó dịch bệnh. Hỗ trợ tâm lý xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn này là rất cần thiết, vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương.