26/04/2024 lúc 00:41 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định: Công bố tình hình kinh tế - xã hội năm 2019

VNHN – Sáng ngày 30/12/2019, Cục Thống kê Nam Định đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh.

VNHN – Sáng ngày 30/12/2019, Cục Thống kê Nam Định tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh.

Toàn cảnh buổi Họp báo

Ông Nguyễn Văn Ty, Cục trưởng Cục Thống kê Nam Định và bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng điều hành chương trình

Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Văn Ty, Cục trưởng, Cục Thống kê Nam Định công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định năm 2019. Trong năm qua, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định có những chuyển biến tích cực: Tăng trưởng kinh tế năm 2019 (GRDP) đạt mức tăng cao nhất trong 5 năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; Nam Định là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Theo đó, năm 2019, kinh tế của tỉnh Nam Định tiếp tục ổn định và phát triển. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010 ước đạt 44.171 tỷ đồng, tăng 8,68% so với năm trước.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá hiện hành năm 2019 ước đạt 71.503 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tổng sản phẩm theo giá hiện hành bình quân đầu người đạt 40,2 triệu đồng, tăng 14,9% (+5,2 triệu đồng) so với năm 2018.

Tốc độ tăng một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2019 so với năm 2018 (%)

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2019 ước đạt 16.720 tỷ đồng, bằng 131,2% dự toán năm và tăng 11,2% so với năm trước. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.605,5 tỷ đồng, bằng 112,1% dự toán và tăng 6,2% so với năm trước; trong đó, thu nội địa 5.140 tỷ đồng, bằng 111,9% dự toán, tăng 6,3%; thu thuế xuất, nhập khẩu 410 tỷ đồng, bằng 101,2% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2019, tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 14.159,7 tỷ đồng, bằng 120,3% dự toán năm và tăng 18,2% so với năm trước; trong đó chi xây dựng cơ bản 4.332,1 tỷ đồng, tăng 2,5%, chi thường xuyên 9.162,8 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm trước.

Về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, năm 2019, thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Sản lượng lúa xuân đạt 509.766 tấn, sản lượng lúa mùa ước đạt 378.366 tấn. Ngành thủy sản duy trì mức tăng khá, sản lượng thủy sản tăng 7%. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; dịch tả lợn châu Phi từng bước được kiểm soát, một số địa phương đã khống chế được dịch bệnh và công bố hết dịch.

Về sản xuất công nghiệp, năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,25% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 22,91% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh nghiệp nhà nước giảm 0,12%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 7,13%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 72,34%.

Về đầu tư và xây dựng, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2019 ước đạt 35.966,5 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm trước và bằng 50,3% tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành. Trong đó vốn Nhà nước 6.630,2 tỷ đồng, giảm 4%; vốn ngoài Nhà nước 24.566,3 tỷ đồng, tăng 22,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4.770 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước. Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh 2010 ước đạt 19.005 tỷ đồng, tăng 11,37% so với năm 2018.

Tính đến ngày 20/12/2019, toàn tỉnh Nam Định có 8.690 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký là 65.871 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp 7,6 tỷ đồng. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong năm 2019 là 750 doanh nghiệp, tăng 9,2% (tăng 63 doanh nghiệp) so với năm trước.  

Về đời sống dân cư, nhìn chung, đời sống các tầng lớp nhân dân ổn định và từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 còn khoảng 1,55% giảm 0,6% so với năm 2018. Ước tính cả năm 2019, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 33.000 lượt người lao động, bằng 102,8% kế hoạch năm và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2019 ước tính 1.136.878 người, tăng 1.700 người so với năm 2018.

Về giáo dục, đào tạo, năm học 2018-2019, bậc tiểu học có 96,8% học sinh hoàn thành chương trình lớp học; bậc THCS, tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp đạt 99,9%; bậc THPT có 99,5% học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp. Tỉnh Nam Định tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về điểm trung bình các môn với mức điểm 5,91.

Về  Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2019, tình hình bệnh dịch trong tỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước: 66 ca quai bị, giảm 106 ca; 9.895 ca cúm, giảm 1.238 ca; 74 ca viêm gan vi rút, giảm 70 ca; 91 ca tay chân miệng, giảm 260 ca; 322 ca thủy đậu, giảm 103 ca. Bên cạnh đó, một số dịch bệnh tăng so với cùng kỳ năm trước: 4.062 ca tiêu chảy, tăng 92 ca; 608 ca nghi sốt xuất huyết, tăng 400 ca. Số người nhiễm HIV hiện đang còn sống trên địa bàn tỉnh là 4.159 trường hợp, số người nhiễm HIV tử vong từ đầu dịch đến nay là 1.534 trường hợp (tính đến hết ngày 31/10/2019). Bệnh nhân HIV xuất hiện tạo 10/10 huyện, thành phố, 224/229 xã, phường, thị trấn.

Về văn hóa - thể thao, đáng chú ý, tại SEA Games 30 ở Philippines, điền kinh Nam Định gồm 5 vận động viên tham gia thi đấu và giành thắng lợi xuất sắc với 5 huy chương vàng và 1 huy chương đồng.

Năm 2019, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí: xảy ra 141 vụ tai nạn giao thông (129 vụ đường bộ; 12 vụ đường sắt) giảm 6 vụ (-4,1%), làm 65 người chết, giảm 4 người (-5,8%) và 113 người bị thương, giảm 18 người (-13,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Phân tích các số liệu thống kê về kinh tế - xã hội cho thấy, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh Nam Định đều tăng so với năm trước. Tuy nhiên, kinh tế tỉnh Nam Định vẫn còn ở mức thấp so với cả nước và so với khu vực đồng bằng sông Hồng. Quy mô của nền kinh tế còn nhỏ, chưa có các cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô lớn, sản xuất ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương về tài nguyên biển, về nhân lực. Thu, chi ngân sách Nhà nước còn mất cân đối, thu chưa đủ chi mà vẫn phải dựa chủ yếu vào nguồn thu sử dụng đất và sự điều tiết từ ngân sách Trung ương, chưa có nguồn thu lớn ổn định, việc làm và đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn.

Cũng tại buổi Họp báo, đại diện Cục Thống kê Nam Định đã giải đáp một số câu hỏi liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm qua, làm rõ một số vấn đề các lãnh đạo, phóng viên quan tâm./.

Tin, ảnh: Tuyết Trần