26/04/2024 lúc 14:14 (GMT+7)
Breaking News

‘Chìa khóa’ thành công của Việt Nam

Phương pháp truy vết và xét nghiệm của Việt Nam, kết hợp với các chiến dịch truyền thông công khai, minh bạch là chìa khóa cho thành công chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam. Đặt sức khỏe của người dân vào trung tâm của việc ứng phó với COVID-19 cũng là cách tiếp cận đúng đắn và mang lại lợi ích kinh tế rất cụ thể.

Phương pháp truy vết và xét nghiệm của Việt Nam, kết hợp với các chiến dịch truyền thông công khai, minh bạch là chìa khóa cho thành công chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam. Đặt sức khỏe của người dân vào trung tâm của việc ứng phó với COVID-19 cũng là cách tiếp cận đúng đắn và mang lại lợi ích kinh tế rất cụ thể.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam trao đổi với Báo chí về những nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ Việt Nam và bày tỏ sự an tâm khi sống và làm việc tại Việt Nam vào thời điểm này.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam: Phương pháp truy vết và xét nghiệm của Việt Nam, kết hợp với các chiến dịch truyền thông công khai, minh bạch là chìa khóa cho thành công chống dịch.

Dịch bệnh COVID-19 có ảnh hưởng như thế nào đến công việc của UNDP tại Việt Nam, thưa bà?

Bà Caitlin Wiesen: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động của UNDP theo hai mặt chính.

Thứ nhất, và quan trọng nhất, đại dịch đặt ra thách thức trực tiếp đối với sứ mệnh của UNDP là đẩy nhanh việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Như các đánh giá của UNDP đã chỉ ra, tác động kinh tế xã hội của đại dịch đã và đang ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội, nhất là đối với các hộ nghèo và cận nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nhập cư và phi chính thức.

Tại Việt Nam, cũng như hơn 170 quốc gia trên thế giới, UNDP đã nhanh chóng tiến hành các hoạt động ứng phó với COVID-19 bằng cách khôi phục và cải thiện trong các lĩnh vực bảo trợ xã hội, kinh tế xanh, quản trị dự báo và chuyển đổi kỹ thuật số ngày càng tốt hơn, nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau do hậu quả của đại dịch.

Thứ hai, UNDP đã phải áp dụng những phương thức làm việc mới để thực hiện sứ mệnh của chúng tôi tại Việt Nam. Vào đầu năm 2020, sau khi các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam, chúng tôi đã cập nhật kế hoạch duy trì hoạt động liên tục và áp dụng các công cụ kỹ thuật số mới để làm việc từ xa. Do vậy, chúng tôi đã có thể tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phục hồi và ứng phó với COVID-19, cũng như tiếp tục thực hiện các chương trình dài hạn quan trọng trong suốt bốn đợt bùng phát dịch.

Xin bà đánh giá về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch, phương pháp chống dịch của Việt Nam có điểm gì đặc biệt mang lại hiệu quả tốt?

Bà Caitlin Wiesen: Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới làm nên câu chuyện thành công trong việc ứng phó với đại dịch. Phương pháp truy vết và xét nghiệm của Việt Nam, kết hợp với các chiến dịch truyền thông công khai, minh bạch là chìa khóa cho thành công này. Đây là biện pháp tức thời quan trọng nhất để giải quyết đợt dịch hiện nay.

Đặt sức khỏe của người dân vào trung tâm của việc ứng phó với COVID-19 là cách tiếp cận đúng đắn và cũng đã đang mang lại lợi ích kinh tế hữu hình. Việt Nam là quốc gia ASEAN duy nhất và là một trong số rất ít quốc gia trên toàn thế giới đạt được tăng trưởng kinh tế vào năm 2020. Nghiên cứu của UNDP về “Ý kiến và kinh nghiệm của người dân về hành động ứng phó đại dịch COVID-19 của Chính phủ ở Việt Nam” khẳng định sự ủng hộ rộng rãi của người dân tại Việt Nam đối với ứng phó COVID-19 của Chính phủ.

Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực ứng phó của khu vực trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của mình, đã thúc đẩy thành lập Quỹ Ứng phó với COVID-19 và đề xuất thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó Tình huống y tế khẩn cấp và Bệnh dịch mới nổi (ACPHEED). Và Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho các nước láng giềng như Campuchia và CHDCND Lào.

