26/04/2024 lúc 20:56 (GMT+7)
Breaking News

Cần chính sách phân bổ nguồn lực hiệu quả để duy trì tăng trưởng bền vững

Việt Nam là một trong số ít quốc gia bước đầu kiểm soát được dịch COVID-19, đồng thời nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Tuy nhiên, muốn duy trì ổn định vĩ mô, nhịp độ tăng trưởng cao, các nguồn lực cần được tập trung phân bổ tối ưu theo nguyên tắc thị trường, tiếp tục điều chỉnh thể chế để gỡ bỏ những lực cản cho phát triển.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia bước đầu kiểm soát được dịch COVID-19, đồng thời nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Tuy nhiên, muốn duy trì ổn định vĩ mô, nhịp độ tăng trưởng cao, các nguồn lực cần được tập trung phân bổ tối ưu theo nguyên tắc thị trường, tiếp tục điều chỉnh thể chế để gỡ bỏ những lực cản cho phát triển.

Đây là ý kiến của TS. Trương Văn Phước, thành viên chuyên trách Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ xung quanh những kết quả điều hành và những giải pháp, chính sách cần triển khai thời gian tới trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động.   

TS Trương Văn Phước, thành viên chuyên trách Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Trong năm 2021 và thời gian đầu của giai đoạn 5 năm 2021-2025, Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội đã đề cập đến việc thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ mở rộng phù hợp để kích thích tổng cầu. Xin ông phân tích rõ hơn về giải pháp này trong bối cảnh chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô!  

Ông Trương Văn Phước: Cơn đại dịch COVID-19 mà thế giới đang trải qua đang đặt ra một vấn đề rất sâu sắc, đó là sức khỏe của con người. Dưới góc độ kinh tế, tác động này bộc lộ rõ rệt nhất khi nó làm lung lay cả nền kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Do đó, ở mọi quốc gia, nếu không kiểm soát được dịch bệnh thì kinh tế khó lòng tăng trưởng.

Việt Nam nằm trong số ít quốc gia chế ngự được dịch sớm, đồng thời vận hành nền kinh tế để đạt được mức tăng trưởng dương trong năm 2020 này là một kỳ tích. Nhưng để trở thành một quốc gia phồn thịnh, giàu có vẫn còn là một hành trình rất dài. Trước mắt là năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025, Việt Nam phải duy trì mức tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô ổn định. Nền kinh tế phải chuyển động theo hướng lựa chọn một mô hình tăng trưởng tối ưu, mà ở đó các nguồn lực được tập trung phân bổ theo nguyên tắc thị trường, tận dụng những thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục điều chỉnh thể chế để gỡ bỏ những lực cản cho phát triển.

Tôi cho rằng ba đột phá chiến lược mà Đảng và Nhà nước ta đề ra từ các kỳ Đại hội trước nay vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề là trong giai đoạn sắp tới khi mà thế giới đã có nhiều thay đổi, quy mô của nền kinh tế nước ta cũng đã to lớn hơn nhiều thì cần có những quan điểm, giải pháp đột phá để đất nước tiến lên nhanh hơn.

Nguồn lực tài chính quốc gia là điều kiện tiên quyết để đưa nền kinh tế tăng tốc. Cải cách một thị trường tài chính theo hướng chuyên nghiệp hơn, tiệm cận với những đặc trưng căn bản của một thị trường tài chính quốc tế sẽ giúp hóa giải những nút thắt mà nền kinh tế nước ta thường gặp phải như vốn cho đầu tư phát triển, tài trợ cho bội chi ngân sách, tính thanh khoản cao trong thị trường, chi phí vốn bình quân của xã hội…

Thế giới sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Lựa chọn những bước đi thích hợp, tận dụng những thành tựu của khoa học công nghệ trên thế giới, nắm bắt kịp thời những thời cơ, tạo ra sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn xã hội… thì chúng ta hoàn toàn hy vọng đất nước sẽ có những chuyển biến rất tích cực, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh trong khối ASEAN.

Giữa bối cảnh tình hình khó khăn, điểm đáng chú ý là thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ở Việt Nam phát triển mạnh, trong đó, có nhiều trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), ngân hàng phát hành thành công. Ông đánh giá thế nào về diễn biến này?

Ông Trương Văn Phước: Mua bán trái phiếu là hoạt động phổ biến trên thị trường vốn, tín dụng ngân hàng là hoạt động trên thị trường tiền tệ. Công bằng mà nói thị trường vốn của chúng ta còn ở giai đoạn sơ khởi, mặc dù trong 10 năm trở lại đây thị trường chứng khoán đã nhộn nhịp hơn nhiều.

Do đó các giao dịch trái phiếu cần đón nhận như một tín hiệu tích cực theo nghĩa là đang trên đường tiến đến sự cân bằng giữa các dòng vốn ngắn hạn trên thị trường tiền tệ, và các dòng vốn trung dài hạn trên thị trường vốn.

