20/04/2024 lúc 21:36 (GMT+7)
Breaking News

Gia Lai: Hấp dẫn khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng 

Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) đã được thông qua tại phiên họp thứ 33 của Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển UNESCO (ICC-MAB) diễn ra tại Nigeria vào tối 15-9 vừa qua.

Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) đã được thông qua tại phiên họp thứ 33 của Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển UNESCO (ICC-MAB) diễn ra tại Nigeria vào tối 15-9 vừa qua.

Theo đó, trong khuôn khổ cuộc họp của Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển (CIC-MAB) diễn ra từ ngày 13 đến 17-9 tại Nigeria, 22 khu dự trữ của 20 nước và nhóm nước đã được đưa ra xem xét để công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hai khu sinh quyển ở Việt Nam là Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận và Kon Hà Nừng của tỉnh Gia Lai đã được chính thức ghi danh trong dịp này vào tối 15-9, nâng số lượng các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam lên tổng số 11.

Nâng số lượng các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam lên tổng số 11 (Ảnh: Internet).

Trải dài trên một khu vực rộng lớn tại miền Trung Việt Nam, cao nguyên Kon Hà Nừng thuộc vườn quốc gia Kon Ka King. Đây là khu vực có nhiều dân tộc sinh sống, dân tộc Ba Na – người dân địa phương chiếm trên 68%, họ sinh sống tại các làng bản cuộc sống gắn liền với rừng. Ngoài ra, ở đây còn có các dân tộc ít người với 09 dân tộc khác. Chủ yếu là dân tộc phía Bắc di cư đến đây. Những dân tộc này chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với tổng dân số toàn vùng.

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích gần 413.512 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của 5 huyện (Đak Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đak Pơ), thị xã An Khê. 

Hệ động - thực vật đa dạng, phong phú là điểm nhấn đặc biệt của Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (Ảnh: Tư liệu).

Toàn khu được khoanh vùng thành ba khu chức năng gồm hai vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Khu vực này có những đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên, sự phong phú của hệ sinh thái rừng kín nhiệt đới, tính đa dạng sinh học cao với nhiều  đặc hữu mới được phát hiện gần đây. Trong đó, loài chà vá chân xám là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Đây là loài linh trưởng nằm trong 25 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai) là nơi có quần thể chà vá chân xám lớn nhất Việt Nam với khoảng 400 cá thể.

Hệ thống rừng thường xanh ở khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng gần như còn nguyên vẹn (Ảnh: Tư liệu).

Vùng lõi có diện tích 57.589 ha gồm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; vùng đệm có diện tích 152.009 ha và vùng chuyển tiếp có diện tích 206.211 ha. Trong đó, các loài động, thực vật ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh rất đa dạng, phong phú với khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao; 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú; 326 loài chim; 77 loài bò sát cùng nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là vùng rừng nhiệt đới xanh núi thấp, đặc biệt là nằm ở một phần diện tích có cư dân bản địa sinh sống. 

Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng có đóng góp rất quan trọng trong bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, các loài và nguồn gen di truyền của Gia Lai thông qua nhiều chương trình bảo tồn nguyên vị đa dạng sinh học ở hai vùng lõi (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng). Đồng thời, hành lang liên kết giữa hai vùng lõi sẽ mở rộng phạm vi bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên và các giá trị đa dạng sinh học chứa đựng bên trong.

Hệ thống ghềnh thác trong Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng đa dạng, phong phú, mang vẻ đẹp hùng vĩ song cũng rất nên thơ (Ảnh Tư liệu).

Ở quy mô vùng, Khu dự trữ sinh quyển sẽ tạo nên hành lang đa dạng sinh học duy trì sự toàn vẹn và tổng thể các hệ sinh thái nhiệt đới còn lại của vùng Tây Nguyên nói riêng và của quốc gia nói chung. Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của không chỉ khu vực Tây Nguyên mà cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ của Việt Nam.

Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thể hiện rõ nét những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như thể hiện cam kết của Việt Nam. Là điều kiện quan trọng giúp tỉnh Gia Lai bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái ở khu vực này, đồng thời mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế thân thiện với môi trường song hành với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bản địa.