Về lâu dài, vaccine rất quan trọng. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam đã nhanh chóng tiến hành tiêm vaccine cho nhân viên tuyến đầu, nhân viên y tế và các nhóm ưu tiên khác. Thách thức quan trọng hiện nay là tiếp cận đủ vaccine để bảo vệ toàn xã hội, mở đường cho sự phục hồi kinh tế hoàn toàn và mở cửa trở lại đất nước. Tôi đánh giá rất cao việc Việt Nam thành lập Quỹ vaccine và việc Quốc hội đã duyệt chi gần 500 triệu USD để mua vaccine từ nhiều nguồn. Việt Nam cũng đã đệ trình đề xuất lên WHO để được chấp thuận trở thành một trung tâm sản xuất vaccine tiềm năng đầu tiên cho Việt Nam và sau đó có thể cho khu vực.

Những nỗ lực chống dịch của Chính phủ Việt Nam sẽ tạo sự an tâm như thế nào cho những người bạn nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam?

Bà Caitlin Wiesen: Tôi cho rằng, sự lãnh đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ và sự tận tâm, nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ tuyến đầu, cán bộ y tế và những người khác tham gia ứng phó COVID-19 tại Việt Nam đã tạo niềm tin cho người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Thông tin rõ ràng và thường xuyên về tình hình dịch bệnh và các hoạt động phòng chống và kiểm soát dịch đóng vai trò thiết yếu giúp chúng tôi an tâm.

Khi Việt Nam bước sang giai đoạn tiếp theo ứng phó với đại dịch, điều quan trọng không kém là tiếp tục thông tin thường xuyên về việc mua, phân phối và sản xuất vaccine để góp phần bảo vệ tất cả người dân trong nước và cho phép giảm bớt các hạn chế đối với việc đi lại quốc tế càng sớm càng tốt.

UNDP sẽ hỗ trợ và đồng hành với Chính phủ Việt Nam như thế nào trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19?

Bà Caitlin Wiesen: UNDP đã hỗ trợ ngành y tế Việt Nam ứng phó với đại dịch kể từ khi đại dịch bùng phát thông qua việc cung cấp các vật tư và thiết bị thiết yếu bao gồm PPE, máy PCR, bộ xét nghiệm và robot tại các bệnh viện trọng điểm để giảm nguy cơ lây nhiễm. UNDP đã hỗ trợ Bộ Y tế về truyền thông cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các giải pháp kỹ thuật số để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và giảm nguy cơ lây truyền bệnh tật. UNDP đã đóng góp sáng kiến thông qua các tiêu chuẩn mới và đảm bảo chất lượng cho việc sản xuất PPE thiết yếu trong nước.

Trong thời gian xảy ra đại dịch, với tài trợ kinh phí từ Chính phủ Nhật Bản và các nguồn tài trợ khác, UNDP đã hỗ trợ hơn 60.000 người được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu và bắt đầu khôi phục sinh kế. UNDP đã hỗ trợ theo hướng phục hồi xanh và xây dựng lại tốt hơn sau COVID-19 tại Việt Nam. Những hỗ trợ phục hồi của chúng tôi cho người nông dân trồng thanh long ở tỉnh Bình Thuận đã giúp họ tiết kiệm đáng kể chi phí bằng việc sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và nước hiệu quả hơn, đồng thời họ cũng đang phát triển kỹ năng kinh doanh điện tử và kinh doanh trực tuyến của mình.

UNDP đang thực hiện một dự án nhằm cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân thông qua các cổng thông tin điện tử tại cấp tỉnh trong thời kỳ đại dịch. UNDP cũng cùng với Chính phủ và các đối tác khác xác định các lĩnh vực cần chính sách hỗ trợ, để đảm bảo rằng các chính sách này đến được với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như các hợp tác xã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Về dài hạn, UNDP đang phối hợp với Chính phủ để xây dựng khả năng phục hồi và tăng cường năng lực quản lý, theo hướng tiên lượng, thích ứng và linh hoạt để ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.

Xin cám ơn bà!

Nguồn: baochinhphu.vn