26/04/2024 lúc 20:12 (GMT+7)
Breaking News

Lặng thầm “tỏa bóng” nơi biên giới

VNHN - Dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn phát huy tốt vai trò của mình, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, bảo vệ đường biên, cột mốc. Như những cây đại thụ lặng thầm “tỏa bóng”, họ đã góp công sức không nhỏ giúp cho vùng phên dậu của Tổ quốc thêm vững vàng.

VNHN - Dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn phát huy tốt vai trò của mình, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, bảo vệ đường biên, cột mốc. Như những cây đại thụ lặng thầm “tỏa bóng”, họ đã góp công sức không nhỏ giúp cho vùng phên dậu của Tổ quốc thêm vững vàng.

Bảo vệ vững chắc đường biên

Ở tuổi 66, ông Lương Minh Hồng, dân tộc Thái, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An vẫn tham gia tuần tra đường biên cột mốc cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ. Trong 10 năm qua, ông đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng tuyên truyền kiến thức pháp luật của nhà nước tập trung cho 13/13 bản được 1.200 đợt với hơn 20 lượt người.

Ông Lương Minh Hồng cùng Bộ đội biên phòng Nghệ An tuần tra biên giới

Hàng năm ông tham gia củng cố kiện toàn 13/13 tổ an ninh tự quản với 91 người tham gia. Trong đó, củng cố 3 tổ hòa giải hoạt động kém hiệu quả đi vào hoạt động khá. Ông cũng tổ chức duy trì tốt 2 tổ tự quản đường biên cột mốc bản Mường Phú và Mường Piệt, mỗi tháng một lần phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới cùng với cán bộ chiến sĩ đồn Thông Thụ.

Đặc biệt, trước đây, trên cương vị là Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Thông Thụ, ông Hồng đã tham mưu cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quế Phong ra quyết  định thành lập Câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, lấy chi hội phụ nữ bản Mường Piệt làm điểm. Ban đầu Câu lạc bộ có 30 chị em phụ nữ tham gia, đến đầu năm 2018 đã tăng lên 53 hội viên. Sự hoạt động có hiệu của câu lạc bộ đã lan tỏa, tạo thành phong trào phụ nữ phối hợp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong toàn hội phụ nữ xã. Ông Hồng cũng tích cực vận động nhân dân hai bản Mường Phú (Việt Nam) và bản Nậm Táy (Lào) thực hiện tốt bản ghi nhớ kết nghĩa, cùng bảo vệ biên giới, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xã hội.

Sống tốt đời, đẹp đạo

 “Phát huy phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo” trong bảo vệ an ninh biên giới quốc gia”, thời gian qua, với vai trò là Đại biểu Quốc hội khóa XII và là Phó Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước của tỉnh Sóc Trăng, Hòa thượng Thạch Huôn, (dân tộc Khmer, trụ trì chùa Prây Chóp, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đã tích cực phối hợp với các ban, ngành chức năng vận động đồng bào thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hòa thượng Thạch Huôn với những ý kiến tâm huyết tại nghị trường Quốc hội

Đặc biệt, Hòa thượng cũng đã cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt thường kỳ hàng tháng cho phật tử về nội dung Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; mỗi tháng 4 lần tổ chức vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tích cực tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên biển.

Qua đó, đồng bào dân tộc thiểu số xã Lai Hòa đã cung cấp hàng nghìn nguồn tin có giá trị cho lực lượng công an, quân sự triệt phá nhiều vụ án hình sự, gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Hòa thượng cũng đã trực tiếp tham gia cùng chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng giải quyết dứt điểm một số vụ việc liên quan đến tôn giáo như đất đai, truyền đạo trái phép, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước, gây mất an ninh chính trị cũng như gây mâu thuẫn nội bộ trong các cơ sở thờ tự.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, với vai trò của mình, hòa thượng Thạch Huôn đã tích cực vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các công trình giao thông nông thôn và công trình phúc lợi. Đồng thời cũng đã bàn bạc, thống nhất trong nhà chùa để hiến gần 20.000 m2 đất để xây dựng trường tiểu học và trung học cơ sở tại ấp Prey Chóp B.

Bản thân hòa thượng Thạch Huôn cũng duy trì tốt việc dạy chữ Khmer cho khoảng từ 120 đến 150 con em phật tử người Khmer trên địa bàn từ lớp 1 đến lớp 3 tại chùa, trong đó có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ học bổng.

“Thời gian tới, tôi sẽ nâng cao hơn nữa vai trò người có uy tín tiêu biểu mà chính quyền và nhân dân đã bình chọn, tiếp tục phát huy phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, nỗ lực gắn kết, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc và đặc biệt là tham gia tích cực vào phong trào “Toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.” – Hòa thượng Thạch Huôn cho biết.