27/04/2024 lúc 02:59 (GMT+7)
Breaking News

Chuyện đời người khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt”

VNHN - Về Đình Bảng (thị xã Từ Sơn), hỏi thầy Thìn thì không ai không biết. Dáng người nhỏ nhắn, đôi bàn tay khòng khèo nhưng nụ cười luôn rạng rỡ. Đó là những cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn.

VNHN - Về Đình Bảng (thị xã Từ Sơn), hỏi thầy Thìn thì không ai không biết. Dáng người nhỏ nhắn, đôi bàn tay khòng khèo nhưng nụ cười luôn rạng rỡ. Đó là những cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn.

AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn không ngừng giáo dục truyền thống lịch sử quê hương, nhân lên ý nghĩa phong trào Nghìn việc tốt cho thế hệ trẻ.

Người thiếu niên du kích với quyết tâm chiến thắng bệnh tật

Sinh năm 1940 trên mảnh đất văn hiến, cách mạng giàu truyền thống, tuổi thơ thầy sống trong cảnh loạn lạc, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Học tập, làm theo lời dạy của Bác “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, 11 tuổi, thầy tham gia Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, cùng người dân bí mật hoạt động trong lòng địch. Nhớ lại ngày được kết nạp vào Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, thầy Thìn tâm sự: “Ngày đó không có quốc kỳ, không hát quốc ca, tôi được anh Tám, anh Hoàn là Đội trưởng, Đội phó tuyên bố trở thành đội viên với nhiệm vụ theo dõi tình hình địch. Để hoàn thành nhiệm vụ, tôi chơi những bản nhạc dân ca Pháp, làm ống kính vạn hoa quay mỗi khi địch đến, vừa đánh lạc hướng địch mà vẫn thoải mái thu thập tin tức, nắm bắt nhiều thông tin quan trọng báo cáo cho tổ chức”.

Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, giặc Pháp phải rút về nước. Thấm nhuần tư tưởng của Bác “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Nguyễn Đức Thìn tiếp tục đi học tại trường Trung học Hàn Thuyên. Sau đó, thầy dạy lớp bình dân học vụ rồi là giáo viên, phụ trách công tác Đội tại trường Tiểu học Đình Bảng, trường THCS Tam Sơn (Từ Sơn).

5 năm đứng trên bục giảng, mùa xuân năm 1963, thầy xây dựng thành công phép tính số học cho đời người: “Làm nghìn việc tốt, trừ việc xấu, cộng - nhân yêu thương, chia niềm thông cảm”, để mỗi người thêm gắn bó và cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Cuối năm 1978, thầy mắc bệnh phong, căn bệnh đã làm dang dở giấc mơ “trồng người” của thầy. Thầy tâm sự: “Hồi ấy, căn bệnh nguy hiểm này còn được gọi là bệnh hủi, bệnh cùi, nhiều người chỉ cần nghe thấy đã hoảng sợ, tránh xa, thậm chí có bệnh nhân còn bị ngược đãi, vứt trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng…”.

Đau đớn, buồn chán, nhưng bản lĩnh của người thiếu niên du kích Đình Bảng cùng nghị lực của một thầy giáo đã cho Nguyễn Đức Thìn sức mạnh để không buông xuôi cuộc đời. Thầy quyết định khăn gói vào điều trị tại Khu điều trị phong - da liễu Trung ương (Quỳnh Lập - Nghệ An). Đau lòng khi biết hơn 150 em nhỏ ở đây thất học, thầy đứng lên vận động thuyết phục bà con mở trường bên bờ biển. Ngày 5-9-1979, cùng với học sinh cả nước khai giảng năm học mới, trẻ em làng Phong cũng nô nức tới trường mang tên người anh hùng nhỏ tuổi Lê Văn Tám. Thầy Thìn vừa điều trị bệnh vừa làm Hiệu trưởng kiêm Tổng phụ trách Đội của trường, Trưởng Ban Văn hóa “Làng Quỳnh yêu thương”. Sau 1.461 ngày điều trị với bản lĩnh và ý chí thép, thầy Thìn đã chiến thắng bệnh tật, trở về quê hương, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Người khởi xướng nhiều phong trào

Chiến thắng bệnh tật, tuy di chứng vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều nhưng với lạc quan cách mạng của người du kích Đình Bảng thầy Thìn tiếp tục cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, là người khởi xướng nhiều phong trào có sức lan tỏa, trong đó nổi bật là phong trào “Nghìn việc tốt”. Với vai trò là thủ lĩnh của Liên đội trường cấp II Liên Sơn (nay là trường THCS Tam Sơn), thầy Thìn thường tổ chức các hoạt động tập thể. Tháng 3-1963, thầy và các em học sinh trong trường cùng dọn vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh hai bên đường vào nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự. Từ đó, thầy nảy sinh ý tưởng phát động phong trào “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy”, ngay sau đó, phong trào được phát triển, nhân rộng trên cả nước, thực sự trở thành hoạt động Đoàn-Đội sôi nổi, bổ ích trong nhà trường, không chỉ đối với các thế hệ học sinh mà ngay cả đối với các thầy cô giáo.

Năm 1991, thầy nghỉ hưu, trở về công tác tại đền Đô với vai trò là Trưởng Ban tuyên truyền, thành viên Ban Quản lý di tích. Đến nay, mỗi dịp trở về đền Đô, mọi người không khỏi xúc động khi thấy hình ảnh thầy giáo già với thân hình nhỏ bé với chiếc áo trắng, mũ lưỡi trai giản dị, chiếc máy ảnh cũ kĩ vẫn hằng ngày ghi lại lịch sử ngôi đền và làm công tác thuyết minh, đồng thời truyền dạy kỹ năng tuyên truyền cho hàng chục hướng dẫn viên du lịch. Ngoài ra, thầy sáng tác thơ văn, tự đánh máy hàng nghìn trang bản thảo, xuất bản 15 đầu sách, trong đó có 8 tập thơ và đặc biệt, cuốn tự truyện “Chuyện cuộc đời” dày gần 500 trang, viết tập thơ “Bình minh đến sớm”, tuyển tập “Nghìn việc tốt - Chuyện kể ở Tam Sơn”, Thầy còn là nhà sử học với cái tên Lý Hiếu Nghĩa, lặng thầm đi sâu tìm hiểu vương triều Lý, sưu tầm các hiện vật, tư liệu phục vụ cho việc quản lý, bảo tồn di tích Đền Đô, miệt mài chép sử làng gần 20 năm ròng để cho ra đời ấn phẩm “Di tích lịch sử văn hóa đền Đô” dày hơn 300 trang…

Với lòng nhiệt tình và vốn kiến thức sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực, thầy được mời đi nói chuyện, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng nhân cách, truyền ngọn lửa tin yêu cuộc sống trong các thế hệ. Thầy đã có hơn 30 sáng kiến, đề tài khoa học các cấp, trong đó, có 4 đề tài được tặng Bằng khen và Huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng Công đoàn Việt Nam nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, là một trong những điển hình tiên tiến được vinh danh trong Chương trình Giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 với tên gọi “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng”.

Thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đã trở thành một điển hình mẫu mực, vinh dự được Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu AHLĐ, NGND, Danh hiệu nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh năm 1990-2013; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Lao động  hạng Nhất; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và của tỉnh; được tặng các kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, Sự nghiệp giáo dục, Vì thế hệ trẻ, Bảo tồn văn hóa, văn học nghệ thuật...; được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huy hiệu của tổ chức thanh thiếu niên quốc tế.