Về cơ chế, Việt Nam  đã điều chỉnh khuôn khổ pháp lý chặt chẽ nhưng thông thoáng hơn cho hoạt động này. Mặt khác việc tiếp cận vốn từ phát hành trái phiếu có những điều kiện ít ngặt nghèo hơn so với tín dụng ngân hàng. Lãi suất trong 10 tháng đầu năm đã giảm thấp rất nhiều, có thể là một nguyên nhân làm cho các TPDN với lãi suất cao hơn có sức hấp dẫn hơn. Do đó, các giao dịch TPDN thời gian qua tăng mạnh mặc dù tình hình kinh tế có khó khăn,

Hệ thống NHTM thời gian qua đã quan tâm nhiều hơn đến những rủi ro từ tín dụng BĐS. Việc lựa chọn mua trái phiếu suy cho cùng là sự đánh đổi cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro. Đối với các NHTM việc phải tuân thủ các chuẩn mực quy định về an toàn vốn trong Basel II buộc các NHTM phải tăng vốn chủ sở hữu, do đó việc phát hành các trái phiếu cấp 2 (làm tăng vốn xem như tự có) thường có kỳ hạn dài, với lãi suất hấp dẫn hơn đã thu hút nhiều nhà đầu tư.

Đánh giá chung, tôi cho rằng bên cạnh sự phát triển của TPCP với quy mô rất lớn thì hoạt động mua bán trái phiếu của DN cũng như ngân hàng thời gian qua là tích cực, làm phong phú thêm hình ảnh của một thị trường tài chính cần đáp ứng tương thích với yêu cầu phát triển của nền kinh tế thực.

Việt Nam vừa qua bị đưa vào danh sách theo dõi của Hoa Kỳ về thao túng tiền tệ, ông đánh giá việc này thế nào, chúng ta  cần ưu tiên làm gì để giải quyết vấn đề? 

Ông Trương Văn Phước:  Mục tiêu cân bằng cán cân thương mại, vốn dĩ bị thâm hụt lớn, trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu mà những nhà quản lý nền kinh tế Mỹ hướng đến. Ba tiêu chí đó là: Thặng dư cán cân vãng lai quốc gia lớn hơn 2% GDP; thặng dư thương mại với Mỹ lớn hơn 20 tỷ USD; mua ròng ngoại tệ lớn hơn 2% GDP.

Quan điểm của Mỹ cho rằng, thặng dư thương mại hằng năm của Trung Quốc xuất siêu vào Mỹ, chẳng hạn năm 2019 là 345,2 tỷ USD, là do Trung Quốc thao túng tỉ giá hay cụ thể hơn là phá giá đồng Nhân dân tệ dưới giá trị thực của nó. Từ đó, một cách gián tiếp sẽ trợ giá cho hàng xuất khẩu tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.

Thực tế thì Chính phủ Mỹ đã đưa ra một danh sách nhiều quốc gia về thao túng tiền tệ, Việt Nam chúng ta nằm trong danh sách theo dõi của Hoa Kỳ.  Nhưng theo dõi có nghĩa là chưa kết luận, chưa quy kết nên chúng ta còn cơ hội giải quyết.

Tôi đồng tình với việc  Chính phủ, các bộ, ngành đang và sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại với các cơ quan đồng cấp Hoa Kỳ.

Đáng chú ý, trong cuộc gặp với Cơ quan Phát triển tài chính Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, chính sách tỉ giá của Việt Nam không nhằm mục đích tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế hay hỗ trợ cho từng ngành sản xuất. Trên thực tế, điều Việt Nam quan tâm nhất lúc này là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của người dân, các nhà đầu tư, nếu phá giá mạnh VND, sự xáo trộn có thể gây thiệt hại lớn đối với cả nền kinh tế.

Về cán cân vãng lai thì xuất khẩu ròng tuy có thặng dư nhưng không hề lớn. Thực tế, phần chiếm tỉ trọng lớn trong cán cân vãng lai chính là kiều hối, mà kiều hối thì không phụ thuộc nhiều vào tỉ giá. Thực tế, có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây, có thặng dư, không chỉ đối với Mỹ mà còn với nhiều quốc gia khác khi Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước. Trong đó, xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng khá lớn.

Hơn nữa, thời gian gần đây chúng ta cũng đã tăng cường nhập khẩu nhiều hàng hóa, nguyên liệu… từ thị trường Mỹ. Cuối cùng, việc mua ròng ngoại tệ là do cán cân thanh toán của Việt Nam thặng dư lớn, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư trực tiếp cũng như gián tiếp.

Nếu phân tích thực tế trong rổ tiền tệ mà đồng Việt Nam dùng làm tham chiếu với các ngoại tệ của các quốc gia đối tác thì lạm phát Việt Nam thường cao hơn và đây mới chính là bản chất sâu xa của việc VND mất giá đối với Đô la Mỹ.

Tất nhiên, bên cạnh việc giải thích và đối thoại với người Mỹ thì chúng ta cũng cần tăng cường nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu, chất lượng, công nghệ cao… của Mỹ để làm thặng dư thấp xuống, thậm chí cân bằng trong cán cân thương mại với Mỹ. Cũng cần phải đa dạng hóa các công cụ phái sinh trong hoạt động ngoại hối để các hoạt động mua bán không chỉ tập trung ở các khoản mục mua ngay, dứt điểm hạch toán vào cán cân thanh toán mà còn sử dụng các hoạt động hoán đổi, vừa mua vừa bán như nhiều ngân hàng trung ương các nước vẫn làm. Xác định rõ, phân định tiêu chí cụ thể thích hợp đối với các khoản mục của cán cân vãng lai và cán cân vốn. Làm được những điều này tức là ta chứng minh rõ ràng hơn, tránh để phía Mỹ “hiểu lầm” về việc Việt Nam phải sử dụng tỉ giá để thao túng tiền tệ hay tạo lợi thế thương mại.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Huy Thắng