26/04/2024 lúc 23:49 (GMT+7)
Breaking News

GS.TS Phạm Gia Khánh: Ghép tạng ở Việt Nam sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới

VNHNO - Theo Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, sau 26 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên, đến nay, lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam đã theo kịp với thế giới. Đây là một cố gắng phi thường và niềm tự hào của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam. Kết quả ghép tạng đã mang lại cuộc sống cho hàng nghìn bệnh nhân và thắp sáng hy vọng cho hàng vạn người đang bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối.

VNHNO - Theo Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, sau 26 năm kể từ ca ghép tạng đầu tiên, đến nay, lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam đã theo kịp với thế giới. Đây là một cố gắng phi thường và niềm tự hào của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam. Kết quả ghép tạng đã mang lại cuộc sống cho hàng nghìn bệnh nhân và thắp sáng hy vọng cho hàng vạn người đang bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối.

Ghép tạng cũng đã thúc đẩy nền y học trong nước phát triển vượt bậc. Song, theo GS. TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, trên con đường ghép tạng còn nhiều cản trở, chúng ta cần mạnh dạn và nhanh chóng tháo gỡ các rào cản để đưa ghép tạng Việt Nam đi lên.

Phóng viên (PV): 26 năm qua, kể từ ca ghép tạng đầu tiên, đến nay ngành y học Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu vượt trội trong lĩnh vực này. So với các nền y học tiên tiến, trình độ ghép tạng của Việt Nam đang ở vị trí nào, thưa giáo sư?

GS. TS Phạm Gia Khánh: Sau 26 năm ghép tạng, đến nay ghép tạng Việt Nam đã theo kịp được ghép tạng thế giới. Chúng ta đã ghép được các tạng thường gặp trong lâm sàng như ghép thận, gan, tim, tụy và phổi. Chúng ta cũng thực hiện được nhiều kỹ thuật ghép tạng khác mà các nước đang thực hiện như lấy tạng từ người cho sống, người cho chết não, chết tim ngừng đập, ghép đa tạng, lấy thận bằng phẫu thuật nội soi, ghép trao đổi cặp ở người cho sống…

Ghép tạng là 1 trong 10 thành tựu lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Đã có 6 công trình được giải thưởng Nobel liên quan đến ghép tạng. Điều đó chứng tỏ ghép tạng là một kỹ thuật công nghệ cao, chỉ thực hiện được ở những nước có nền y học tiên tiến. Điều này cắt nghĩa tại sao ghép tạng trong nước lại đi sau thế giới gần nửa thế kỷ.

Ghép tạng ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1992, ở thời điểm mà đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, lại trong tình trạng cấm vận, kinh tế vô cùng khó khăn. Thế nhưng, chúng ta đã đi sớm nhiều năm so với điều kiện ghép tạng ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ sự cố gắng phi thường của các thầy thuốc Việt Nam. Nhờ đó đã rút ngắn thời gian tụt hậu so với thế giới và các nước trong khu vực. Đây cũng là niềm tự hào và là truyền thống tốt đẹp của ghép tạng Việt Nam.

GS. TS Phạm Gia Khánh

Ghép tạng ngày nay không chỉ phát triển trong lĩnh vực khoa học y học mà đã vượt ra ngoài liên quan đến xã hội học và đạo đức trong y học. Ghép tạng ở Việt Nam đã đạt 10 thành tựu cơ bản, gồm: Đã ghép được các tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng; đã làm chủ được các kỹ thuật ghép các tạng; lấy đa tạng ghép cho nhiều bệnh nhân (Bệnh viện Việt Đức đã nhiều lần lấy 4 tạng ghép cho 4 bệnh nhân trong cùng một thời điểm. Việc một lúc triển khai nhiều ca ghép ở một bệnh viện chứng tỏ tính chuyên nghiệp và trình độ ghép tạng của chúng ta đạt đỉnh cao); ghép đa tạng; ghép tạng đã trở thành thường quy, thể hiện số lượng ca ghép tăng nhanh hằng năm; phát triển nhanh các trung tâm ghép; giải quyết tốt nguồn hiến tạng; sự phát triển của các trung tâm điều phối; thành lập Hội Vận động hiến mô và bộ phận cơ thể người; thành lập Hội Ghép tạng Việt Nam.

