26/04/2024 lúc 11:21 (GMT+7)
Breaking News

GS.TS.NGƯT Nguyễn Năng Định: Dấu ấn một hành trình

VNHN - Chào xuân mới 2020, tôi có dịp thực hiện một bút ký chân dung ý nghĩa về Ông - một Nhà giáo, Nhà khoa học tâm huyết, nhiệt thành luôn hết lòng với sự nghiệp giáo dục và đào tạo vinh quang. Xuyên suốt chặng đường cống hiến đã qua, GS.TS.NGƯT. Nguyễn Năng Định - nguyên Chủ nhiệm khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano, trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội bằng tâm sức, lòng nhiệt thành của mình đã có những đóng góp đầy trân trọng trên chặng đường giảng dạy, NCKH  và xây dựng, phát triển đất nước

VNHN - Chào xuân mới 2020, tôi có dịp thực hiện một bút ký chân dung ý nghĩa về Ông - một Nhà giáo, Nhà khoa học tâm huyết, nhiệt thành luôn hết lòng với sự nghiệp giáo dục và đào tạo vinh quang. Xuyên suốt chặng đường cống hiến đã qua, GS.TS.NGƯT. Nguyễn Năng Định - nguyên Chủ nhiệm khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano, trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội bằng tâm sức, lòng nhiệt thành của mình đã có những đóng góp đầy trân trọng trên chặng đường giảng dạy, NCKH  và xây dựng, phát triển đất nước.

GS.TS.NGƯT. Nguyễn Năng Định

GS.TS.NGƯT Nguyễn Năng Định sinh ra và lớn lên  từ miền quê quan họ Kinh Bắc giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng và lịch sử yêu nước – quê hương của vị vua Lý Thái Tổ anh minh. Với thành tích học tập xuất sắc ở  trường phổ thông cấp ba Tiên Du (Bắc Ninh) lúc bấy giờ, chàng thanh niên trẻ được cử đi học tại Liên Xô. Rời quê hương, Nguyễn Năng Định đến với ĐH Tổng hợp Azecbaidzan, Bacu. Miệt mài học tập, năm 1974, ông đã tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại xuất sắc ngành Vật lý và trở về nước công tác tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Bốn năm sau ông được cử sang Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô để làm luận án Tiến sĩ. Chỉ chưa đầy 3 năm, năm 1981, ông đã hoàn thành luận án Tiến sĩ với kết quả bảo vệ xuất sắc nhất trong những nghiên cứu sinh đến từ một số nước ngoài Liên Xô.

Năm 2003, ông vinh dự được GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu mời sang  làm việc tại Khoa Công nghệ (nay là Trường ĐH Công nghệ). Với 35 năm kể từ ngày ông bắt đầu sự nghiệp khoa học và đào tạo, nhiều công trình, bài báo, đề tài, báo cáo khoa học, giáo trình đại học, sách chuyên khảo tiếng Việt và tiếng Anh lần lượt ra đời, nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học, đặc biệt là có 10 NCS lần lượt tốt nghiệp, ra trường bằng những tâm huyết, cống hiến sâu đậm từ ông. GS.TS Nguyễn Năng Định cũng là thành viên của nhiều HĐQG, và đặc biệt ông còn được mời làm Ủy viên HĐQG Pháp chấm luận án Tiến sĩ. Ông cũng là người thầy của nhiều học trò của các trường ĐH Công nghệ Chalmers (Gorthenburg, Thuỵ Điển), ĐH Moncton (New Brunswick, Canada) v.v..  Điểm tựa cho những thành công của ông trong sự nghiệp là gia đình với người vợ chu toàn, người mẹ hiền thảo của các con ông. Cũng vì tình yêu lớn lao đối với ông, người vợ của ông đã hết lòng tận tụy, chăm lo cho ông và hai con để luôn có được những bữa cơm ngon canh ngọt trong thời kỳ gian khó.

Nhắc đến GS.TS Nguyễn Năng Định còn là nhắc đến hình ảnh của một nhà giáo tận tụy, trách nhiệm, nhiệt thành và luôn hết lòng với các thế hệ sinh viên, học viên và NCS. Những bài giảng của ông không chỉ có từ sách vở giáo trình mà chính từ cuộc đời ông, từ văn hoá cội nguồn Kinh Bắc ở trong ông với học trò, bạn bè, đồng nghiệp, với cả cộng đồng: chân thành, thân thiện và tận tâm.

