27/04/2024 lúc 02:26 (GMT+7)
Breaking News

Khai phá tiềm năng du lịch Y Tý

Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa 2020 - 2025, huyện Bát Xát đã và đang tiến hành xây dựng, phát triển Y Tý trở thành khu đô thị du lịch, giúp thị xã vùng biên giới có cơ hội bứt phá và vươn xa hơn trong tương lai.

Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa 2020 - 2025 về việc phát triển du lịch tuyến thành phố Lào Cai - Ngải Thầu - Y Tý - Sa Pa, huyện Bát Xát đã tiến hành thực hiện theo nghị quyết, chọn phát triển du lịch là một trong ba lĩnh vực đột phá, trong đó tập trung phát triển, xây dựng Y Tý trở thành khu đô thị du lịch, giúp thị xã vùng biên giới có cơ hội bứt phá và vươn xa hơn trong tương lai.

Vốn là một xã nghèo nằm ở nơi vùng cao biên giới, nằm cách trung tâm huyện Bát Xát khoảng gần 80km, Y Tý là nơi có khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn toàn sỏi đá nên không thích hợp để trồng trọt các loại cây kinh tế. Nơi đây chỉ trồng được một số loài cây đặc thù như lúa, ngô, khoai, sắn; quá trình trồng trọt vừa gian khổ, khó khăn lại không đem lại giá trị kinh tế cao nên bà con mãi vẫn chưa thể thoát nghèo.

Những ngôi nhà đất đơn sơ tại xã nghèo Y Tý - Nguồn ảnh: blogyeuphuot.com

Không chỉ có vậy, ở Y Tý phần lớn đều là dân tộc thiểu số sinh sống, do địa hình hiểm trở, việc đi lại khó khăn nên nhiều cơ sở hạ tầng còn chưa phát triển, việc giáo dục cũng là một vấn đề bất cập nên người dân vẫn còn nhiều hạn chế về mặt văn hóa và chưa thoát khỏi các hủ tục lạc hậu. Mặc dù còn nhiều điểm yếu như vậy, nhưng ngược lại đây cũng là một điểm sáng trong du lịch, đặc biệt là đối với những du khách đam mê khám phá, thích những địa điểm hoang sơ, còn chưa được khai phá nhiều như Y Tý. 

Nằm trên độ cao khoảng hơn 2.500m so với mực nước biển, có địa hình núi cao, cảnh quan độc đáo nên Y Tý được coi là “Sa Pa thứ 2” của Lào Cai. Nơi đây có rất nhiều cảnh đẹp khó quên, dễ dàng khiến người ta phải chìm đắm mỗi khi đặt chân tới nơi này. Đặc biệt vào mùa lúa chín, du khách sẽ được ngắm nhìn những thửa ruộng chín vàng óng ả, nhuộm nắng tỏa hương khắp đất trời tại thung lũng bậc thang Thề Pả. Nhìn từ trên cao, Y Tý giống như một bức tranh thổ cẩm sặc sỡ, có mây, có núi đẹp rực rỡ sắc màu.

Mùa vàng tại vùng cao Y Tý - Nguồn ảnh: disantrangan.vn

Với những ai chưa biết thì hiện nay, Y Tý là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc người Hà Nhì, Mông, Dao và Giáy, nhưng đông nhất vẫn là cộng đồng người Hà Nhì Đen, chiếm tới 70% dân số toàn xã. Vậy nên, nơi đây có rất nhiều bản sắc văn hóa đáng chú ý, đặc biệt là những phong tục, tập quán lâu đời tại địa phương. 

Đồng bào dân tộc người Hà Nhì Đen chiếm tới 70% dân số toàn xã Y Tý - Nguồn ảnh: nhandan.vn

Trong quan niệm xây nhà của người Hà Nhì, để thích nghi với khí hậu và địa hình khắc nghiệt nên họ chọn làm nhà bằng đất sét, mái lợp cỏ gianh, thân nhà thường cao từ 4 - 5m, được gọi là nhà Trình tường. Những ngôi nhà sừng sững với thời gian, trải qua bao sương gió, tạo nên một nét độc đáo rất riêng trong văn hóa kiến trúc nhà của người Hà Nhì.

Những ngôi nhà trình tường trên vùng cao Y Tý - Nguồn ảnh: dangcongsan.vn

Nhìn thấy được những tiềm năng du lịch đắt giá của xã Y Tý, UBND huyện Bát Xát đã thực hiện nhiều chính sách cải cách, đưa nhà Trình tường vào làm một trong những điểm tham quan, trải nghiệm đáng chú ý cho du khách. Ngoài ra, để có thể kết hợp phát triển du lịch cộng đồng với việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, trong thời gian vừa qua, huyện Bát Xát đã tiến hành đẩy mạnh công tác giáo dục và tuyên truyền, giúp người dân và các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh nâng cao nhận thức về việc bảo tồn, phát triển văn hóa địa phương.

Nếu như trước đây, vì tuyến đường giao thông chưa thuận lợi nên phần lớn du khách đều lựa chọn Sa Pa làm điểm đến thì hiện tại, Y Tý đã được quy hoạch làm khu đô thị du lịch và được nhiều người biết đến hơn. Ngành du lịch phát triển, kéo theo đó là giao thông, nông nghiệp, dịch vụ, văn hóa, cũng được đẩy mạnh và nâng cao, giúp người dân địa phương có thêm nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cá nhân. Khi kinh tế ổn định thì cũng là lúc văn hóa giáo dục được chú trọng cải thiện, giúp các dân tộc thiểu số trong vùng nâng cao nhận thức, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, góp phần vào công cuộc ổn định và giữ gìn an sinh xã hội của tỉnh và nhà nước.

Các dự án đường xá, giao thông từ tuyến đường Bản Vược - Bản Xèo - Mường Hum - Dền Sáng - Y Tý - A Lù - A Mú Sung cũng đang được chú trọng thực hiện, dự kiến hoàn thành vào năm 2023; tuyến đường từ Trịnh Tường - Y Tý cũng được dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn thành trong năm 2024. Một khi hoàn thành, việc đi lại từ trung tâm thành phố Lào Cai đến xã Y Tý cũng trở nên thuận lợi hơn nhiều. Điều này sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới kinh tế, giúp ngành du lịch phát triển thuận lợi và khả quan hơn trong tương lai.

Cung đường lên Y Tý - Nguồn ảnh: Sưu tầm

Vào tháng 7/2020, toàn bộ xã Y Tý đã nhận được công bố quy hoạch từ UBND tỉnh Lào Cai trở thành khu đô thị du lịch, với mục tiêu phấn đấu phát triển, tạo dựng nên một vùng đất du lịch độc đáo nơi biên cương được nhiều du khách gần xa, ở cả trong và ngoài nước đều biết đến. Định hướng đến năm 2040, khu đô thị Y Tý nằm trong tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa; thuộc chương trình nâng cấp đô thị theo đề án "Phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030". Trước xu hướng phát triển vượt trội như vậy, để có thể đáp ứng và theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của thành phố Lào Cai, Y Tý đang được định hướng để trở thành trung tâm hành chính mới của huyện Bát Xát trong giai đoạn tới./.