PV: Dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn về vấn đề người hiến tạng. Theo giáo sư, chúng ta cần làm gì để giải quyết khó khăn này?

GS. TS Phạm Gia Khánh: Cũng như các nước trên thế giới, cản trở lớn nhất của ghép tạng ở Việt Nam hiện nay là thiếu người hiến tạng. Thậm chí, chúng ta còn khó hơn nhiều lần vì sự hiểu biết về ghép tạng của người dân đi sau các nước tiên tiến nhiều năm. Điều này do ảnh hưởng lớn của tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng.

Để giải quyết vấn đề này cần phải làm tốt công tác truyền thông một cách thường xuyên, liên tục cho toàn xã hội, đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ. Đây là việc làm lâu dài, không phải một vài năm mà là vài thế hệ. Còn trước mắt, cần khai thác triệt để các nguồn hiến tạng như: Ngoài lấy tạng từ người cho chết não và người cho sống thì nên mở rộng chỉ định lấy tạng từ người cho chết tim ngừng đập; đối với người cho chết não cố gắng lấy triệt để các tạng để ghép (nếu làm tốt điều này, một người chết não hiến tạng có thể cứu sống 8 bệnh nhân.

Trong thời gian qua, mặc dù chúng ta rất cố gắng nhưng mới chỉ thực hiện được lấy 4 tạng từ một người cho chết não); đối với người hiến tạng sống không phù hợp về miễn dịch nên mở rộng ghép đổi cặp; mở rộng các chỉ định ghép không phù hợp HLA và nhóm máu. Biện pháp cuối cùng rất quan trọng và hiệu quả là cần có chế độ, chính sách phù hợp và thỏa đáng, khuyến khích người hiến tạng. Trong đó, quan trọng là hợp thức hóa chế độ hỗ trợ tài chính cho người hiến tạng.

Trong những năm gần đây, vấn đề buôn bán tạng được tranh luận rất nhiều, qua đó bắt đầu có những thay đổi mới về tư duy mua bán tạng. Ví dụ, năm 2013, Australia và Singapore đã hợp thức hóa bồi thường tài chính cho người hiến tạng sống. Năm 2014, Robert D.Truog ở Trung tâm đạo đức sinh học, Khoa y xã hội và sức khỏe toàn cầu của Trường Đại học Y Harvard đã viết bức thư ngỏ đến Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ khác ủng hộ dự án nghiên cứu các hình thức bồi thường cho người hiến thận sống. Nhiều chuyên gia về sức khỏe, ghép tạng, các nhà đạo đức học, luật sư, lãnh đạo các tôn giáo, các viện sĩ và những người ủng hộ khác đã ký vào bức thư.

Họ đưa ra những lý lẽ ủng hộ cho vấn đề này: Những rủi do trong hiến thận rất thấp; người hiến thận cũng sống lâu như người sống hai thận; tổ chức chợ thận hợp pháp thì cả người cho và nhận thận được an toàn hơn ở “chợ đen”. Thận nhận được từ người cho sống thì sống lâu hơn thận nhận từ người chết. Ở “chợ đen”, người hiến thận không được chăm sóc đầy đủ sau phẫu thuật. Nhiều tổ chức và cá nhân đã ủng hộ hợp pháp hóa việc buôn bán tạng.

Theo một thăm dò 72 nhà kinh tế nghiên cứu về bán tạng thì 68% ủng hộ hợp pháp hóa bán tạng. 70% các thành viên Hội Kinh tế Hoa Kỳ cũng cho rằng, cần phải hợp pháp hóa việc bán tạng. Ở Việt Nam, ngoài các trường hợp hiến tạng có quan hệ huyết thống thì phần lớn các trường hợp hiến tạng từ người cho sống và người cho chết não đều mang tính thương mại với các hình thức khác nhau. Sự mất cân bằng cung-cầu trong ghép tạng và việc cấm bán tạng cả hai hình thức hợp pháp và không hợp pháp khiến sự hình thành các “chợ đen” bán tạng là điều không tránh khỏi.

