19/12/2024 lúc 23:03 (GMT+7)
Breaking News

Yên Định phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2024

Là huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Định không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao (NTMNC) vào năm 2024.
Mô hình trồng dưa trong nhà màng, nhà lưới tại huyện Yên Định.

Ngay sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2015, Yên Định tiếp tục xây dựng kế hoạch, lộ trình, đề ra các giải pháp thực hiện, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao (NTMNC), nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM) với sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn, xóm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ mục tiêu xây dựng NTMNC là nâng cao các tiêu chí để người dân có đời sống vật chất tinh thần ở mức cao hơn, văn minh hơn. Bám sát quan điểm chỉ đạo là không nóng vội, chạy theo thành tích mà làm đến đâu chắc đến đó, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của những cán bộ, đảng viên, khơi dậy nội lực mạnh mẽ trong Nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới.

Công tác tập huấn nâng cao kiến thức xây dựngNTM, kĩ thuật trồng trọt, ATTP và xử lí rác thải hữu cơ cho cán bộ và nhân dân được chú trọng. Trong giai đoạn 2021 - 2022, huyện đã tổ chức148 lớp tập huấn, trong đó có 15 lớp tập huấn kiến thức xây dựng NTM cho cán bộ xã, thôn với 1.183 lượt người tham gia; 112 lớp tập huấn kiến thức về kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi và ATTP cho 8.250 lượt người tham gia; 21 lớp tập huấn kiến thức về xử lý rải thải hữu cơ tại hộ gia đình với 1.050 người dân tham gia, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện.

 Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, khang trang.

Tổng huy động nguồn lực cho Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2022 đạt 2.561,26 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương, tỉnh là 61,04 tỷ đồng; ngân sách huyện là 36,52 tỷ đồng; ngân sách xã là 117,50 tỷ đồng; vốn lồng ghép là 6,2 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp là 50 tỷ đồng;vốn huy động từ cộng đồng dân cư là 2.290 tỷ đồng). Ngoài ra các thôn đã huy động hiến 4.456m2 đất ở và gần 2.000m2 đất khác để mở rộng đường giao thông; hàng nghìn ngày công lao động để trồng, chăm sóc đường hoa và vệ sinh môi trường; trát tường rào, khơi thông cống rãnh, nâng cấp kênh mương, đường làng, ngõ xóm.

Nét nổi bật của Yên Định trong xây dựng NTM là huyện đã có những cơ chế, chính sách động viên, hỗ trợ các xã về cơ sở vật chất, phát triển kinh tế, hình thành những khu trang trại tập trung, những vùng chuyên canh sản xuất lớn phục vụ cho xuất khẩu, nhờ đó mà giá trị sản xuất đã không ngừng tăng từ 76,95 triệu đồng năm 2010 lên 120 triệu đồng năm 2015; 140 triệu đồng năm 2018 và đến năm 2022 ước đạt 161,3 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng từ 16,5 triệu đồng/người/ năm 2011 lên 38,79 triệu đồng năm 2018 và đạt 61,55 triệu đồng năm 2022.

Đến nay huyện Yên Định đã xây dựng thành công 6 xã NTMNC là Định Tân, Định Long, Định Liên, Định Hòa, Định Bình và Yên Phong; 02 xã NTMKM là Định Tân và Định Long. Toàn huyện có 37 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn kiểu mẫu theo Quyết định của huyện và 11 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn kiểu mẫu theo Quyết định của tỉnh. Phấn đấu hoàn thành cơ bản điều kiện huyện NTM nâng cao trong Quý IV/2023, đạt huyện NTM nâng cao năm 2024.

Trong quá trình xây dựng NTM, Yên Định đã rút được nhiều bài học quý báu từ thực tiễn, đó là phải tranh thủ tối đa sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh. Phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể, trong đó, vai trò của người đứng đầu là nhân tố quyết định; phải xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện sát với thực tiễn của từng địa phương, cơ sở; ban hành đồng bộ cơ chế,chính sách khuyến khích xây dựng NTM; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, các thành viên BCĐ các cấp trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung xây dựng NTM.

Coi trọng công tác tuyên truyền,tập huấn, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức; trong tuyên truyền phải đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với thực tế để người dân nhận thức được và tự giác thực hiện.

Từ điều kiện nguồn lực có hạn, phải đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế đặc biệt là huy động nguồn lực trong nhân dân; lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn để phục vụ xây dựng NTM.

Xây dựng NTM phải thực sự phát huy dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”, đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch từ công tác quy hoạch, kế hoạch, xác định lộ trình, huy động nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện từng nội dung trong xây dựng NTM.

Công tác kiểm tra, giám sát, thi đua khen thưởng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, từ đó phát hiện những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ cũng như động viên, khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến, nghiêm khắc phê bình, kỷ luật những cá nhân, tập thể có tư tưởng chần chừ, ngại khó, làm qua loa, chiếu lệ hoặc vi phạm các quy định trong quá trình xây dựng NTM./.

Ngọc Thể - Đỗ Thanh