Hệ HQYS - một trong những sản phẩm tiêu biểu của nhóm nghiên cứu

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến thành quả, dấu ấn đậm sâu của GS.TS Nguyễn Năng Định trong kết quả nghiên cứu xuất sắc của Nhóm nghiên cứu “Vật lý và công nghệ tổ hợp nano hữu cơ ứng dụng trong y-sinh và môi trường” mà ông đã dày công gây dựng. Đây là một trong bốn nhóm đầu tiên được ĐHQGHN công nhận là “Nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN, năm 2014”. Nhóm đã có ba sản phẩm công nghệ và trên 20 công trình tiêu biểu thuộc tạp chí ISI. Ngay từ năm 1982, tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Năng Định đã tập hợp các nghiên cứu viên để hình thành một nhóm nghiên cứu ở Viện Khoa học  Vật  liệu (KHVL). Đến năm 2003, khi được về trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN làm việc, Giáo sư đã xác định xây dựng khoa có nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học và công nghệ nano.

Sản phẩm khoa học trực tiếp của nhóm nghiên cứu là các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí ISI (hàng năm có từ 2 đến 3 công trình ), các sản phẩm chế thử ở trình độ cao, các sản phẩm mới, hay chuyển giao tri thức và công nghệ, góp phần vào sự phát triển của ĐHQGHN, cũng như tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa  đất nước ta. Sản phẩm thứ hai của nhóm là sự thành công trong hợp tác quốc tế. Trong vòng nhiều năm trở lại đây, nhóm đã thiết lập được quan hệ hợp tác chặt chẽ với các thành viên như ĐH Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), Viện KH & CN Tiên tiến Nhật Bản (JAIST), ĐH Concordia (Canada), v.v.…Là Nhóm nghiên cứu mạnh thì ngoài các công trình khoa học cơ bản, việc làm ra những sản phẩm ứng dụng thực tiễn luôn được nhóm chú trọng và tâm đắc. Với sự kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học y - sinh đến từ Viện Sinh học, Viện HLKHCNVN, Phòng thí nghiêm thuộc Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng, nhóm đã thực hiện thành công ý tưởng đưa hiệu ứng huỳnh quang tăng cường của các hạt nano bán dẫn vào phát hiện nhanh khuẩn gây ô nhiễm thực phẩm.

Từ đó hình thành một sản phẩm là thiết bị quang y sinh gọn nhẹ phát hiện  khuẩn gây bệnh đường ruột. Trên thực tế các loại khuẩn đều có thể phát hiện chính xác tại các phòng thí nghiệm hiện đại với thiết bị tiên tiến, có độ phân giải cao.Tuy nhiên, các mẫu mầm bệnh phải đem về các Viện chuyên ngành tại Hà Nội hay các thành phố lớn khác. Với mục tiêu phát hiện khuẩn trực tiếp ở vùng sâu vùng xa, Nhóm nghiên cứu muốn tạo ra sản phẩm có tính năng như  như một phòng thí nghiệm nhỏ có thể mang theo, kiểu "Lab-on-a-chip". Đây là sản phẩm mang tính đa ngành, từ vật lí phát quang đến công nghê nano, y sinh và môi trường…

Kết hợp với Viện KHVL, Viện HLKHCNVN, Nhóm cũng đã chế tạo thành công các loại đèn chiếu sáng rắn (solid-state lighting), không những tiết kiệm điện năng mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đèn chiếu sáng này ước tính tiêu thụ điện năng chỉ bằng 10% so với các loại đèn hiện nay.Nhóm cũng đã tập trung nghiên cứu và dự kiến cho ra các sản phẩm như hệ HQYS hoạt động “in-situ” nhằm phát hiện nhanh một số loại khuẩn; pin mặt trời chấm lượng tử (QSC) và hữu cơ (OSC) ; cảm biến/sensor phát hiện và xác định nồng độ khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Với những cống hiến đáng trân trọng xuyên suốt chặng đường sự nghiệp thầm lặng mà cao quý đã qua, GS.TS Nguyễn Năng Định đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, Ban ngành trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý  và ý nghĩa sâu sắc.