Đồng thời, làm tăng sự khan hiếm tạng, làm danh sách chờ ghép tạng dài ra và số người chết chờ ghép tạng tăng lên. Để giải quyết hai vấn đề thương mại hóa hiến tạng và sự khan hiếm tạng thì phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Đó chính là nhu cầu bồi thường vật chất và tinh thần của người hiến tạng. Nhu cầu này hoàn toàn chính đáng. Vì vậy, chúng ta nên có chế độ hỗ trợ tài chính cho người hiến tạng. Một việc làm đạt hai mục đích: Chống “chợ đen” buôn bán tạng và phần nào giải quyết tình trạng khan hiếm tạng. Vấn đề là làm như thế nào để không mang tính chất thương mại. Để làm việc này thì cần tránh tình trạng bồi thường trực tiếp giữa người nhận và người cho hoặc qua người trung gian. Thực hiện việc này phải là một cơ quan của Nhà nước như bảo hiểm y tế hoặc Trung tâm điều phối Quốc gia ghép bộ phận cơ thể người.

PV: Ngoài vấn đề người hiến tạng, lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam còn những khó khăn, thuận lợi nào, thưa giáo sư?

GS. TS Phạm Gia Khánh: Để ghép được tạng đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của các chuyên ngành trong y học. Vì vậy cần phải có các trang thiết bị hiện đại và đồng bộ cho các chuyên khoa, như: Sinh hóa, huyết học, vi sinh, hình ảnh… để đánh giá chính xác tình trạng các cơ quan của người cho tạng và người được ghép tạng. Nhờ đó có chỉ định ghép tạng, lấy tạng chính xác và giúp cho việc theo dõi, điều trị sau ghép có kết quả. Ngoài ra, phải có các thiết bị và dụng cụ chuyên biệt phục vụ cho mỗi loại ghép, như máy lọc máu cho ghép thận, máy tuần hoàn ngoài cơ thể, ECMO cho ghép tim, phổi... Rất mừng trong khoảng 5 năm nay các thiết bị và dụng cụ phục vụ cho ghép tạng đã được trang bị đầy đủ tại các trung tâm ghép.

Ngoài vấn đề nguồn tạng để ghép, vấn đề lớn nhất hiện tại là kinh phí. Mặc dù chi phí cho ghép tạng tại Việt Nam ở mức thấp nhất so với các nước trên thế giới (ít hơn khoảng 1/3-1/2 lần) song vẫn còn cao (khoảng 300 triệu đồng cho một ca ghép thận, 1 tỷ đồng cho ghép tim và 1,5 tỷ đồng cho ghép gan), trong khi thu nhập của người dân còn thấp.

PV: Để lĩnh vực ghép tạng tiếp tục phát triển, đưa Việt Nam trở thành một trung tâm ghép tạng của khu vực và thế giới, theo giáo sư, chúng ta cần những gì?

GS. TS Phạm Gia Khánh: Có nhiều lý do để tin rằng ghép tạng ở Việt Nam sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới. Về con người, chúng ta có đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản ở nước ngoài và có nhiều kinh nghiệm thực tế qua các ca ghép trong nước, đã làm chủ được các kỹ thuật cơ bản của ghép tạng. Đặc biệt, nhiều người rất tâm huyết trong lĩnh vực ghép tạng. Các trang thiết bị phục vụ cho ghép tạng khá đầy đủ và đồng bộ. Nền y học Việt Nam có nhiều tiến bộ làm nền tảng cho sự phát triển của ghép tạng. Hạ tầng cơ sở của nhiều bệnh viện đã được nâng cấp đáp ứng được yêu cầu khắt khe của ghép tạng. Đã có luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật liên quan đến ghép tạng. Đời sống kinh tế xã hội của người dân ngày càng nâng cao. Bảo hiểm y tế đã quan tâm đến ghép tạng và chi trả cao hơn…

Để phát triển ghép tạng trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện các kỹ thuật ghép, trong đó quan tâm nhiều về chăm sóc và điều trị sau ghép để kéo dài tuổi thọ của tạng ghép và của bệnh nhân, nâng cao chất lượng cuộc sống sau ghép. Bên cạnh đó, còn một vấn đề là phần lớn những người có nhu cầu ghép tạng lại là người nghèo. Vì vậy, người nghèo không được thừa hưởng những thành tựu của khoa học công nghệ và chúng ta không thực hiện được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là đảm bảo tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Để giải quyết vấn đề này cần tăng kinh phí hỗ trợ của bảo biểm y tế cho ghép tạng và thành lập quỹ hỗ trợ ghép tạng từ các nhà hảo tâm và các nguồn khác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

Theo Qdnd.vn